Thứ Năm, 16/01/2025 09:53 (GMT +7)

Thời tiết cực đoan đang tàn phá các nước giàu có

Thứ 2, 19/07/2021 | 15:10:00 [GMT +7] A  A

Một số quốc gia giàu có nhất châu Âu đã rơi vào tình trạng hỗn loạn cuối tuần vừa qua khi những con lũ hung hãn nhấn chìm các thị trấn, cuốn trôi xe cộ và khiến người dân phải bàng hoàng về mức độ tàn phá.

Xe cộ bị mắc kẹt trên đoạn đường cao tốc ngập nước ở Erftstadt, Đức, ngày 17/7. Ảnh: EPA

Hay như chỉ vài ngày trước ở phía Tây Bắc Mỹ – khu vực nổi tiếng với thời tiết mát mẻ, có sương mù – hàng trăm người đã chết vì nắng nóng. Và cuối tuần này, dãy núi Rocky phía Bắc đang chuẩn bị đón đợt nắng nóng khác khi các đám cháy rừng lan rộng khắp 12 bang ở miền Tây nước Mỹ. Ở Canada, cháy rừng đã thiêu rụi cả một ngôi làng. Trong khi đó, thủ đô Moskva của Nga phải quay cuồng với nhiệt độ cao kỷ lục.

Tờ New York Times đưa tin các thảm họa thời tiết khắc nghiệt ở khắp châu Âu và Bắc Mỹ đã chỉ ra hai thực trạng thiết yếu của lịch sử và khoa học: Toàn thế giới chưa sẵn sàng để làm chậm lại biến đổi khí hậu cũng như việc sống chung với nó.

Tiến sĩ Friederike Otto, nhà vật lý tại Đại học Oxford, người nghiên cứu mối liên hệ giữa thời tiết khắc nghiệt và biến đổi khí hậu, cho biết: “Ý tưởng rằng bạn có thể chết vì thời tiết là hoàn toàn xa lạ. Thậm chí chúng ta còn không nhận ra rằng thích ứng là điều phải làm ngay bây giờ. Chúng ta phải cứu mạng sống của mọi người”.

Lũ quét ở châu Âu tuần qua đã khiến gần 200 người thiệt mạng, phần lớn nạn nhân ở Đức – nền kinh tế mạnh nhất châu Âu. Khắp Đức, Bỉ và Hà Lan, hàng trăm người vẫn còn mất tích, cho thấy số nạn nhân tử vong sẽ còn tăng lên. Câu hỏi đang được đặt ra là liệu các nhà chức trách có cảnh báo đầy đủ cho công chúng về những rủi ro hay không.

Câu hỏi lớn hơn là liệu những thảm họa đang gia tăng ở các nước phát triển có ảnh hưởng đến kế hoạch mà các quốc gia và công ty có ảnh hưởng nhất trên thế giới sẽ làm để giảm lượng khí thải đang hun nóng hành tinh hay không.

Cuộc đàm phán về khí hậu do Liên hợp quốc tổ chức ở Glasgow, Scotland, tháng 11 sắp tới thực sự là thời điểm thích hợp để tính toán liệu các quốc gia trên thế giới có thể đồng ý về những biện pháp kiềm chế lượng khí thải đủ để ngăn chặn những tác động tồi tệ nhất của biến đổi khí hậu.

Cháy rừng quốc gia Plumas, California, Mỹ ngày 15/7. Ảnh : Reuters

Trước đó, những thảm họa do hiện tượng nóng lên toàn cầu gây ra đã để lại dấu vết mất mát trên hầu hết các quốc gia đang phát triển, xóa sổ mùa màng ở Bangladesh, san bằng các ngôi làng ở Honduras và đe dọa sự tồn tại của các quốc đảo nhỏ.

Bão Haiyan đã tàn phá nặng nề Philippines ngay trước thềm cuộc họp về khí hậu vào năm 2013, khiến đại diện của các nước đang phát triển phải kêu gọi tài trợ để đối phó với những mất mát và thiệt hại mà họ phải đối mặt theo thời gian từ các thảm họa khí hậu mà họ không chịu trách nhiệm gây ra. Song, điều đó đã bị các nước giàu hơn, trong đó có Mỹ và châu Âu, bác bỏ.

“Hiện tượng thời tiết cực đoan tại các nước đang phát triển thường gây thiệt hại nặng về người và của, nhưng chúng bị cho là trách nhiệm của chúng tôi, chứ không phải bắt nguồn từ một trăm năm khí xả khí nhà kính của các nước công nghiệp phát triển”, bà Ulka Kelkar, Giám đốc phụ trách vấn đề khí hậu tại Văn phòng Ấn Độ của Viện Tài nguyên Thế giới cho biết.

Bà lưu ý những thảm họa ngày càng trầm trọng này đang tấn công cả các nước giàu có, cho thấy lời kêu gọi giúp đỡ của các nước đang phát triển nhằm chống lại biến đổi khí hậu không phải là bịa đặt.

Thật vậy, kể từ khi thế giới đặt được Thỏa thuận Paris 2015 với mục tiêu ngăn chặn những tác động tồi tệ nhất của biến đổi khí hậu, lượng khí thải toàn cầu không ngừng tăng lên. Trung Quốc là quốc gia phát thải lớn nhất thế giới hiện nay. Lượng phát thải đang giảm dần ở cả Mỹ và Châu Âu, nhưng không phải ở tốc độ cần thiết để hạn chế sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu.

Ông Mohamed Nasheed, cựu tổng thống của quốc đảo Maldives đang có nguy cơ cao do nước biển dâng, đã phát biểu tại cuộc họp của nhóm các nước tự gọi là Diễn đàn Dễ bị tổn thương về Khí hậu rằng: “Mặc dù không phải tất cả đều bị ảnh hưởng như nhau, nhưng sự kiện bi thảm này là lời nhắc nhở rằng, trong trường hợp khẩn cấp về khí hậu, không ai được an toàn, cho dù họ sống trên một quốc đảo nhỏ như của tôi hay một quốc gia Tây Âu phát triển”.

Trong số các nền kinh tế lớn, Ủy ban châu Âu (EC) tuần trước đã giới thiệu lộ trình thay đổi đầy tham vọng nhất. Kế hoạch này đề xuất luật cấm bán ô tô chạy bằng xăng và dầu vào năm 2035, yêu cầu hầu hết các ngành công nghiệp phải trả phí cho lượng khí thải mà họ tạo ra và đáng kể nhất là áp thuế đối với hàng hóa nhập khẩu từ các nước có chính sách khí hậu ít nghiêm ngặt hơn.

Tuy nhiên, giới quan sát dự đoán những đề xuất đó sẽ vấp phải sự phản đối gay gắt từ nội bộ châu Âu cùng các nước mà các doanh nghiệp của họ có thể phải chi rất nhiều cho khoản thuế carbon được đề xuất, dồng thời có khả năng làm phức tạp thêm triển vọng hợp tác toàn cầu ở Glasgow sắp tới.
Khi nhiệt độ trung bình tăng lên, nó đã làm tăng tần suất và cường độ của các hiện tượng thời tiết cực đoan nói chung. Những năm gần đây, các tiến bộ khoa học đã xác định chính xác mức độ mà biến đổi khí hậu gây ra cho các sự kiện cụ thể.

Ví dụ, Tiến sĩ Otto và một nhóm các nhà nghiên cứu quốc tế đã kết luận rằng đợt nắng nóng bất thường ở Tây Bắc Mỹ vào cuối tháng trước gần như không xảy ra nếu không có hiện tượng trái đất nóng lên.

Và mặc dù cần có những phân tích khoa học sâu rộng hơn để liên kết biến đổi khí hậu với trận lũ lụt kinh hoàng vào tuần trước ở châu Âu, thực tế rõ ràng hơn bầu khí quyển ấm hơn giữ nhiều độ ẩm hơn và gây ra lượng mưa lớn hơn trong nhiều cơn bão trên thế giới.

Người dân Thụy Sĩ xem nước sông Reuss dâng cao sau mưa kéo dài hôm 16/7. Ảnh: EPA

Ít nghi ngờ rằng các hiện tượng thời tiết cực đoan sẽ tiếp tục diễn ra thường xuyên hơn và dữ dội hơn do hậu quả của hiện tượng ấm lên toàn cầu. Một bài báo được công bố hôm 16/7 dự báo các trận mưa bão di chuyển chậm nhưng dữ dội sẽ gia tăng xuất hiện trên khắp châu Âu vào cuối thế kỷ này do biến đổi khí hậu.

“Chúng ta phải thích ứng với sự thay đổi hiện nay cũng như tránh gây ra thay đổi thêm bằng cách giảm lượng khí thải và tác động của con người đến khí hậu”, Giáo sư Richard Betts tại Đại học Exeter, người cũng một nhà khoa học khí hậu tại Văn phòng Met ở Anh, khẳng định.

Thông điệp đó rõ ràng không được các nhà hoạch định chính sách nắm rõ và có lẽ cả công chúng cũng vậy, đặc biệt là ở các nước phát triển với tư tưởng chủ quan không thể bị thời tiết cực đoan xâm phạm.

Kết quả là thiếu sự chuẩn bị, ngay cả ở những nước có nguồn lực. Tại Mỹ, lũ lụt đã giết chết hơn 1.000 người chỉ tính riêng từ năm 2010 theo số liệu thống kê liên bang. Ở vùng Tây Nam, số người tử vong do nắng nóng đã tăng đột biến trong những năm gần đây.

Hoàng Trang/Báo Tin tức
https://baotintuc.vn/the-gioi/thoi-tiet-cuc-doan-dang-tan-pha-cac-nuoc-giau-co-20210719081516476.htm

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu