Tất cả chuyên mục
Long An|
30°C
/ 27°C - 33°C
Thứ Bảy, 18/01/2025 05:49 (GMT +7)
Thu nhập của nông dân tăng ba lần sau 8 năm thực hiện nông thôn mới
Thứ 7, 22/12/2018 | 15:58:00 [GMT +7] A A
Sau hơn 8 năm thực hiện Chương trình mục tiêu xây dựng nông thôn mới, thu nhập bình quân khu vực này đã tăng từ khoảng 12 triệu đồng/người lên 34 đến 35 triệu đồng/người/năm.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tính đến tháng 12/2018, cả nước có 3.787 xã (42,4%) được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Bình quân cả nước đạt 14,33 tiêu chí/xã; chỉ còn 21 xã đạt dưới 5 tiêu chí.
Giai đoạn 2016-2020, tỉnh Gia Lai tập trung huy động mọi nguồn lực cho chương trình xây dựng nông thôn mới. Bằng nguồn vốn xây dựng nông thôn mới, đến hết tháng 11/2018, toàn tỉnh Gia Lai đã triển khai nâng cấp 18 công trình thủy lợi với tổng chiều dài hơn 40 km kênh mương nội đồng. Ảnh: Vũ Sinh – TTXVN
Có 61 đơn vị cấp huyện thuộc 31 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.
Đặc biệt, tỉnh Đồng Nai là địa phương đầu tiên của cả nước có 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới.
Theo tiến độ như hiện nay, dự kiến đến cuối năm 2019, cả nước sẽ có khoảng 50% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, hoàn thành sớm hơn 1 năm so với mục tiêu Quốc hội đặt ra. Bên cạnh đó, chất lượng các tiêu chí nông thôn mới cũng được nâng lên rất rõ rệt.
Đối với xã đạt chuẩn nông thôn mới, nếu như năm 2010 vẫn là con số 0; thì đến năm 2015 đã có 17,4% số xã; đến năm 2018 có 42,4% (3.787 xã) đạt chuẩn. Đối với huyện đạt chuẩn nông thôn mới, năm 2015 có 15 huyện; đến năm 2018 có 61 huyện đạt chuẩn.
Về văn hóa: Trong Chương trình xây dựng nông thôn mới, tiêu chí số 6 về cơ sở vật chất văn hóa và tiêu chí số 16 về văn hóa đã góp phần quan trọng vào việc bảo tồn, gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc. Ở khắp các địa phương, nhiều chiếu chèo được phục hồi, các câu lạc bộ dạy dân ca được thành lập để dạy cho thanh thiếu niên (nhiều nơi đã đưa việc học hát dân ca vào trường học như dạy hát chèo ở Thái Bình, dạy hát quan họ ở Bắc Ninh, Bắc Giang, dạy hát xoan ở Phú Thọ, dạy hát ví dặm ở Hà Tĩnh…).
Về bình quân tiêu chí/xã, năm 2010 mới chỉ đạt 4,7 tiêu chí/xã; thì năm 2018 đã đạt 14,32 tiêu chí/xã. Số xã đạt dưới 5 tiêu chí cũng giảm mạnh, năm 2018 chỉ còn 21 xã (chiếm 0,003%).
Đặc biệt, việc xây dựng NTM cũng đã thay đổi về “chất”. Nếu ở giai đoạn 2010 – 2015, hầu hết các xã tập trung vào việc xây dựng, hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng, thì sang giai đoạn 2016 – 2020, xây dựng nông thôn mới đã được các địa phương chú trọng chỉ đạo đi vào chiều sâu, với 4 trọng tâm cốt lõi là: Phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập; nâng cao chất lượng hoạt động văn hóa cơ sở; bảo vệ môi trường và xây dựng cảnh quan nông thôn; giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.
Đặc biệt, tương ứng với mỗi nội dung, Thủ tướng Chính phủ đều chỉ đạo xây dựng từng Đề án cụ thể để có cơ chế hỗ trợ riêng. Chính vì vậy, ở hầu hết các xã, huyện đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn đều được nâng lên nhiều. Đây chính là thước đo quan trọng nhất đối với chất lượng, giá trị thực sự của kết quả xây dựng nông thôn mới.
Về sản xuất: Nếu như năm 2010, chúng ta chỉ đếm trên đầu ngón tay về các mô hình liên kết sản xuất, thì đến năm 2018, cả nước đã có trên 21.000 mô hình sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị, ứng dụng công nghệ cao, trong đó có 1.028 chuỗi nông sản an toàn.
Về thu nhập: Năm 2010, thu nhập bình quân khu vực nông thôn chỉ đạt khoảng trên 12 triệu đồng/người, thì năm 2015 đạt 24,4 triệu đồng/năm (tăng khoảng 1,9 lần so với năm 2010); năm 2017 đạt 32 triệu đồng/người (đã thu hẹp khoảng cách thu nhập giữa thành thị và nông thôn từ 2,1 lần năm 2008 xuống 1,8 lần năm 2017). Ước tính năm 2018, thu nhập bình quân khu vực nông thôn cả nước đạt khoảng từ 34 đến 35 triệu đồng/người.
Ý kiến ()