Chủ Nhật, 12/01/2025 22:05 (GMT +7)

Thủ tướng Ukraine từ chức: “Cách mạng cam 2.0” đã nhạt màu?

Thứ 6, 15/04/2016 | 00:00:00 [GMT +7] A  A

Việc Thủ tướng Ukraine Arseny Yatseniuk – người được phương Tây nhiệt thành ủng hộ – từ chức được cho là khiến “Cách mạng cam phiên bản 2.0” nhạt màu.

Thế là lại một chính thể- sản phẩm chính hiệu của phương Tây- đã sụp đổ để lại phía sau một đất nước điêu tàn, nợ nần chồng chất, kinh tế suy thoái, chính trị rối bời đến mức IMF phải trì hoãn việc giải ngân khoản cho vay 1,7 tỷ USD.

thu tuong ukraine tu chuc: "cach mang cam 2.0" da nhat mau? hinh 0
Thủ tướng Ukraine Arseny Yatseniuk. Ảnh AP

“Cách mạng mầu thuần khiết” lung lay

Cách mạng mầu (cam, nhung, hạt dẻ; hoa hồng, hoa cúc, hoa tulip, mùa xuân Arab…) là cụm từ chỉ những phong trào biểu tình quần chúng trong một số quốc gia thuộc Liên Xô, Đông Âu vào thập kỷ cuối của thế kỷ 20 và ở Trung Đông – Bắc Phi trong những năm đầu của thế kỷ 21.

Mỗi phiên bản tuy có khác nhau, nhưng các cuộc “Cách mạng màu” đều có đặc trưng chung là đông đảo quần chúng, sinh viên, các tổ chức phi chính phủ tham gia với phương thức biểu tình lớn, dài ngày lúc đầu là đấu tranh bất bạo động nhằm lật đổ các chính thể mà họ cho là tham nhũng, độc tài và trong một số trường hợp còn kết hợp với sự hỗ trợ bên ngoài, tạo dựng phái đối lập và dùng vũ lực để thay đổi chính quyền. Mỹ và phương Tây đã được xác định là người khởi xướng và đứng sau các cuộc “Cách mạng mầu” nói trên.

Điểm nhấn của cuộc cách mạng mầu ở Đông Âu là 15 quốc gia được tách ra sau khi Liên bang Xô Viết sụp đổ. Chiến lược Đông tiến của NATO đã gom phần lớn các nước nói trên trở thành thành viên của EU và NATO, tuy có sự phát triển ở mức độ khác nhau, nhưng nhìn chung vẫn èo uột và là gánh nặng cho các cựu thành viên của tổ chức này.
thu tuong ukraine tu chuc: "cach mang cam 2.0" da nhat mau? hinh 1
Những hình ảnh biểu tình trong “Cách mạng cam” như thế này tại Ukraine giờ chỉ còn là quá khứ. Ảnh Reuters

Ba Lan là một điển hình về sự yếu kém chính trị. Với khẩu hiệu mị dân và sự hào phóng tiền bạc trong lĩnh vực truyền thông khiến cho người dân bị choáng ngợp bởi cương lĩnh của Walesa – lãnh tụ công đoàn Đoàn kết lúc bấy giờ và họ đã ủng hộ việc ra đời một nhà nước thân phương Tây đầu tiên.

Tuy nhiên, không lâu sau chính thể do Walesa làm Tổng thống đã không điều hành nổi đất nước và buộc họ lại phải giao lại cho những chính trị gia có kinh nghiệm và những người này không còn mang danh nghĩa cộng sản là ông Alekander Kwasniewski.

“Mùa xuân Arab” cũng tàn phai

Tiếp đến là “Mùa xuân Arab” – là phiên bản mới nhất của cách mạng mầu khởi phát từ Tunisia đến Ai Cập, Libya, Syria… nhưng mang đậm gam mầu “máu” hơn do các cuộc tranh giành quyền lực, mâu thuẫn nội bộ, tôn giáo, dân tộc, sắc tộc… và tương lai hiện vẫn khó đoán định.

Libya cũng có một chính thể do Mỹ, phương Tây dựng lên. Tuy nhiên, “Gậy ông, đập lưng ông”, ngay từ năm 2011, các phần tử khủng bố đã tiến hành một cuộc tấn công vào Lãnh sự quán Mỹ ở Benghazi làm Đại sứ Mỹ bị thiệt mạng, buộc Mỹ phải đóng cửa 19 đại sứ quán trong khu vực này.

thu tuong ukraine tu chuc: "cach mang cam 2.0" da nhat mau? hinh 2
Vụ tấn công Lãnh sự quán Mỹ tại Benghazi, Libya được coi là “biểu tượng” cho thất bại của phương Tây trong việc mang “Mùa xuân Arab” đến Trung Đông và Bắc Phi. Ảnh DPA

Tiếp đến là Đại sứ quán Nga, Lãnh sự quán Thụy Điển tại thủ đô của Libya cũng đã bị tấn công. Tình hình an ninh còn nghiêm trọng hơn khi Thủ tướng Libya Zeidan bị bắt cóc từ một khách sạn ở ngay trung tâm thủ đô Tripoli đến mức Mỹ buộc phải đưa lực lượng sang hợp tác với Libya để vãn hồi an ninh. Sự rối bời về chính trị, an ninh cho đến nay vẫn chưa có hồi kết.

Tại Tunisia, Ai Cập, Iraq, Afghanistan… cũng chẳng mấy lạc quan. Các chuyên gia nghiên cứu đã đưa ra nhận xét, nếu như ở “cách mạng Mùa thu” vấn đề chỉ mới bắt đầu của chủ nghĩa dân tộc, sắc tộc ở mức độ “ly khai” khỏi sự phụ thuộc vào Liên bang Xô Viết và hướng Tây, thì đến “Mùa xuân Arab” gam mầu chủ đạo của cuộc “Cách mạng mầu” này là cuộc chiến giữa người Hồi giáo theo dòng Shia và Sunni với sự hỗ trợ của phương Tây và các nhóm cực đoan đang bao trùm khu vực.

Thủ tướng Yatseniuk- “vật tế thần” của phong trào Maidan

Giờ đây, tại Ukraine sau hơn 2 năm một chính thể của phong trào “Maidan” do Mỹ, phương Tây dựng lên đánh trận cuối cùng để tiến sát biên giới Nga thì “Niềm tin đã bị mất, nó đã được thay thế bởi sự nghi ngờ” và thất vọng, nhất là việc Tổng thống Poroshenko dính vào các cáo buộc liên quan tới công ty ở nước ngoài đã làm mất đi ảnh hưởng của Khối Poroshenko trong Quốc hội Ukraine, và buộc Thủ tướng Yatseniuk phải từ chức.

Chưa ai dám khẳng định tương lai Ukraine sẽ đi về đâu cho dù thay đổi cả hệ thống chính trị, song bước đi này của Thủ tướng Ukraine tại thời điểm “nóng bỏng” đã cho thấy nước cờ cuối cùng của Thủ tướng ngấm ngầm đối đầu với Tổng thống, vẫn là bài ca tranh giành quyền lực.

Ngay sau động thái của Thủ tướng Ukraine, phía Nga đã đưa ra phản ứng và cho rằng ông Yatsenyuk là “Thủ tướng thất bại” và là một “vật tế thần”. Những “chính sách vô nghĩa, nguy hiểm đối với ngân sách của Ukraine thông qua việc xây dựng hào và hàng rào trên biên giới, ngăn cách Nga và Ukraine vốn tiêu tốn một khoản ngân sách đáng kể”.

Theo các cuộc thăm dò dư luận, uy tín của ông Yatsenyuk đã giảm mạnh. Thậm chí, ông Yatsenyuk đã “thoát chết” nhưng “trong gang tấc” với một cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm hồi tháng 2 vừa qua.

Theo giới chuyên gia, Ukraine sẽ phải đối mặt với cuộc bầu cử Quốc hội sớm: “Sẽ mất khoảng 6 tháng để người dân Ukraine có thể chọn ra được một Thủ tướng mới tốt hơn nhưng bất cứ cuộc bầu cử mới nào cũng có thể sẽ quay trở lại nút thắt này”. Và người ta còn dự đoán “không loại trừ khả năng ông Yatsenyuk sẽ chạy trốn ra nước ngoài vì lo ngại bị truy tố hình sự”.

CTV Nguyễn Nhâm/VOV.VN

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu