Tất cả chuyên mục
Long An|
30°C
/ 27°C - 33°C
Thứ Năm, 16/01/2025 12:49 (GMT +7)
Thủ tướng: Nông nghiệp thông minh là hướng đi đột phá của Bình Phước
Thứ 3, 03/01/2017 | 00:00:00 [GMT +7] A A
Tiếp tục chuyến công tác tại các tỉnh phía Nam, chiều 2/1, tại thị xã Đồng Xoài, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình và lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương đã làm việc với lãnh đạo tỉnh Bình Phước, địa phương có diện tích tự nhiên lớn nhất nhưng cũng là tỉnh nghèo nhất vùng Đông Nam bộ với 5/11 huyện là huyện nghèo.
Bình Phước là cửa ngõ, đồng thời là cầu nối giữa vùng Đông Nam bộ với Tây Nguyên và Campuchia. Được chia tách từ tỉnh Sông Bé cũ với Bình Dương, mặc dù tốc độ tăng trưởng kinh tế duy trì ở mức khá nhưng so với các địa phương trong vùng, Bình Phước vẫn là một tỉnh nghèo, thu ngân sách chỉ ở mức 4.553 tỷ đồng, cơ sở vật chất nói chung còn hạn chế.
Bình Phước là tỉnh duy nhất của cả nước cho đến nay vẫn chưa có thành phố do thiếu một số tiêu chí, nhất là về hạ tầng. Với 3 sản phẩm chủ lực là cao su, hồ tiêu và điều (Bình Phước cũng là thủ phủ của cây điều với diện tích gần 200.000ha, chiếm 43% tổng diện tích điều cả nước), năm 2016, do những biến động mạnh về giá, chậm phục hồi và thiệt hại do hạn hán kéo dài đã làm ảnh hưởng lớn đến tăng trưởng nông nghiệp của địa phương. Trên địa bàn tỉnh có 15 xã biên giới điều kiện kinh tế-xã hội còn hết sức khó khăn.
Phát biểu tại buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá, so với 20 năm trước đây, thế và lực của Bình Phước đã lớn mạnh, tỉnh đã thay da đổi thịt rất nhiều, không những đời sống nhân dân được cải thiện, xóa đói giảm nghèo được triển khai tốt mà cơ sở hạ tầng cũng đã có nhiều tiến bộ.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN |
Thủ tướng cho rằng, sau 20 năm tái lập, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc Bình Phước đã nỗ lực cố gắng, khắc phục khó khăn, đoàn kết, nhất trí và đạt được những kết quả khá toàn diện. Quy mô kinh tế tăng gấp 24 lần, thu ngân sách tăng 23,7 lần, thu nhập bình quân đầu người/năm (tính theo đô la Mỹ) tăng hơn 8 lần so với thời điểm tái lập tỉnh.
Tỉnh đã chuyển dịch một số diện tích đất kém hiệu quả sang trồng cây công nghiệp, hình thành vùng nông nghiệp quy mô lớn và nhất là mới đây bước đầu hình thành mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Các lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hóa, xã hội, xóa đói, giảm nghèo tiếp tục được quan tâm và có nhiều tiến bộ; quốc phòng an ninh, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm.
Thủ tướng cũng chỉ ra một số tồn tại, hạn chế của Bình Phước sau 20 năm tái lập tỉnh và vừa kết thúc triển khai nhiệm vụ kinh tế-xã hội năm 2016. Theo đó, mặc dù sở hữu đất đai trù phú, phì nhiêu nhưng Bình Phước vẫn là tỉnh nghèo, thu nhập bình quân đầu người đến năm 2016 mới đạt 42,1 triệu đồng/năm, thấp hơn bình quân chung của cả nước (50 triệu đồng).
Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh đứng thứ 54/63; chỉ số cải cách hành chính năm 2015 tụt 6 bậc so với năm 2014 (năm 2015 đứng thứ 55/63). Số doanh nghiệp của tỉnh còn ít, mới chỉ có 5.200 doanh nghiệp; nạn phá rừng tự nhiên, nguy cơ xâm phạm môi trường vẫn hiện hữu; khiếu nại tố cáo còn nhiều vụ kéo dài; chất lượng nguồn nhân lực còn nhiều bất cập.
Gợi ý một lối ra lâu dài, bền vững cho Bình Phước, Thủ tướng cho rằng, Bình Phước cần phải đi tiên phong đổi mới, giàu có trong vùng Đông Nam bộ nói riêng và cả nước nói chung dựa trên nền tảng của nông nghiệp thông minh; tập trung vào sản xuất, chế biến rau nhằm tạo ra những thương phẩm có giá trị gia tăng lớn, đại diện xứng tầm cho thương hiệu Việt Nam trong chuỗi giá trị nông nghiệp quốc tế. Bình Phước cần phát triển một nền nông nghiệp đa dạng, thông minh; là hình mẫu cả nước trong việc thực hiện thành công mục tiêu xóa đói giảm nghèo cho bà con nông dân, đặc biệt là cộng đồng dân tộc thiểu số.
Trên nền tảng chiến lược phát triển đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị Bình Phước làm tốt quy hoạch, có biện pháp phù hợp, bảo vệ, phát triển rừng; cùng với quy hoạch nông, lâm trường, giải quyết đất cho phát triển nông nghiệp, lâm nghiệp, dịch vụ, đất đai cho bà con đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, thiếu đất.
Thủ tướng yêu cầu Đảng bộ, chính quyền Bình Phước phải quán triệt các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ, “Tăng cường kỷ cương, đề cao trách nhiệm, thi đua sáng tạo, phát triển nhanh và bền vững”, phấn đấu thực hiện thắng lợi kế hoạch 2017 của tỉnh; khai thác tốt tiềm năng đất đai, phù hợp với đặc thù thổ nhưỡng, khí hậu.
Để có những bước đột phá về phát triển, Bình Phước cần có sức sáng tạo mới, phát huy lợi thế của địa phương đi sau để tiến nhanh hơn, khắc phục bất cập của địa phương khác về đất chật, người đông, vấn đề môi trường. Vì vậy, Thủ tướng gợi ý Bình Phước cần tính toán tốt hệ sinh thái của các ngành kinh tế, đặc biệt cần coi nông nghiệp công nghệ cao là một hướng ra của địa phương. Vì vậy, tỉnh cần phát triển mạnh mô hình hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp chất lượng cao, đặc biệt là các doanh nghiệp nông nghiệp để hình thành doanh nghiệp quy mô lớn, khép kín phục vụ tái cơ cấu nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới.
Thủ tướng cho rằng, đột phá cho Bình Phước còn nằm ở khâu liên kết phát triển giữa sản xuất và tiêu thụ, giữa nông nghiệp và công nghiệp, liên kết vùng; đi liền với đó là tiếp tục mở rộng tiếp cận thị trường không chỉ các tỉnh phía Nam để tăng cường đầu mối tiêu thụ sản phẩm.
Đi cùng với đó, để thực hiện các mục tiêu phát triển, Bình Phước cần chú trọng vấn đề nhân từ nguồn lãnh đạo đến công nhân, nông dân có tay nghề. “Phải có người giàu, người tài, người thông minh về xây dựng, phát triển địa phương. Tỉnh cũng phải chủ động đào tào, chuẩn bị nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu cuộc cách mạng công nghệ lần thứ 4”, Thủ tướng nêu rõ.
Thủ tướng cũng căn dặn Bình Phước chú trọng công tác giáo dục, y tế, chăm sóc sức khỏe nhân dân; tăng cường xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, gần dân, sát dân; triển khai có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.
Tại buổi làm việc, Thủ tướng yêu cầu lãnh đạo các cấp tại Bình Phước chuẩn bị đầy đủ, cung cấp kịp thời hàng hóa phục vụ nhân dân; quan tâm, chăm lo thiết thực cho các gia đình chính sách, hộ nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số đón Tết Nguyên đán Đinh Dậu sắp tới vui tươi, an toàn.
* Nhân dịp về thăm Bình Phước, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã dự Lễ khởi công Nhà máy xi măng Minh Tâm tại xã Minh Tâm, huyện Hớn Quản, tỉnh Bình Phước.
Đây là dự án lớn trên địa bàn tỉnh Bình Phước với số vốn 12.000 tỷ đồng, tổng công suất 4,5 triệu tấn/năm, quy mô 400 ha, thời gian thi công 24 tháng, do Công ty cổ phần Thaigroup làm chủ đầu tư. Dự án nằm trong quy hoạch phát triển ngành công nghiệp xi măng, định hướng đến năm 2030 của Chính phủ.
Phát biểu tại Lễ khởi công, Thủ tướng hoan nghênh Thaigroup đầu tư dự án này tại Bình Phước và lưu ý chủ đầu tư sử dụng mỏ đá vôi nguyên liệu cho nhà máy xi măng theo hướng lâu dài và hiệu quả, không chỉ trong chu kỳ dự án mà phải tiết kiệm cho lâu dài, vì đây là mỏ đá vôi cuối cùng của dãy Trường Sơn.
Nhấn mạnh việc phát triển kinh tế phải gắn với bảo vệ môi trường cho người dân, Thủ tướng yêu cầu chủ đầu tư cần đảm bảo tiến độ dự án, phấn đấu hoàn thành dự án trong vòng 18 tháng để để sớm đưa vào hoạt động, đóng góp vào sự phát triển kinh tế-xã hội Bình Phước và phải đảm bảo yếu tố môi trường.
* Cũng trong sáng 2/1, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đến thăm mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao của Trung tâm nông nghiệp công nghệ cao tỉnh Bình Phước tại Thị xã Đồng Xoài.
Đây là trung tâm chuyên nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất nông nghiệp; triển khai dịch vụ tư vấn, thiết kế ứng dụng chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật và công nghệ mới cho các doanh nghiệp, hợp tác xã và người dân trong tỉnh.
Vui mừng đến thăm và chứng kiến những thành công của Trung tâm, Thủ tướng cho rằng Trung tâm cần nghiên cứu để nhân rộng mô hình nông nghiệp công nghệ cao trong vùng và cả nước. Cùng với đó là tìm tòi nghiên cứu để có thể thiết kế, thi công các thiết bị công nghệ ngay tại trong nước, giúp giảm giá thành và dễ dàng chuyển giao công nghệ và nhân rộng, nhất là trong bối cảnh Nhà nước đang khuyến khích phát triển lĩnh vực này, đặc biệt là gói tín dụng hỗ trợ các dự án đầu tư công nghệ cao trong nông nghiệp.
Ý kiến ()