Tất cả chuyên mục
Long An|
30°C
/ 27°C - 33°C
Thứ Sáu, 17/01/2025 02:42 (GMT +7)
Thu nhập cao từ quả vải Thanh Hà
Thứ 6, 09/06/2017 | 11:36:00 [GMT +7] A A
Chiếm diện tích gần 4.000 ha, cây vải đang là cây ăn quả chủ lực của huyện Thanh Hà và là đặc sản của tỉnh Hải Dương, nhất là giống vải thiều, mang lại nguồn thu hàng trăm triệu đồng mỗi năm cho các hộ trồng.
Tuy nhiên, trước tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu, vùng vải trọng điểm của Hải Dương đã tính đến việc điều chỉnh quy hoạch để đảm bảo phát huy hiệu quả kinh tế cao nhất từ cây ăn quả chủ lực này.
Dự thu 600 tỷ đồng từ vụ vải sớm
Theo Phòng nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện Thanh Hà, đến thời điểm này, nông dân đã thu hoạch khoảng 60% sản lượng vải sớm, tăng 30% so với vụ năm trước và giá bán cũng cao hơn 50%.
Vải bắt đầu được thu hoạch từ đầu tháng 5, giá bán các loại vải u trứng từ 50.000 – 55.000 đồng/kg, u hồng khoảng 40.000 đồng/kg và vải lai 58.000 đồng/kg. Đến đầu tháng 6, nắng nóng khiến vải chín rộ nên giá vải u hồng hiện còn 25.000 đồng/kg. Vải trồng theo quy trình VietGAP có giá bán cao hơn vải thường từ 3.000 – 5.000 đồng/kg.
Thu mua vải tấp nập tại các điểm trên địa bàn huyện Thanh Hà. |
Nhờ kinh nghiệm thâm canh lâu năm của nông dân nên Thanh Hà có một mùa vải sớm bội thu chưa từng có. Bà Lê Thị Anh (thôn Hạ Vĩnh, xã Thanh Bính) phấn khởi khoe, gia đình có 5 sào vải sớm, nếu giá bán vải duy trì được từ 30.000 – 50.000 đồng/kg đến hết vụ thì có thể thu xấp xỉ 200 triệu đồng.
Tuy nhiên, sau đợt nắng nóng, phần vì vải bị cháy mã, phần do dân thu hoạch rộ nên những ngày qua, giá vải đã giảm còn 20.000 đồng/kg, doanh thu ước giảm khoảng 50% so với dự tính.
Huyện Thanh Hà có khoảng 100 điểm thu gom, bố trí dọc tuyến đường tỉnh 390 để thu mua vải. Khoảng 2 năm gần đây, nhờ chủ động kết nối với các doanh nghiệp, siêu thị lớn, vải Thanh Hà hầu như không còn tình trạng bị thương lái Trung Quốc ép giá.
Chị Lê Thị Thơm, chủ một điểm thu mua vải ở xã Thanh Bính đã có hơn 10 năm trong nghề gom hàng cho các thương lái xuất đi Trung Quốc cho hay, từ đầu vụ, mỗi ngày cơ sở thu mua từ 20-25 tấn. Năm nay, vải đẹp, ngon, không bị sâu đầu nên được thương lái Trung Quốc rất chuộng.
Anh Tăng Xuân Trường, Giám đốc Công ty TNHH Hưng Việt (Gia Lộc) cho biết cũng đã thu mua được 450 tấn vải; trong đó, xuất khẩu đi Trung Quốc khoảng 200 tấn. Ngoài thị trường xuất khẩu truyền thống là Trung Quốc, đến nay, Thanh Hà đã xuất khẩu được khoảng 3 tấn vải sớm sang Australia.
Sau hơn 1 tháng thu hoạch, ông Ngô Đức Vính, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Thanh Hà ước tính, vụ vải sớm năm nay sẽ cho doanh thu khoảng 600 tỷ đồng. Nếu cộng với nguồn thu từ các dịch vụ đi kèm như: sản xuất đá lạnh và thùng xốp để bảo quản vận chuyển đi tiêu thụ các nơi, việc làm thời vụ nhờ thu hái…, vụ vải sớm có thể mang lại doanh thu khoảng 700 – 800 tỷ đồng cho người dân huyện Thanh Hà.
Chuyển hướng để nâng cao giá trị
Mặc dù năm 2017 thành công ngoài mong đợi với cây vải sớm nhưng lại là một năm thất thu chưa từng thấy với cây vải thiều Thanh Hà. Lý giải rõ hơn về điều này, ông Ngô Đức Vính cho biết: “Cây vải là cây trồng đặc biệt mẫn cảm với thời tiết. Nếu như vải chính vụ mà trong năm không đủ 200 giờ nhiệt độ dưới 15 độ C thì sẽ không phân hóa được mầm hoa. Mùa đông 2016 là một mùa đông ấm nên chỉ có 20% diện tích vải thiều đậu quả. Sản lượng chỉ xấp xỉ 3.000 tấn”.
Nhận định những thách thức của biến đổi khí hậu đối với cây vải thiều, huyện Thanh Hà cho biết đã có giải pháp chuyển hướng trong quy hoạch, sản xuất để giảm thiểu thiệt hại do biến đổi khí hậu gây ra đối với loại cây ăn quả chủ lực của địa phương. Nhờ đó, phát huy tối đa lợi thế từ thổ nhưỡng và kinh nghiệm canh tác cây vải hàng trăm năm của người dân.
Cao điểm thu hoạch, nhiều nhà phải thuê người bẻ vải với tiền công 300 nghìn đồng/ngày/người. Ảnh: Mạnh Minh/TTXVN |
Huyện Thanh Hà có 6.000 ha cây ăn quả; trong đó, vải chiếm xấp xỉ 4.000 ha với cơ cấu diện tích 1.300 ha vải sớm, 2.600 ha vải thiều. Nếu biến đổi khí hậu những năm tới tiếp tục theo đà này thì Thanh Hà sẽ quy hoạch diện tích trồng vải theo hướng thu hẹp diện tích cây vải thiều, tăng diện tích cây vải sớm bằng cách chuyển những diện tích xen canh, diện tích vải thiều kém hiệu quả sang tập trung trồng cây vải sớm. Những giống vải sớm có đặc điểm là không phản ứng chặt chẽ với thời tiết ấm, nhiệt độ cao như giống vải thiều. Nông dân vùng vải đã có kinh nghiệm chăm sóc nên vải sớm năng suất cao, quả ngon và đẹp – ông Vính cho hay.
Hiện Thanh Hà đã quy hoạch toàn bộ diện tích 6 xã khu Hà Đông để tập trung trồng các giống vải sớm, tăng diện tích vải sớm nhưng Thanh Hà vẫn giữ ổn định tổng diện tích vải khoảng 3.900 ha. Các xã khu Hà Đông gồm Trường Thành, Vĩnh Lập, Thanh Bính, Thanh Hồng, Thanh Cường, Hợp Đức là những vùng có thổ nhưỡng hợp với cây vải sớm và nông dân ở đây có nhiều kinh nghiệm trồng những giống vải này.
Để tiêu thụ thuận lợi, tránh tình trạng vải chín rộ cùng thời điểm, Thanh Hà sẽ định hướng cho bà con nông dân áp dụng khoa học kỹ thuật trong chăm sóc vải để đạt mục tiêu thu hoạch rải vụ trong khoảng 2 tháng, tránh thu hoạch dồn dập cùng lúc, giá bán thấp. Giống vải u trứng sẽ thu hoạch đầu tháng 5, sau đó khoảng 2 tuần sẽ thu hoạch vải u hồng, vải lai và sau đó 3 tuần, bắt đầu thu hoạch vải thiều.
Canh tác an toàn, mở rộng thị trường xuất khẩu sẽ là mục tiêu trong định hướng phát triển cây vải Thanh Hà trong những năm tiếp theo. Đa dạng hóa thị trường, đặc biệt là mở rộng thị trường khó tính là cách bền vững để quả vải nâng cao giá trị và giữ vị thế là cây làm giàu cho nông dân Thanh Hà.
Nếu mở rộng được thị trường cho quả vải đến được nhiều nước Đông Nam Á, châu Âu thì sẽ không phụ thuộc vào một thị trường nào, ví dụ như Trung Quốc và hiệu quả từ quả vải sẽ cao hơn. Muốn vậy, nông dân phải chấp hành nghiêm ngặt việc chăm sóc, thâm canh vải theo quy trình VietGAP và GlobalGAP – ông Vính nhận xét.
Ý kiến ()