Thứ Bảy, 18/01/2025 07:31 (GMT +7)

Thế giới có trên 136,7 triệu ca mắc COVID-19

Thứ 3, 13/04/2021 | 10:01:00 [GMT +7] A  A

Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 22h00 ngày 12/4 theo giờ Việt Nam, thế giới đã ghi nhận tổng cộng 136.772.946 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, trong đó có 2.951.864 ca tử vong. Số bệnh nhân đã hồi phục là 109.995.229 người.

Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Bangalore, Ấn Độ. Ảnh: THX/TTXVN

Diễn biến dịch bệnh tại Ấn Độ vẫn phức tạp. Theo số liệu của Bộ Y tế Ấn Độ, nước này đã ghi nhận 168.912 ca nhiễm mới trong 24 giờ qua – cao hơn 152.879 ca ghi nhận ngày 11/4 và là mức cao nhất kể từ khi dịch bệnh bắt đầu bùng phát năm ngoái. Trong mấy ngày qua Ấn Độ liên tiếp ghi nhận số ca nhiễm mới SARS-CoV-2 hằng ngày ở các mức cao nhất, trong đó ngày 12/4 là ngày thứ 6 liên tiếp nước này ghi nhận số nhiễm mới trên 100.000 ca. Tổng số ca mắc COVID-19 tại Ấn Độ đã lên tới 13.527.717 ca, đứng thứ hai thế giới sau Mỹ với 31.920.778 ca mắc và 575.831 ca tử vong. Brazil đứng thứ ba thế giới khi ghi nhận 13.482.543 ca mắc và 353.293 ca tử vong.

Xét theo khu vực, châu Âu bị ảnh hưởng nhiều nhất với hơn 41.716.090 ca mắc và hơn 952.806 ca tử vong. Khu vực Bắc Mỹ đứng thứ hai với hơn 36.809.544 ca nhiễm và hơn 837.770 ca tử vong. Nước

Pháp ghi nhận số ca mắc mới nhiều hơn cả với 34.895 ca, tiếp theo Ba Lan và Đức lần lượt ghi nhận 21.706 và 16738 ca. Châu Á đứng thứ ba với hơn 31.228.189 ca nhiễm và hơn 447.200 ca tử vong. Sau Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ có số ca mắc mới cao thứ hai tại châu lục này với 50.678 ca. Tại khu vực Đông Nam Á, tình hình dịch diễn biến phức tạp hơn. Cùng ngày, Thái Lan thông báo đã ghi nhận thêm 985 ca mắc mới COVID-19, đánh dấu ngày thứ hai liên tiếp số ca mắc mới theo ngày ở mức cao nhất kể từ đầu dịch. Theo các nhà chức trách Thái Lan, hầu hết số ca mắc mới có liên quan đến ổ dịch ở những quán rượu mà đã lây lan ra nhiều tỉnh trên toàn quốc. Hiện Thái Lan đang đối phó với làn sóng dịch COVID-19 thứ ba với sự xuất hiện của một biến thể mới của virus SARS-CoV-2 có khả năng lây nhiễm cao.

Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Viêng chăn, Lào. Ảnh: THX/TTXVN

Lào cùng ngày cũng ghi nhận bệnh nhân mắc COVID-19 thứ 50 và đây là ca mắc đầu tiên kể từ giữa tháng 4/2020. Điều này buộc các nhà chức trách Lào tăng cường một số biện pháp phòng ngừa trong thời gian Tết cổ truyền Boun Pi May Lào (Bun Pi Mày) 2021, như tạm thời đóng cửa các tụ điểm giải trí, karaoke và cửa hàng ăn uống trong thời gian còn lại của tháng 4; đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine, yêu cầu người dân hạn chế di chuyển sang các địa phương khác. Tới thời điểm hiện tại, Lào đã phát hiện 52 trường hợp nhiễm virus SARS- CoV- 2 và không có ca nào tử vong.

Tại Campuchia, Bộ Y tế nước này thông báo ghi nhận 277 ca mắc mới COVID-19. Cũng như những ngày trước, phần lớn các ca mới được phát hiện ở thủ đô Phnom Penh (204 ca), số còn lại ở Svay Rieng (43 ca), Kandal (23 ca), Pursat (3 ca), Prey Veng (2 ca), Takeo (1 ca) và Sihanoukville (1 ca).

Các quốc gia trên thế giới đang đẩy nhanh và mở rộng chương trình tiêm chủng. Ngày 12/4, Thủ tướng của New Zealand Jacinda Ardern cho biết những người làm việc tại các khu vực biên giới phải được tiêm vaccine ngừa COVID-19 vào cuối tháng này, nếu không sẽ phải đối mặt với nguy cơ bị điều chuyển công tác. Khuyến cáo này được đưa ra trong bối cảnh quốc gia châu Đại Dương này ghi nhận trường hợp thứ ba mắc COVID-19 liên quan tới một nhân viên ở biên giới. Theo thống kê, hiện đã có khoảng 86% nhân viên biên giới được tiêm phòng.

Nhật Bản cũng đã bắt đầu chương trình tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho một lượng lớn người cao tuổi. Theo đó, những người trên 65 tuổi ở nước này đã được tiêm vaccine của hãng Pfizer tại khoảng 120 điểm tiêm chủng trên toàn quốc. Giới chuyên gia cho rằng việc tiêm chủng hiện nay ở Nhật Bản có thể không ngăn chặn được làn sóng lây nhiễm thứ 4 dịch COVID-19, bởi ngày càng có nhiều người trẻ nhiễm virus SARS-CoV-2 so với thời gian trước đây.

Nhân viên y tế tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho người dân tại Uttar Pradesh, Ấn Độ. Ảnh: THX/TTXVN

Tại Ấn Độ, trong bối cảnh khan hiếm vaccine COVID-19 trong nước, một ủy ban chuyên gia đã chấp thuận sử dụng vaccine Sputnik V của Nga trong trường hợp khẩn cấp. Đây sẽ là vaccine COVID-19 thứ ba được cấp phép sử dụng ở Ấn Độ, ngoài vaccine của AstraZeneca và vaccine nội địa của công ty Bharat Biotech.

Trong khi đó, hãng dược Johnson & Johnson của Mỹ đã bắt đầu bàn giao vaccine phòng COVID-19 cho các quốc gia tại Liên minh châu Âu (EU). Theo đó, Johnson & Johnson bắt đầu bàn giao vaccine COVID-19 cho EU trong ngày 12/4. Ban đầu, Johnson & Johnson dự kiến bàn giao vaccine cho EU vào đầu tháng 4 nhưng sau đó phải hoãn lịch bàn giao vì gặp một số vấn đề trong khâu sản xuất.

Liên quan đến các trường hợp tử vong sau khi tiêm vaccine, giới chức y tế Hàn Quốc khẳng định không có mối liên quan nào giữa việc tiêm vaccine ngừa COVID-19 với 11 ca tử vong, đồng thời đảm bảo với công chúng về sự an toàn của vaccine. Theo Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA), lực lượng chức năng đã hoàn tất cuộc điều tra về 11 trong số 47 người tử vong trong vòng vài ngày sau khi tiêm vaccine ngừa COVID-19 của AstraZeneca và Pfizer Inc cũng như cuộc khảo sát dịch tễ về 32 trong số 47 trường hợp tử vong được ghi nhận. KDCA phát hiện toàn bộ 11 người trên 70 tuổi đều mắc các bệnh lý nền và 7 người trong số này đã được đưa vào các cơ sở chăm sóc lâu dài. Nhà chức trách Hàn Quốc kết luận cái chết của những người này nhiều khả năng liên quan đến các bệnh lý nền mà họ đã mắc, trong đó có đột quỵ. Cũng theo giới chức Hàn Quốc, lực lượng chức năng sẽ tiếp tục tiến hành các khảo sát dịch tễ về 15 trường hợp tử vong.

Thanh Hương (TTXVN)
https://baotintuc.vn/the-gioi/the-gioi-co-tren-1367-trieu-ca-mac-covid19-20210412221032634.htm

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu