Thứ Tư, 15/01/2025 23:55 (GMT +7)

Thay đổi tư duy và cơ cấu cây trồng sau hạn, mặn

Thứ 3, 19/04/2016 | 00:00:00 [GMT +7] A  A

Nằm giữa dòng sông Cổ Chiên, xã Long Hòa, huyện Châu Thành, tỉnh Trà Vinh, vốn được xem là vùng đất cù lao nghèo, điều kiện kinh tế – xã hội rất khó khăn nhưng chỉ sau 7 năm thực hiện chuyển đổi cơ cấu sản xuất, Long Hòa đã chuyển mình với sức sống mới.

Xóa thế độc canh
Cù lao Long Hòa bây giờ nổi tiếng khắp tỉnh Trà Vinh với sản phẩm gạo hữu cơ ST5 thơm ngon và nhiều loại hải sản được nuôi trồng theo hình thức quảng canh cải tiến, không sử dụng thuốc kháng sinh. Đây là thành quả của sự chuyển cơ cấu sản xuất từ độc canh cây lúa sang mô hình sản xuất kết hợp lúa – tôm sú, lúa – tôm càng, lúa – cá, lúa – cua biển. Cũng nhờ đó, đời sống người dân Long Hòa từng bước được cải thiện, nhiều hộ vươn lên làm giàu.
Ông Võ Minh Thành, Bí thư Đảng ủy xã Long Hòa, cho biết con sông Cổ Chiên nửa năm nước mặn, nửa năm ngọt nên đất sản xuất của xã Long Hòa bị ảnh hưởng rất lớn. Theo tập quán lâu đời, người dân Long Hòa chỉ biết độc canh cây lúa một vụ vào mùa mưa. Năm nào gió thuận mưa hòa, cây lúa cho được năng suất 4 – 5 tấn/ha, nếu gặp năm nước mặn về sớm xem như trắng tay. Vì thế, đời sống đa số người dân địa phương lâm vào cảnh nghèo túng.
Đầu năm 2000, khi nhiều vùng ngập mặn trong tỉnh phát triển mạnh nghề nuôi tôm sú, nhiều hộ dân ở địa phương đã học làm theo, chuyển đổi đất trồng lúa gia đình sang chuyên nuôi tôm. Nhưng điều kiện đất đai ở Long Hòa không ngập mặn quanh năm, thiếu hạ tầng kỹ thuật, người dân thiếu kiến thức khoa học kỹ thuật và kinh nghiệm nên kết quả đều thất bại. Nhiều hộ nuôi tôm sú lâm vào cảnh nợ vay ngân hàng chồng chất.

Trong những năm gần đây, người dân Long Hòa tiếp tục thử nghiệm mô hình sản xuất kết hợp chăn nuôi bò.

 

Trong khi trồng lúa năng suất bấp bênh, nuôi tôm hiệu quả không như mong muốn, lãnh đạo xã đã nỗ lực tìm lối đi mới cho sản xuất nông nghiệp địa phương. Năm 2008, thông qua giới thiệu của Phòng NN&PTNT huyện, Công ty TNHH Dịch vụ – Thương mại Hồng Tinh ở TP Hồ Chí Minh đã ký kết thực hiện mô hình trồng lúa hữu cơ. Nông dân trồng lúa được cung cấp giống ST5, được hướng dẫn kỹ thuật và bao tiêu sản phẩm với giá mua tăng thêm 1.500 đồng/kg so giá thị trường. Vụ trồng lúa hữu cơ đầu tiên với diện tích hơn 36 ha được áp dụng đúng kỹ thuật, năng suất lúa đạt 5,2 tấn/ha, nông dân có lãi bình quân 30 triệu đồng/ha.

Lan tỏa mạnh mẽ
Nhận thấy mô hình trồng lúa hữu cơ không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật có thể kết hợp thả nuôi các loài thủy sản nên vào năm thứ 2, UBND xã vận động các hộ ký kết hợp đồng trồng lúa thả nuôi thêm cá, tôm càng. Kết quả, mô hình kết hợp này giúp nông dân tăng thêm thu nhập 10 – 15 triệu đồng/ha. Từ sự thành công này, mô hình đã nhanh chóng lan tỏa trong toàn xã. Hơn 1.100 ha đất độc canh cây lúa trong xã được chuyển đổi sang mô hình trồng lúa chất lượng cao kết hợp nuôi thủy sản. Không dừng ở đó, vào mùa khô, diện tích đất trồng lúa còn được người dân bố trí nuôi thêm một vụ tôm sú theo hình thức quảng canh cải tiến. Đây là mô hình làm tăng thêm tính hiệu quả và bền vững trong sản xuất, giúp người dân Long Hòa nhanh chóng được đổi đời.
Ông Huỳnh Văn Tới, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Châu Thành bày tỏ, mô hình sản xuất lúa hữu cơ kết hợp nuôi thủy sản ở Long Hòa được nhiều nhà chuyên môn khảo sát đánh giá bền vững về 2 mặt kinh tế và môi trường sinh thái. Sau mỗi vụ nuôi tôm, đất được bổ sung một lượng hữu cơ rất lớn, giúp cây lúa phát triển tốt mà không cần phải bón phân nhiều. Ngược lại, cây lúa giúp làm sạch môi trường, tạo điều kiện cho các sinh vật phù du phát triển làm nguồn thức ăn cho tôm, cá,… tránh được rủi ro dịch bệnh.
Theo ông Lê Văn Trí, Chủ tịch UBND xã Long Hòa, qua 5 năm phát triển mô hình trồng lúa kết hợp thủy sản và một vụ nuôi tôm quảng canh cải tiến trong mùa khô, bình quân mức lợi nhuận đem lại cho người sản xuất từ 70 – 80 triệu đồng. Nhờ đó, đời sống của người dân Long Hòa nhanh chóng vươn lên khỏi cảnh khó khăn, có rất nhiều hộ trở thành hộ khá, giàu. Tỷ lệ hộ nghèo trong xã từ trên 20% năm 2010, nay giảm xuống còn 8,8%. Mức thu nhập bình quân đầu người dân Long Hòa năm 2014 đạt 26,2 triệu đồng/người trên năm.
Nhiều chuyên gia đã nhận định rằng, khi biết khuynh hướng là không thể đảo ngược, chúng ta phải chuyển theo cho phù hợp với khuynh hướng, đó là cách thích nghi tốt. Đặc biệt, nước mặn có thể mang lại cơ hội canh tác nước mặn như nuôi thủy sản và cách làm ở cù lao Long Hòa này là một dẫn chứng thiết thực.
Cần cù lao động và luôn phấn đấu vươn lên cuộc sống no ấm đang là phong trào thi đua của người dân trên đất cù lao. Trong những năm gần đây, người dân Long Hòa lại tiếp tục bổ sung cho mô hình sản xuất kết hợp của mình là chăn nuôi bò. Trên bờ bao của diện tích trồng lúa kết hợp nuôi thủy sản, người dân Long Hòa trồng cỏ, trữ rơm để làm thức ăn cho bò. Hiện nay, trong số 2.480 hộ dân toàn xã đã có hơn 50% số hộ có chăn nuôi bò sinh sản với tổng đàn hơn 1.800 con. Đây là nguồn tích lũy hiệu quả, vững chắc, hứa hẹn về cuộc sống mới no ấm trong những năm sắp tới của người dân trên vùng đất cù lao này.
Anh Đức – Phúc Sơn

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu