Thứ Tư, 15/01/2025 23:58 (GMT +7)

Tỉ phú cây dược liệu

Chủ nhật, 01/05/2016 | 00:00:00 [GMT +7] A  A

Đó là cách gọi vui của nhiều người về chàng thanh niên sinh năm 1980 Nguyễn Ngọc Tú ở thôn Quang Ngoại, xã Tam Quan, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc. Từ hai bàn tay trắng, đến nay, anh Tú đã trở thành tỷ phú trên chính mảnh đất quê hương bằng việc trồng và nhân giống cây dược liệu.

Anh Nguyễn Ngọc Tú chăm sóc cây dược liệu

Bằng niềm đam mê với cây dược liệu, anh Tú đã làm giàu được nhờ trồng cây dược liệu và mở ra hướng đi mới ở vùng đất đồi núi Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc này.
Tâm sự về chuyện nghề, anh Tú cho biết, cây dược liệu có giá trị cao hơn hẳn cây lâm nghiệp, lại có thể trồng xem lẫn dưới tán cây lâm nghiệp để tăng thêm thu nhập. Nhưng không phải ai cũng theo đuổi được vì trồng cây dược liệu cần nhất là tâm huyết và sự kiên trì. Hiện nay, kiến thức về trồng cây dược liệu rất ít, chủ yếu là tự mày mò và tích lũy kinh nghiệm. Bên cạnh đó, vốn đầu tư ban đầu cho cây cũng không phải là nhỏ.
Tú sinh ra trong gia đình bần nông, bố mẹ đều làm nông , lại nuôi 3 người con nên càng khó khăn. Vì không muốn bố mẹ phải vất vả nên học hết phổ thông, Tú rời quê, bươn trải đủ nghề để kiếm sống. Thế nhưng công việc mà cậu theo đuổi không dễ dàng như những gì Tú nghĩ. Khó khăn và đồng lương ít ỏi không đủ nuôi thân và gia đình khiến Tú quyết định xin nghỉ việc và trở về lập nghiệp trên quê hương.
Cơ duyên của Tú đến với cây dược liệu rất tình cờ. Tú có ông nội và người chú làm nghề thầy thuốc, họ luôn phải lo lắng trước tình trạng khan hiếm nguồn cây dược liệu để chữa bệnh. Nhận thấy sự bất cập đó, với vốn kiến thức về chăm sóc và trồng cây cảnh Tú liền nghĩ tới việc sẽ trồng cây dược liệu. May mắn đã đến khi Tú nhận được đơn đặt hàng đầu tiên với 2.000 cây ba kích. Điều đó càng thôi thúc Tú lao vào tìm kiếm hạt ba kích.
Tú một mình lặn lội vào sâu trong núi rừng Tam Đảo để tìm kiếm hạt ba kích. Theo kinh nghiệm, giống cây này chỉ sống ở những khe đá sâu trong rừng và anh không ngại rừng núi, nguy hiểm để tìm kiếm. Nhưng, mọi việc không hề suôn sẻ. Lần đi đầu tiên, do chưa biết phân biệt hạt giống nên anh mang về loại hạt không đúng, anh phải nhờ ông nội mới phân biệt được. Mất công đến lần thứ 3 anh mới mang về đúng hạt giống của cây ba kích.
Với hơn 1 kg hạt giống ba kích tìm được trên rừng, Tú bắt tay vào việc nhân giống. Dùng kinh nghiệm chăm sóc và trồng cây cảnh học được trước đó để áp dụng vào nhân giống ba kích. Trời không phụ công, từ 1kg hạt giống đầu tiên, anh nhân được hơn 2.000 cây ba kích đúng chất lượng khách yêu cầu. Đợt giống đầu tiên anh bán được 2.000 đồng/cây.
Thành công bước đầu, nhưng trong Tú luôn trăn trở, việc nhân giống bằng hạt mất khá nhiều thời gian để cây giống phát triển và cho thu hoạch. Anh tiếp tục nảy ra ý tưởng tạo giống cây dược liệu mới bằng phương pháp hom. Hom là phương pháp dùng những cành cây to, khỏe, đủ tiêu chuẩn để ươm thành cây mới, quá trình này thuận lợi, dễ dàng hơn so với nhân giống thông thường và nhanh cho thu hoạch. Thế nhưng cuộc mưu sinh chẳng có gì dễ dàng. Anh kể: “Ngày đó, do chưa có kinh nghiệm, kĩ thuật, 70% số lượng hom đầu tiên bị chết hết”.
Quyết tâm, anh bỏ thời gian ra ngoài tự nhiên xem đặc tính sống của cây ba kích, rồi lên mạng mày mò tìm hiểu các kĩ thuật về việc nhân giống bằng hom. Cây ba kích không đòi hỏi cao về công chăm sóc nhưng bù lại người trồng phải thật sự am hiểu nó.
Sau lần đó, anh thay đổi hẳn cách trồng. Anh chọn đất tầng thứ hai của đất đỏ trung du, sau đó phơi tơi đất từ 15 – 20 ngày để loại trừ nấm mốc, bệnh cho cây. Trước khi cho vào ươm thì hom được chấm thuốc kích thích ra rễ. Hom được chăm sóc, tưới nước đầy đủ từ 1 – 2 tháng trước khi xuất bán.
Từ những lứa ba kích thành công trên chính mảnh đất cằn cỗi, anh Tú thu hút sự chú ý của người dân, nhất là khi các công ty dược liệu uy tín trong nước đến đặt vấn đề mua ba kích với số lượng lớn. Lúc này anh bắt đầu thuê đất ở các khu đất đồi để trồng. Đồng thời anh phổ biến cho người dân cùng trồng, bởi anh có thể ký được nhiều hợp đồng cung ứng cả nghìn cây giống cho các công ty dược liệu.
“Tôi thích tìm tòi cái mới để mang lại sự thành công”, anh chia sẻ. Từ thành công việc nhân giống cây ba kích, Tú lao vào nghiên cứu nhân giống các loại cây dược liệu khác. Anh cho biết: Mỗi loại cây dược liệu có một đặc điểm riêng, có cách trồng và chăm sóc khác nhau. Hiện nay kiến thức sách vở về cây dược liệu rất ít nên phần lớn anh phải tự tìm hiểu, làm đến đâu rút kinh nghiệm đến đấy.
Từ hai bàn tay trắng, hiện nay Tú đã sở hữu giống hơn 70 loại cây dược liệu khác nhau trong đó có nhiều giống cây dược liệu quý khác được ghi trong sách đỏ như kim ngân hoa, khôi nhung, chè hoa vàng, ngọc trúc, lan kim tuyến…
Hiện nay, anh đã thành lập công ty riêng, chuyên tập trung vào mô hình ươm và trồng cây dược liệu quý. Không chỉ cung cấp cây dược liệu quý mà mô hình của anh còn đón các đoàn khách đến thăm quan và học hỏi kinh nghiệm. Tú còn tạo ra website về cây dược liệu, cung cấp đầy đủ các thông tin về cây dược liệu cho người tiêu dùng tìm hiểu. Trên trang web của mình, Tú đăng tải đầy đủ những thông tin về cây dược liệu, công dụng và cách sử dụng nguồn thảo dược quý.
Tú chia sẻ: Hiện nay, mỗi tháng anh xuất bàn từ 50.000 – 70.000 cây ba kích, gần 1 vạn cây trà hoa vàng, hơn 30.000 cây cà gai leo. Tùy vào đơn đặt hàng của khách mà mỗi tháng anh ươm những cây giống dược liệu khác nhau. Mỗi năm, những cây dược liệu đã giúp Tú có doanh thu khoảng 600 – 700 triệu đồng. Không chỉ tạo được nguồn thu nhập cá nhân, mô hình này của anh còn tạo công ăn việc làm cho 3 đến 5 lao động cố định và hàng chục lao động theo mùa vụ với mức lương 120.000 đồng/ngày. Sản phẩm cây dược liệu của Tú đã xuất hiện trên khắp mọi miền Tổ quốc và xuất sang cả nước ngoài. Tú còn vinh dự được nhận Giải thưởng Lương Đình Của năm 2015 của Trung Ương Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh dành cho Nhà nông trẻ xuất sắc.
Sản phẩm làm ra đến đâu, thương lái đến thu mua hết đến đó. Nhưng có điều Tú luôn trăn trở, nguồn cây dược liệu của nước ta rất phong phú nhưng hầu như chưa có nhiều tài liệu nghiên cứu về kỹ thuật, phương pháp trồng và chăm sóc. Bên cạnh đó, nguồn ra chủ yếu vẫn là do các thương lái nước ngoài nên chưa nhiều người dám mạnh dạn đầu tư vào phát triển cây dược liệu./.
Nguyễn Thị Thảo – TTXVN

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu