Tất cả chuyên mục
Long An|
30°C
/ 27°C - 33°C
Thứ Năm, 23/01/2025 08:09 (GMT +7)
Tiết lộ về ‘hành trình khủng khiếp’ của người di cư qua châu Phi
Thứ 4, 29/07/2020 | 14:50:00 [GMT +7] A A
Theo báo cáo của Liên hợp quốc (LHQ) công bố ngày 29/7, hàng nghìn người di cư đã thiệt mạng sau khi bị tấn công và lạm dụng nghiêm trọng trong quá trình vượt biên qua châu Phi. Ước tính mỗi tháng lại có 72 người thiệt mạng trong hành trình đầy nguy hiểm này.
Người di cư trên tàu Ocean Viking sau khi được giải cứu tại Địa Trung Hải, ngày 18/8/2019.
Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN
Những báo cáo trước đây thường tập trung vào hàng nghìn người phải bỏ mạng ngoài khơi khi tìm cách vượt biển từ châu Phi đến châu Âu, song báo cáo mới nhất cho thấy các tuyến đường từ khu vực Tây Phi và Đông Phi đến Địa Trung Hải cũng không kém phần hiểm nguy.
Với tiêu đề “Trong hành trình này, không ai quan tâm bạn sống hay chết”, báo cáo do Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn (UNHCR) và Trung tâm Di trú thuộc Hội đồng Tị nạn Đan Mạch (MMC) đã tiết lộ những sự thật khủng khiếp mà người di cư phải đối mặt khi vượt biên.
Theo UNHCR, đa số người di cư khi thực hiện các hành trình như vậy đều phải chịu đựng những hành động “tàn ác và vô nhân đạo” của những kẻ buôn lậu và phiến quân.
Chỉ riêng trong năm 2018 và 2019, ít nhất 1.750 người đã bỏ mạng khi vượt biên, tương đương đương với 72 người/tháng và hoặc hơn 2 người tử vong mỗi ngày, khiến đây trở thành một trong những tuyến đường chết chóc nhất đối với người di cư và tị nạn trên thế giới.
Cao ủy LHQ về Người tị nạn, ông Filippo Grandi nhận định trong suốt thời gian dài, việc người tị nạn và di cư chịu cảnh lạm dụng khi vượt biên bằng đường bộ hầu như không được chú ý đến. Nhiều tài liệu cho thấy rất nhiều vụ giết hại, bạo lực đã xảy đến với những con người đang tuyệt vọng chạy trốn khỏi bạo lực, chiến tranh và khủng bố.
Thống kê cho thấy gần 1/3 trong số những người tử vong khi vượt biên đường bộ tìm cách đi qua sa mạc Sahara ở châu Phi. Những người khác đã bỏ mạng khi đi qua khu vực miền Nam chiến sự bất ổn của Libya. Tuyến đường chết chóc còn lại là CH Trung Phi và Mali đang chìm trong xung đột. Những người sống sót khi qua đây thường phải chịu những chấn thương nghiêm trọng, đặc biệt là những ai vượt biên qua Libya, nơi xảy ra nhiều vụ giết hại, tra tấn và cưỡng bức lao động.
Theo báo cáo, hàng chục nghìn người tị nạn, thường tới từ vùng sa mạc miền Nam châu Phi và châu Á, với hy vọng vượt biên qua Địa Trung Hải, đã bị mắc kẹt tại Libya – một tuyến đường di cư bất hợp pháp quan trọng đến châu Âu. Nhiều người trong số này tìm cách vượt biên qua Địa Trung Hải đã bị lực lượng bảo vệ bờ biển Libya chặn và yêu cầu quay thuyền.
Tính đến thời điểm này, chỉ riêng trong năm nay, đã có trên 6.200 người tị nạn buộc phải cập bến Libya. Không chỉ phụ nữ và trẻ em gái, mà nam giới và bé trai cũng đối mặt với nguy cơ cao bị lạm dụng tình dục.
Thủ phạm chính gây nên tình trạng này tại khu vực Bắc và Đông Phi chính là những kẻ buôn người. Ước tính 1/3 số người chứng kiến hoặc sống sót sau các vụ bạo lực tình dục khẳng định rằng các vụ tấn công kiểu này xảy ra không phải chỉ ở một nơi.
Do đó, ông Grandi kêu gọi lãnh đạo các nước trong khu vực cần có hành động cứng rắn và cụ thể, cùng với sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế nhằm chấm dứt các hành vi tàn ác này, bảo vệ người các nạn nhân và đưa thủ phạm ra trước công lý.
https://baotintuc.vn/the-gioi/tiet-lo-ve-hanh-trinh-khung-khiep-cua-nguoi-di-cu-qua-chau-phi-20200729131623000.htm
Ý kiến ()