Thứ Ba, 21/01/2025 11:57 (GMT +7)

Tình hình dịch COVID-19 đáng báo động tại Mỹ, châu Âu

Thứ 3, 27/10/2020 | 16:11:00 [GMT +7] A  A

Mỹ vừa trải qua tuần có số ca mắc COVID-19 cao nhất từ đầu dịch tới nay. Trong khi đó, số ca mắc bệnh ở châu Âu cũng tăng chóng mặt trong làn sóng thứ hai, buộc nhiều nước phải thắt chặt biện pháp phòng dịch.

Mỹ: Một tuần lập kỷ lục buồn về ca mắc mới

Chuyển thi thể bệnh nhân mắc COVID-19 ra nhà xác dã chiến tại một bệnh viện ở New York, Mỹ ngày 8/4. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo tờ USA Today, Mỹ có 481.372 ca mắc COVID-19 mới trong tuần trước và đây là con số cao nhất trong một tuần kể từ khi đại dịch bùng phát. Trung bình mỗi ngày Mỹ ghi nhận 68.767 ca bệnh mới – con số cao nhất từ trước tới nay. Trong tuần trước, Mỹ có hai ngày ghi nhận trên 83.000 ca mắc mới là ngày 23 và 24/10.

Gần một nửa nước Mỹ đã lập kỷ lục về số ca mắc mới trong tuần đó, trong khi 5 bang Montana, Bắc Carolina, Nam Dakota, Wisconsin và Wyoming lập kỷ lục về số người chết trong một tuần. Theo phân tích số liệu của Đại học Johns Hopkins, cứ 1,26 giây thì Mỹ lại có một ca mắc COVID-19.

Tiến sĩ Ashish Jha, Chủ nhiệm khoa Y tế Công cộng của trường Đại học Brown, nhận định: “Tôi cho rằng thông báo kỷ lục mới sẽ lặp đi lặp lại trong những ngày và những tuần tới đây. Tôi dự báo những con số này sẽ tiếp tục tăng. Số ca nhập viện cũng sẽ tiếp tục tăng”.

Theo tờ USA Today, số ca mắc COVID-19 tăng đột biến này phản ánh tình hình nghiêm trọng của đại dịch chứ không phải là do Mỹ xét nghiệm nhiều. Bằng chứng là số ca mắc trung bình trong 7 ngày tuần trước tăng 23% so với tuần trước nữa, nhưng số xét nghiệm trung bình chỉ tăng 2,87%.

Tình trạng gia tăng bệnh nhân COVID-19 khiến một số bệnh viện đã hết giường bệnh. Tiến sĩ Leana Wen, một bác sĩ cấp cứu, cho biết: “Chúng ta đã chứng kiến những gì xảy ra hồi đầu đại dịch, khi các bệnh viện quá tải thì bệnh nhân không được chăm sóc, không chỉ bệnh nhân COVID-19 mà còn các bệnh nhân đau tim, đột quỵ, tai nạn ô tô”.

Nhân viên y tế tại điểm xét nghiệm ở Florida. Ảnh: AP

Ví dụ như tại bang Utah, chẳng mấy chốc mà các bệnh viện sẽ phải lựa chọn bệnh nhân dựa trên tuổi, sức khỏe… để quyết định xem ai được ở phòng chăm sóc đặc biệt. Tiến sĩ Wen cho biết điều này có thể sẽ xảy ra trên toàn nước Mỹ chứ không chỉ vài khu vực như lần đầu.

Tính tới ngày 26/10 (giờ Mỹ), ít nhất 37 bang có số ca mắc trong tuần trước gia tăng so với tuần trước nữa. 13 bang có số ca mắc ổn định và không có bang nào có tỷ lệ giảm ca bệnh ít nhất là 10%. Mỹ đã ghi nhận trên 8,9 triệu ca mắc, trong đó trên 231.000 người đã tử vong.

Khi làn sóng dịch bệnh gia tăng trong mùa thu đang lan rộng khắp nước Mỹ, các bác sĩ cho rằng nếu Mỹ hành động nhanh chóng thì có thể ngăn được đợt gia tăng mạnh vào mùa đông. Tiến sĩ Wen nói: “Đây không phải là điều không thể tránh được. Chúng ta thực sự có một chút thời gian ngay bây giờ để ngăn chặn dịch bùng nổ thời gian tới. Nhưng chúng ta chỉ có thời điểm bây giờ để hành động. Các biện pháp có thể là bắt buộc đeo khẩu trang toàn quốc và các chính sách khác… Thực ra, có nhiều điều ta có thể làm để vừa cứu mạng người vừa vận hành nền kinh tế”.

Ngày càng có nhiều quan chức ở cả hai đảng kêu gọi áp dụng quy định bắt buộc đeo khẩu trang toàn quốc. Tiến sĩ Scott Gottlieb, cựu Giám đốc Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm, cho rằng đã tới lúc người dân toàn quốc phải đeo khẩu trang trong hai tháng tới. Hành động bất tiện này, dù bất tiện, nhưng sẽ giúp Mỹ duy trì năng lực chăm sóc y tế và giúp cho nhiều trường học, doanh nghiệp mở cửa.

Theo dữ liệu của Đại học Washington, nếu 95% người Mỹ đeo khẩu trang nơi công cộng, sẽ cứu sống trên 100.000 mạng người tới tháng 2/2021.

Châu Âu chìm trong làn sóng thứ hai

Nhân viên y tế điều trị cho bệnh nhân mắc COVID-19 tại một bệnh viện ở Strasbourg, Pháp ngày 22/10. Ảnh: AFP/TTXVN

Dịch bệnh hoành hành ở châu Âu cũng không kém nghiêm trọng so với ở Mỹ. Các lãnh đạo châu lục này đang chuẩn bị tinh thần đối phó với thảm họa.

Theo VOA News, sau khi các nước châu Âu mở cửa trở lại vào mùa hè, khôi phục hoạt động đi lại và du lịch, làn sóng thứ hai đang tác động mạnh tới cả những nước đã trải qua và chưa trải qua làn sóng thứ nhất.

Pháp ghi nhận số ca mắc COVID-19 mới cao kỷ lục ngày 25/10 với 52.010 ca. Số người nhiễm bệnh ở Ba Lan tăng gấp đôi chỉ trong vòng chưa đầy ba tuần. Tại CH Séc, đất nước 10,7 triệu dân có tới trên 258.000 người mắc COVID-19.

Tây Ban Nha đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp từ 25/10 khi trở thành quốc gia châu Âu đầu tiên vượt ngưỡng 1 triệu ca mắc COVID-19. Giới chức nước này cho rằng con số thực tế có thể cao gấp ba lần do năng lực xét nghiệm hạn chế. Tây Ban Nha đã áp giờ giới nghiêm ban đêm trên toàn bộ đất nước, trừ quần đảo Canary.

Nhân viên y tế điều trị cho bệnh nhân COVID-19 tại một bệnh viện ở Budapest, Hungary ngày 29/4. Ảnh: AFP/TTXVN

Tại Bỉ, hệ thống bệnh viện và cơ sở hạ tầng xét nghiệm đã quá tải. Giới chức nước này sợ thiếu hụt những nhân sự quan trọng như đội ngũ y tế và cảnh sát làm việc trên đường phố.

Khắp châu Âu, các quan chức đều lặp lại những cảnh báo đã đưa ra trong làn sóng thứ nhất. Các chính trị gia nhắc tới khả năng phải yêu cầu người dân cảnh giác và hy sinh tập thể một số quyền tự do nhất định. Bộ trưởng Y tế Italy Roberto Speranza nói: “Chúng ta phải phản ứng ngay và phản ứng quyết tâm nếu muốn tránh những con số không thể chịu đựng nổi”.

Tuy nhiên, kêu gọi người dân hy sinh nhiều hơn không phải dễ như lần đầu. Chính phủ nhiều nước châu Âu, vốn đang chìm trong suy thoái kinh tế, lo rằng đóng cửa lâu hơn sẽ ảnh hưởng tới các ngành và gia tăng tỷ lệ thất nghiệp. Châu Âu đang đứng trước lựa chọn khó khăn. Họ không thể chờ virus biến mất thần kỳ, không thể cho phép nó lây lan trong xã hội nhưng cũng muốn tránh phong tỏa toàn quốc và chỉ muốn phong tỏa, hạn chế các điểm nóng dịch bệnh. Tuy nhiên, điều đó có thể chưa đủ.

Ông Devi Sridhar, Chủ nghiệm khoa y tế công cộng toàn cầu thuộc Đại học Edinburgh (Vương quốc Anh) cho rằng châu Âu cần phải học hỏi một số nước châu Á-Thái Bình Dương.

Trước tình hình ảm đạm này, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh châu Âu (ECDC) và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đều đưa ra cảnh báo. Giám đốc ECDC Andrea Ammon nói châu Âu đang đối mặt mối đe dọa lớn với sức khỏe cộng đồng và đang ở trong tình hình dịch bệnh rất lo ngại. Các nước Liên minh châu Âu (trừ Síp, Estonia, Phần Lan và Hy Lạp) đều ở trong danh sách đặc biệt lo ngại. Toàn bộ châu Âu chiếm tới 46% tổng ca bệnh toàn cầu và gần 1/3 tổng số ca tử vong.

Theo hãng tin Reuters, ông Mike Ryan, Giám đốc chương trình y tế khẩn cấp của WHO, châu Âu cần đặc biệt tăng tốc trong chống dịch COVID-19 và tình trạng thiếu năng lực truy vết có thể khiến dịch bệnh diễn biến nghiêm trọng. Trong khi đó, Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cảnh báo nguy hiểm khi từ bỏ nỗ lực kiểm soát dịch bệnh, đồng thời hối thúc các nước không làm như vậy.

Thùy Dương/Báo Tin tức

https://baotintuc.vn/the-gioi/tinh-hinh-dich-covid19-dang-bao-dong-tai-my-chau-au-20201027122257848.htm

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu