Tất cả chuyên mục
Long An|
30°C
/ 27°C - 33°C
Thứ Năm, 16/01/2025 02:50 (GMT +7)
Thực phẩm hữu cơ tìm về nội địa
Thứ 5, 26/05/2016 | 00:00:00 [GMT +7] A A
Hiện nay, rất nhiều sản phẩm sạch, có nguồn gốc được nhiều doanh nghiệp (DN) đẩy mạnh sản xuất, phân phối trên thị trường; trong đó, có những sản phẩm mang thương hiệu VietGap, Global Gap. Tuy nhiên, những sản phẩm Organic (thực phẩm hữu cơ) lại ít người biết đến.
Thị trường tiềm năngTheo Viện kinh tế Nông nghiệp hữu cơ (VOAEI), trước thách thức về tình trạng sử dụng thuốc trừ sâu, thuốc kích thích tăng trưởng và hóa chất độc hại trong sản xuất nông nghiệp, chế biến thực phẩm, người tiêu dùng ngày càng có xu hướng tìm mua và ưu tiên sử dụng sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, chất lượng đảm bảo và có thương hiệu uy tín trên thị trường.
Thực phẩm Organic hiện bày bán trên thị trường nội địa chưa nhiều do “kén” người mua. |
Trước xu hướng đó, một số nhà đầu tư, các nông trường có quy mô khác nhau, kể cả các hợp tác xã nông nghiệp đã tiên phong chuyển dịch dần phương thức canh tác truyền thống sang sản xuất xanh và sạch nhằm cung cấp cho thị trường các sản phẩm thực phẩm an toàn, phù hợp theo tiêu chuẩn quy định như VietGap, Global Gap, hoặc theo định hướng nông nghiệp tự nhiên không dùng thuốc. Trong đó, nông nghiệp hữu cơ (NNHC) được xem là một lĩnh vực mới nổi ở Việt Nam, hứa hẹn hiệu quả kinh doanh lớn hơn và cơ hội phát triển tốt.
Tuy nhiên, trong hơn 10 năm qua, số lượng doanh nghiệp (DN) đi theo hướng NNHC chỉ vài chục DN. Phần lớn các DN này có sản phẩm hữu cơ được chứng nhận quốc tế, từ rau củ, quả, tôm cá, gạo, trà, dầu dừa… và chủ yếu xuất khẩu là chính. Chỉ hai, ba năm trở lại đây, các DN mới bắt đầu quay lại thị phần nội địa khi vấn đề thực phẩm bẩn, chất cấm được sử dụng trong chăn nuôi, trồng trọt, chế bến, sản xuất… được báo động và sản phẩm NNHC mới bắt đầu được người tiêu dùng tìm đến.Chị Nguyễn Hạnh Uyên, Trưởng phòng quản lý bán hàng và tiếp thị của Công ty TNHH Dược phẩm Fito Pharma, một trong những đơn vị tiên phong đi vào lĩnh vực sản xuất sản phẩm NNHC cho biết, “cách đây 10 năm, Fito đã bắt đầu xuất khẩu sản phẩm của mình ra nước ngoài do các nước này rất quan tâm đến sản phẩm sạch. Hiện nay, thị trường Fito đang xuất khẩu là các nước châu Âu như Anh, Pháp, Thụy điển, Hà Lan, Ba Lan… và châu Mỹ như Mỹ, Canada, Nga… Các sản phẩm xuất khẩu chủ yếu là các lại trà hữu cơ, thực phẩm chức năng loại viên nang hữu cơ, mỹ phẩm (dầu gội, dầu xả, sữa tắm, vệ sinh phụ nữ…)… được chiết xuất từ lá trà xanh, trà đen, gừng, hoa lài, nha đam, atisô, quế, sả… “Hai năm trở lại đây, khi thấy nhu cầu người tiêu dùng tìm thực phẩm sạch tăng cao, Fito mới mạnh dạn đưa ra thị trường nội địa một số sản phẩm trà hữu cơ và được đón nhận rất nhiệt tình của người tiêu dùng”, chị Hạnh nói.
Tuy nhiên, một DN cung cứng thực phẩm hữu cơ với thương hiệu Organica tại TP Hồ Chí Minh cho biết, so với những sản phẩm sạch khác như VietGap, Global Gap thì giá thành sản phẩm Organic đắt hơn nên rất kén người mua. Lí giải vì sao đắt, đại diện Organica cho hay: “Để đầu tư NNHC, người nông dân phải mất nhiều thời gian và công sức cho việc chăm sóc đến thu hoạch. Một năm chỉ có vài mùa chứ không được quanh năm như phương thức trồng nông nghiệp vô cơ. Chưa kể, khi bị sâu bọ phá hoại, mùa đó coi như mất trắng, phải phá đi trồng lại, năng suất trồng cũng không cao. Vì thế, giá thành Organic luôn cao và số lượng cũng không nhiều. Đây cũng chính là cản trở khiến hệ thống Organic không thể phát triển rộng rãi”.
Cần hỗ trợ nhân rộng mô hình
Theo Cục trồng trọt, Bộ nông nghiệp và Phát triển nông thôn, sản xuất NNHC là phương pháp nuôi, trồng rau quả, thực phẩm mà không sử dụng bất cứ một loại hóa chất độc hại nào như thuốc trừ sâu, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc diệt có hóa chất cũng như các loại phân hóa học mà sản xuất hữu cơ chú trọng đến cân bằng hệ sinh thái tự nhiên. Một số mô hình sản xuất NNHC được nhiều người biết đến như sản xuất gạo thơm hoa sữa của Công ty CPTM và sản xuất Viễn Phú ở Cà Mau; rau hữu cơ của anh Nguyễn Bá Hùng ở Đà Lạt, cam sành đặc sản ở Hàm Yên, Tuyên Quang; mô hình chè Gap và hữu cơ ở Lâm Đồng do TS.Phạm S nghiên cứu…
Tuy nhiên, khó khăn hiện nay của các hộ nông dân, doanh nghiệp sản xuất theo mô hình NNHC tại Việt Nam là vẫn chưa có tổ chức nào cấp giấy chứng nhận cho sản phẩm hữu cơ. Các sản phẩm xuất khẩu được chứng nhận hữu cơ lại dựa vào tổ chức của nước ngoài như IMO, JAS, Control Union, liên hiệp kiểm soát (KSAL), ICEA, ACT… Mặt khác, chính sách hỗ trợ cho sản xuất nông nghiệp hữu cơ vẫn chưa có cho dù tháng 1/2012, Chính phủ đã ban hành quyết định 01/2012/QĐ-TTg về chính sách hỗ trợ việc áp dụng thực hành nông nghiệp tốt trong nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản bao gồm hữu cơ, nhưng hầu hết chỉ hỗ trợ cho an toàn/GAP. Ngoài ra, việc phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm hữu cơ ở các địa phương còn rất hạn chế, các tiêu chuẩn cơ bản cho sản xuất và chế biến hữu cơ vẫn chưa được rõ ràng. Do không dùng hóa chất nên năng suất cây trồng hữu cơ thấp, sản phẩm hữu cơ cho hình thức chưa đẹp…
Theo TS Võ Minh Khải, Tổng giám đốc Công ty Viễn Phú, đây thực sự là một thách thức và khó khăn rất lớn cho ngành sản xuất NNHC, khiến việc nâng cao nhận thức cho cộng đồng trong nước về giá trị của NNHC không cao. Để nhân rộng mô hình NNHC và thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu cây trồng từ nông nghiệp vô cơ sang hữu cơ, ông Khải kiến nghị Nhà nước và Chính phủ cần đồng hành hơn với DN để ngành NNHC phát triển mạnh. Chủ yếu, cần có cơ chế chính sách rõ ràng trong hỗ trợ ưu đãi khi nông dân, DN tham gia NNHC. “Cụ thể, nếu người nông dân canh tác hữu cơ sẽ được hưởng lợi gì về vay vốn ngân hàng (thời gian có dài hơn và lãi suất có thấp hơn) so với canh tác vô cơ. Tương tự, DN tham gia NNHC được hưởng lợi gì, ưu đãi gì khi phân phối sản phẩm, vay vốn, xúc tiến thương mại”, ông Khải nói.
Ý kiến ()