Thứ Năm, 16/01/2025 08:14 (GMT +7)

Thủ tướng: ASEM cần thúc đẩy đối thoại hợp tác khu vực và toàn cầu

Thứ 7, 16/07/2016 | 00:00:00 [GMT +7] A  A

Sáng nay (16/7), tại “Làng ASEM” thành phố Ulan Bator, Mông Cổ, Hội nghị Cấp cao Diễn đàn hợp tác Á – Âu lần thứ 11 (ASEM 11) tiếp tục ngày làm việc thứ hai.

Các nhà Lãnh đạo tiến hành phiên họp về “Tăng cường ba trụ cột hợp tác ASEM”, tập trung thảo luận các vấn đề quốc tế và khu vực, đặc biệt các vấn đề liên quan đến hòa bình, an ninh, chủ nghĩa khủng bố, di cư, không phổ biến vũ khí hạt nhân và vũ khí hủy diệt hàng loạt, an ninh hàng hải….

thu tuong: asem can thuc day doi thoai hop tac khu vuc va toan cau hinh 0
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các nhà lãnh đạo ASEM. Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Hội nghị ra Tuyên bố lên án mạnh mẽ các vụ khủng bố diễn ra tại cả châu Á và châu Âu, bày tỏ đoàn kết và chia buồn sâu sắc đến chính phủ và nhân dân Pháp vì tổn thất do vụ khủng bố vừa diễn ra.

Các Lãnh đạo chia sẻ đánh giá về tình hình phức tạp tại Trung Đông – Bắc Phi, Bán đảo Triều Tiên, Ukraine, khủng hoảng nhập cư, tác động của việc Anh rút khỏi EU. Nhiều thành viên bày tỏ quan ngại trước những diễn biến mới đang tác động đến môi trường an ninh tại châu Á, trong đó có Biển Đông và Hoa Đông.

Hội nghị nhất trí về nhu cầu cấp thiết cần tăng cường hợp tác nhằm duy trì hòa bình, an ninh và ổn định. Các nhà Lãnh đạo khẳng định cam kết cùng nỗ lực đảm bảo hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn và tự do hàng hải, hàng không, thương mại không cản trở, kiềm chế không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực và các hành động đơn phương, giải quyết các tranh chấp thông qua các biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Luật Biển Liên Hợp Quốc 1982 (UNCLOS).

Phát biểu tại phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh các mục tiêu phát triển, kết nối, liên kết kinh tế và gia tăng hợp tác không thể thực hiện được trong môi trường bất ổn và đầy bất trắc. Những diễn biến phức tạp hiện nay đang đặt ra yêu cầu cấp bách đối với hai châu lục là tăng cường đối thoại trên tinh thần xây dựng, thúc đẩy hợp tác, chia sẻ lợi ích và trách nhiệm chung trong việc bảo đảm môi trường hòa bình, ổn định nhằm tập trung mọi nguồn lực cho phát triển và thực hiện các mục tiêu trong Chương trình nghị sự 2030 cũng như các mục tiêu quan trọng khác được quốc tế thừa nhận.

Thủ tướng đề nghị các thành viên ASEM tiếp tục thực hiện quyết tâm chính trị và trách nhiệm cao, đi đầu thúc đẩy các cơ chế đối thoại hợp tác khu vực, liên khu vực và toàn cầu, đồng thời chú trọng các biện pháp xây dựng lòng tin và ngoại giao phòng ngừa.

Thủ tướng nêu bật Châu Á – Thái Bình Dương tiếp tục là khu vực phát triển năng động và động lực tăng trưởng và liên kết kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên, những diễn biến đáng lo ngại gần đây tại Biển Đông, tuyến đường huyết mạch về hàng hải và hàng không quốc tế, đang làm xói mòn lòng tin, gia tăng căng thẳng, tiềm ẩn nguy cơ đe dọa hòa bình, an ninh, ổn định ở khu vực và thế giới.

Thủ tướng đánh giá thời gian qua, ASEAN đã thể hiện vai trò trung tâm và cùng với các cơ chế hiện có khác ở cấp khu vực và liên khu vực, trong đó có ASEM, đóng góp thiết thực vào việc duy trì môi trường hòa bình, an ninh và ổn định khu vực.

ASEAN luôn kiên trì lập trường thúc đẩy đối thoại; tăng cường các biện pháp xây dựng lòng tin và ngoại giao phòng ngừa; tự kiềm chế, không có hành động đơn phương gây căng thẳng, làm phức tạp tình hình; không đe dọa hoặc sử dụng vũ lực, không quân sự hóa; thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về ứng xử ở Biển Đông (DOC); sớm đạt được Bộ Quy tắc ứng xử COC. Các tranh chấp phải được giải quyết bằng các biện pháp hòa bình phù hợp với luật pháp quốc tế, bao gồm Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS), tôn trọng đầy đủ các tiến trình ngoại giao và pháp lý.

Thủ tướng khẳng định Việt Nam đã và đang nỗ lực cùng các thành viên ASEAN và cộng đồng quốc tế tiếp tục tăng cường đóng góp thiết thực và có trách nhiệm, thúc đẩy đối thoại nhằm duy trì môi trường hòa bình, an ninh và ổn định trong khu vực và toàn thế giới.

Trưa cùng ngày, Hội nghị Cấp cao ASEM 11 đã kết thúc tốt đẹp. Hội nghị đã thông qua Tuyên bố Chủ tịch và Tuyên bố Ulan Bator về với nhiều quyết định quan trọng, chuyển thông điệp mạnh mẽ của các vị Lãnh đạo ASEM về quyết tâm tăng cường quan hệ đối tác Á – Âu vì tương lai thông qua kết nối, đồng thời định hướng cho hợp tác của Diễn đàn trong thời gian tới.

Các nhà Lãnh đạo cũng thông qua 20 sáng kiến mới do các thành viên đề xuất và thành lập thêm Nhóm hợp tác chuyên ngành thứ 20 nhằm hiện thực hóa các định hướng hợp tác trong giai đoạn 2016 – 2018. Trong đó, Việt Nam đề xuất sáng kiến về “Hội nghị ASEM về Giáo dục sáng tạo và xây dựng nguồn nhân lực vì phát triển bền vững” và được nhiều thành viên đánh giá cao, đồng ý tham gia đồng bảo trợ.

Tại Lễ bế mạc các thành viên chúc mừng Mông Cổ đã tổ chức thành công Hội nghị Cấp cao ASEM 11, hoan nghênh EU đăng cai Hội nghị Cấp cao ASEM lần thứ 12 vào năm 2018 và Myanmar tổ chức Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao lần thứ 13 vào năm 2017, đồng thời khẳng định cùng nỗ lực phối hợp bảo đảm thành công của các Hội nghị.

Sau hai ngày làm việc khẩn trương, Hội nghị Cấp cao ASEM 11 đã kết thúc tốt đẹp, đề ra những định hướng và các biện pháp cụ thể nhằm nâng tầm hợp tác của ASEM trong giai đoạn sắp tới. Những kết quả tích cực đạt được tại Hội nghị tiếp tục khẳng định vai trò của ASEM là một cơ chế đối thoại và hợp tác quan trọng, với nhiều sáng kiến hợp tác mới, đa dạng, thể hiện sinh động quyết tâm chung nhằm tăng cường quan hệ đối tác giữa hai châu lục Á – Âu.

Đối với Việt Nam, Diễn đàn ASEM tiếp tục là một cơ chế hợp tác quan trọng ở tầm liên khu vực để thúc đẩy các lợi ích, quan tâm về kinh tế, phát triển và an ninh cũng như nâng cao vị thế của nước ta.

Tất cả các đối tác chiến lược, hầu hết các đối tác toàn diện và các đối tác thương mại tự do của nước ta là thành viên ASEM. Đó là những cơ hội đầy tiềm năng để các Bộ, ngành, địa phương và từng người dân tận dụng trong giai đoạn phát triển mới./.

Vũ Dũng/VOV

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu