Thứ Bảy, 18/01/2025 03:46 (GMT +7)

Tiếp sức cho cuộc chiến chống biến đổi khí hậu

Thứ 5, 22/04/2021 | 11:49:00 [GMT +7] A  A

Hội nghị thượng đỉnh khí hậu trực tuyến do Mỹ tổ chức vào ngày 22-23/4 với trọng tâm thảo luận về mục tiêu giảm phát thải và thích ứng với biến đổi khí hậu trong tình hình mới, được kỳ vọng sẽ tạo cú huých để thúc đẩy thế giới triển khai thực thi Hiệp định Paris một cách nghiêm túc và rốt ráo.

Diễn ra trong bối cảnh đại dịch COVID-19 phần nào làm đình trệ cuộc chiến chống biến đổi khí hậu toàn cầu, sự kiện này có thể là cơ hội để đảm bảo Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP 26) dự kiến diễn ra tại Glasgow (Anh) vào tháng 11 tới sẽ có được những kết quả rõ ràng, với những kế hoạch hành động cụ thể cho tới năm 2030.

Tổng thống Mỹ Joe Biden phát biểu tại Nhà Trắng ngày 15/4/2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Với việc đứng ra tổ chức hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu quy tụ khoảng 40 nhà lãnh đạo trên thế giới chỉ 3 tháng sau khi nhậm chức, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã thực hiện cam kết mà ông đề cập trong quá trình vận động tranh cử, đưa Mỹ trở lại vai trò dẫn dắt các nỗ lực chống tình trạng ấm lên toàn cầu. Ngay trong ngày đầu tiên lên cầm quyền, ông Biden đã ký sắc lệnh đưa Mỹ tham gia trở lại Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu năm 2015, tiếp đó là công bố kế hoạch chi tiêu hơn 2.000 tỷ USD nhằm hiện đại hóa hệ thống cơ sở hạ tầng và giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu.

Theo chuyên gia Alden Meyer từ cơ quan tư vấn E3G (có trụ sở tại London), động thái này giúp thế giới tự tin rằng Mỹ đang trở lại và huy động tổng lực để “bù đắp” cho quãng thời gian mọi hoạt động vì khí hậu bị đóng băng dưới thời chính quyền tiền nhiệm.

Chính quyền của ông Biden cũng đã bắt tay ngay vào việc tìm kiếm sự đồng thuận về cách thức ứng phó với cuộc khủng hoảng khí hậu. Đặc phái viên về khí hậu của Mỹ John Kerry đã thực hiện chiến dịch ngoại giao con thoi với hàng loạt chuyến công du tới châu Âu, Trung Quốc …. nhằm thúc đẩy hợp tác trong vấn đề khí hậu, theo đúng tinh thần mà ông Kerry khẳng định “không hợp tác chính là tự sát” vì biến đổi khí hậu là thách thức của cả hành tinh.

Có thể thấy rằng cộng đồng quốc tế ngày càng nhận thức rõ hơn tính cấp bách của vấn đề biến đổi khí hậu. Trên thế giới cũng đang dần hình thành sự thống nhất chính trị về việc cần những nỗ lực tập thể trên quy mô toàn cầu để giải quyết vấn đề hóc búa này, trong bối cảnh nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ vẫn hứng chịu thêm nhiều các hiện tượng thời tiết cực đoan do hệ quả của tình trạng biến đổi khí hậu.

Ngày càng nhiều quốc gia đưa ra các cam kết trung hòa khí thải carbon trước năm 2050, một số quốc gia thậm chí còn đẩy thời hạn lên năm 2030. Đây cũng là một trong những vấn đề hiếm hoi mà các nước được xem là đối đầu tìm được tiếng nói chung. Mỹ và Trung Quốc đã có được tuyên bố chung nhấn mạnh cam kết hợp tác về biến đổi khí hậu. Sau cuộc thảo luận giữa Đặc phái viên của Tổng thống Nga về khí hậu Ruslan Edelgeriev và người đồng cấp Mỹ John Kerry, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken sẽ tham gia cuộc họp của Hội đồng Bắc cực, đánh dấu lần đầu tiên ông gặp người đồng cấp Nga Sergei Lavrov, gác lại những căng thẳng song phương có dấu hiệu gia tăng gần đây, để tập trung vì mục tiêu bảo vệ hệ sinh thái vùng cực của Trái Đất. Trong cuộc gặp ông John Kerry hồi tháng trước ở Paris, Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Maire từng hy vọng sẽ được chứng kiến “một thập niên vì khí hậu” dựa trên nền tảng này.

Tuy nhiên, chừng đó là chưa đủ để đạt được các mục tiêu đề ra trong Hiệp định Paris, theo đó đến cuối thế kỷ này, hầu hết các quốc gia sẽ phải giảm đáng kể lượng khí thải carbon để hạn chế mức nhiệt tăng toàn cầu ở ngưỡng thấp hơn 2 độ C. Theo LHQ, tới nay, hơn 100 quốc gia chịu trách nhiệm cho khoảng 65% lượng khí thải toàn cầu chưa chính thức công bố thời hạn trung hòa khí thải carbon.

Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) ngày 20/4 cảnh báo lượng khí thải CO2 toàn cầu trong năm nay sẽ tăng lên mức cao thứ hai kể từ khi các dữ liệu được ghi chép do các hoạt động kinh tế được nối lại sau thời gian gián đoạn vì đại dịch COVID-19. Theo IEA, lượng khí thải CO2 trong năm 2021 sẽ tăng 5% lên mức 33 tỷ tấn, nhu cầu tiêu thụ than đá sẽ tăng 4,5%, cao nhất kể từ năm 2014. IEA cảnh báo nếu chính phủ các nước không nhanh chóng có hành động quyết liệt để cắt giảm khí thải thì tình hình sẽ còn tồi tệ hơn vào năm 2022.

Băng lở tại sông băng Apusiajik ở gần Kulusuk, Greenland. Ảnh: AFP/TXVN

Một thách thức nữa, là năm ngoái, trong đợt đầu tiên đánh giá định kỳ và cập nhật các mức cam kết giảm khí thải (NDC) nhằm đảm bảo thực hiện được mục tiêu của Hiệp định Paris, chỉ hơn một nửa trong tổng số trên 190 quốc gia ký kết văn kiện này nộp kế hoạch điều chỉnh đúng hạn. Mỹ và Trung Quốc, 2 quốc gia phát thải hàng đầu thế giới, chưa đưa ra kế hoạch. Trên bàn đàm phán, từ năm 2015 tới nay các nhà lãnh đạo vẫn chưa thể thống nhất về kế hoạch phân chia trách nhiệm tài trợ cho các nỗ lực chống biến đổi khí hậu.

Trong khi đó, 6 năm liên tiếp kể từ năm 2015 đều là những năm nóng nhất trong lịch sử. Những kịch bản dự báo tồi tệ nhất về tác động của tình trạng ấm lên toàn cầu dần trở thành hiện thực, những cơn bão, đợt hạn hán và những thảm họa thiên nhiên với sức tàn phá chưa từng thấy liên tục xảy ra, cướp đi hàng nghìn sinh mạng và hàng chục tỷ USD.

Đó là lý do hội nghị thượng đỉnh khí hậu này được ví như “liều thuốc trợ lực” cho cuộc chiến chống biến đổi khí hậu toàn cầu, để thúc đẩy hơn nữa những cam kết, sáng kiến và hành động thực tế. Việc khoảng 40 nhà lãnh đạo tham gia hội nghị cũng là minh chứng cho thấy cộng đồng quốc tế ngày càng quyết tâm hơn trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, và điều đó phát đi thông điệp tích cực, tiếp sức cho những nỗ lực toàn cầu.

Nhận lời mời của Tổng thống Mỹ Joe Biden, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc sẽ tham dự và phát biểu tại hội nghị thượng đỉnh về khí hậu lần này. Việt Nam đánh giá đây là cơ hội lớn để lãnh đạo các nước, các doanh nghiệp và các tổ chức xã hội thảo luận về tính cấp bách của vấn đề và yêu cầu đưa ra những hành động mạnh mẽ hơn. Là một trong những nước chịu tác động nặng nề nhất của biến đổi khí hậu với các hiện tượng nước biển dâng, xâm nhập mặn, thường xuyên hứng chịu bão lụt, hạn hán, lũ quét và sạt lở đất với tần suất ngày càng gia tăng, Việt Nam cam kết sẽ tiếp tục tích cực tham gia vào các nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế nhằm biến “thách thức” do biến đổi khí hậu thành “cơ hội” phát triển bền vững cho tất cả mọi người, không để ai bị bỏ lại phía sau.

Theo báo cáo mới nhất của Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO), năm 2020, trên không trung, nồng độ khí thải gây hiệu nhà kính như CO2, methane và NO2 tiếp tục tăng dù lượng khí thải đã giảm do tác động của đại dịch COVID-19. Trên mặt đất, các số liệu chỉ ra năm 2020 là một trong 3 năm nóng nhất trong lịch sử. Dưới đại dương, mực nước biển dâng ngày càng cao, trong khi lượng nhiệt tích trữ trong lòng đại dương và tình trạng acid hóa ngày càng tồi tệ, khiến khả năng điều hòa biến đổi khí hậu từ mặt trận thiên nhiên này suy giảm.

Thực tế đó cho thấy nếu chính con người không hành động khẩn trương và có tổ chức trên cơ sở thống nhất các nỗ lực toàn cầu, thì cuộc khủng hoảng khí hậu là điều không thể đảo ngược. Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres đã khẳng định năm 2021 phải là năm hành động để ngăn chặn những hậu quả “thảm khốc” của biến đổi khí hậu. Hội nghị thượng đỉnh khí hậu này có thể tiếp thêm động lực để cộng đồng quốc tế nỗ lực chung tay cứu “ngôi nhà Trái Đất” thoát khỏi thảm họa trước khi quá muộn.

Lê Ánh (TTXVN)
https://baotintuc.vn/the-gioi/tiep-suc-cho-cuoc-chien-chong-bien-doi-khi-hau-20210422083010643.htm

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu