Tất cả chuyên mục
Long An|
30°C
/ 27°C - 33°C
Thứ Năm, 16/01/2025 01:46 (GMT +7)
“Thiên đường” rau sạch Đà Lạt
Thứ 5, 19/05/2016 | 00:00:00 [GMT +7] A A
Phương pháp trồng rau ứng dụng công nghệ cao đang phát triển rộng rãi tại thành phố Đà Lạt và các vùng phụ cận. Không chỉ các doanh nghiệp lớn mà ngay cả hộ nông dân cũng mạnh dạn đầu tư, đưa công nghệ mới vào sản xuất nông sản và chính họ đang biến vùng đất này thành một “thiên đường” rau sạch công nghệ cao.
Thu hoạch rau xà lách trồng bằng công nghệ thủy canh
Vườn rau trên không
Đó là cách nói ví von dành cho những nhà vườn áp dụng phương pháp canh tác theo công nghệ thủy canh. Nghĩa là trồng rau bằng nước. Cây rau (chủ yếu là xà lách, rau thơm) sẽ được trồng trên giàn cao, cách ly hoàn toàn khỏi mặt đất – nơi tiềm ẩn những nguy cơ nhiễm bệnh cao nhất. Rau được trồng trên từng ống nhựa, bên trong ống có nước chứa dưỡng chất, cung cấp dinh dưỡng cho cây hấp thụ hàng ngày. Khi rau đến kỳ thu hoạch, chỉ cần kéo cây ra khỏi ống thủy canh và cắt bỏ bộ rễ trắng muốt, đóng gói và chuyển đi tiêu thụ. Nhiều nhà vườn, nông trại tại Đà Lạt lựa chọn công nghệ này như giải pháp cứu cánh thay thế cho kỹ thuật trồng rau theo truyền thống, dù chi phí đầu tư ban đầu không hề rẻ.
Mô hình trồng rau thủy canh được Công ty TNHH Rừng hoa Bạch Cúc (xã Lát, huyện Lạc Dương) áp dụng hơn một năm nay với giống xà lách Mỹ. Rau được trồng trên giàn cao gần 1m so với mặt đất và nằm bên trong nhà kính, cách ly hoàn toàn môi trường bên ngoài. Do đó đã giúp cây tránh được nhiều loại côn trùng, sâu bệnh gây hại nên việc phun thuốc trừ sâu, thuốc hóa học hầu như không cần đến.
Tại trang trại này, nhân công phải trực để máy bơm hoạt động liên tục 24/24h. Nước có pha trộn chất dinh dưỡng từ thùng chứa được máy bơm ra hệ thống các ống thủy canh, chảy luân hồi để cây hấp thụ dưỡng chất. Ông Phan Văn Nhật (nhân công Công ty Rừng hoa Bạch Cúc) giải thích: “Với phương pháp này, chất dinh dưỡng được cung cấp hoàn toàn cho bộ rễ cây hấp thụ mà không sợ bị bốc hơi hay thấm vào đất nên tiết kiệm phân bón hơn hẳn so với trồng trên nền đất như truyền thống”.
Ngoài công nghệ thủy canh, hiện nay các trang trại, nhà vườn tại Đà Lạt còn áp dụng nhiều mô hình, kỹ thuật canh tác hiện đại nhằm cho ra sản phẩm chất lượng cao, an toàn với sức khỏe người tiêu dùng. Tiêu biểu như công nghệ trồng rau trên giá thể (ớt ngọt, cà chua, dâu tây), hoặc mô hình trồng rau hữu cơ của một số doanh nghiệp, trang trại lớn như Tập đoàn Lộc Trời, Công ty Đà Lạt GAP, Công ty Fresh Studio, Hợp tác xã Tân Tiến, Hợp tác xã Anh Đào, Hợp tác xã Trung Tín (phường 7), Công ty Liên doanh Organik Đà Lạt…
Những công nghệ trên giúp cây rau được cách ly với môi trường và đất nhiễm bẩn, từ đó giảm đáng kể việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật độc hại. Đặc biệt, với công nghệ thủy canh, các mẫu rau qua phân tích đều có dư lượng tiệm cận mức bằng 0 và thấp hơn nhiều so với tiêu chuẩn chung của Bộ Y tế. Thạc sỹ Lê Thị Thanh Nga, Trưởng phòng Phân tích kiểm tra chất lượng sản phẩm nông nghiệp (Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh Lâm Đồng) cho biết, kết quả phân tích mẫu cho thấy sản phẩm rau thủy canh hầu như không để lại những tồn dư của thuốc bảo vệ thực vật và các vi sinh vật gây hại cho đường ruột như Ecoli, Coliform, Nitrat… nên khá an toàn cho sức khỏe, người mua rau chỉ cần rửa sơ là dùng được ngay.
Bắt tay trồng rau sạch
Nắm bắt được nhu cầu thị trường ưu tiên sử dụng nguồn nông sản, thực phẩm sạch và có nguồn gốc rõ ràng nên hiện nay nông dân Đà Lạt không còn sản xuất manh mún mà họ đã bắt tay, cùng nhau thành lập chuỗi sản xuất rau an toàn rồi cung ứng trực tiếp cho nhà tiêu thụ. Trong đó ưu tiên cho các hệ thống siêu thị, cửa hàng tại các thành phố lớn như TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng, Nha Trang… Hiệu quả bước đầu cho thấy, các mô hình liên kết sản xuất có tính ổn định cao, chủ động được đầu ra và giá cả không phụ thuộc thị trường như trước đây.
Trong mô hình liên kết trồng – cung ứng rau sạch, các đơn vị là hợp tác xã, tổ hợp tác, doanh nghiệp đóng vai trò đầu tàu, ký kết hợp đồng tiêu thụ rau với chuỗi siêu thị, nhà hàng. Trong khi đó, xã viên hoặc hộ nông dân liên kết có nhiệm vụ canh tác rau theo quy trình an toàn, đến kỳ thu hoạch chỉ việc đưa rau đến xưởng sơ chế để đóng gói, chuyển đi tiêu thụ.
Mỗi ngày, trang trại rộng 4ha của gia đình ông Lê Công Thôn (thị trấn Liên Nghĩa, Đức Trọng) thu hoạch được trên dưới 1 tấn rau các loại. Dù nhiều nhưng lượng nông sản thu đến đâu được bán hết đến đó. Ông Thôn không cần lo lắng về đầu ra hoặc phải đổ bỏ rau khi bị thương lái ép giá do ông đã ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm với trang trại Phong Thúy (huyện Đức Trọng). Với việc liên kết này, mỗi năm gia đình ông đạt lợi nhuận không dưới 1 tỷ đồng từ việc sản xuất rau sạch. “Khi ký kết để có đầu ra ổn định, giá các loại rau được ăn theo hợp đồng, không phụ thuộc thị trường nữa nên chúng tôi yên tâm sản xuất, canh tác rau sao cho chất lượng cao nhất” – ông Thôn cho hay.
Đại diện Hợp tác xã Anh Đào (thành phố Đà Lạt) cho biết, hiện nay đơn vị này ký hợp đồng tiêu thụ mỗi ngày 7,5 tấn rau cho hệ thống siêu thị Co.op Mart, giá thu mua cao hơn rau sản xuất kiểu truyền thống từ 10 – 15%. Ngoài 22 xã viên, Anh Đào còn “bắt tay” với 80 nông hộ, mở rộng diện tích sản xuất rau an toàn lên 270ha nhằm đáp ứng nhu cầu của thị trường trong và ngoài nước. Khi ký kết hợp tác, tất cả các mô hình đều phải tuân thủ quy trình sản xuất an toàn, cùng sự hỗ trợ kỹ thuật canh tác, giống, vật tư của hợp tác xã.
Lâm Đồng đặt mục tiêu đến năm 2020 sẽ xây dựng và phát triển 5 – 7 vùng sản xuất rau ứng dụng công nghệ cao, nhằm dần hình thành các vùng chuyên canh, trang trại lớn áp dụng phương pháp canh tác mới, đáp ứng yêu cầu để sản xuất ra các sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao.
Toàn tỉnh hiện có 33 cơ sở sản xuất rau được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm với tổng diện tích là 201ha, sản lượng hơn 7.000 tấn/năm. Ngoài ra, Đà Lạt và vùng phụ cận có 82 cơ sở sản xuất rau được cấp giấy chứng nhận sản xuất rau an toàn theo hướng VietGAP với tổng diện tích 678,6ha, sản lượng 1.263 tấn/năm, 5 cơ sở sản xuất rau an toàn theo hướng GlobalGAP, Organik với tổng diện tích 22ha, sản lượng 543 tấn/năm.
NGUYỄN DŨNG- Nguồn tin: Báo Lâm Đồng
Ý kiến ()