Cứng rắn hơn với Trung Quốc
Theo các chuyên gia, với tuyên bố trên, Chính phủ mới của Mỹ được cho là sẽ “giã biệt” cách thức tiếp cận có phần thận trọng của Chính phủ tiền nhiệm đối với Trung Quốc trước tham vọng độc chiếm Biển Đông.
Trước đó, ông Rex Tillerson, người được ông Trump lựa chọn làm Ngoại trưởng Mỹ trong phiên điều trần ngày 11/1 cũng khẳng định, Trung Quốc không được phép tiếp cận với các bãi đá mà nước này cải tạo phi pháp ở Biển Đông.
“Trên thực tế, các bãi đá đó nằm trong khu vực hải phận quốc tế chứ không phải là “tài sản” của Trung Quốc. Chúng tôi muốn chắc chắn rằng, chúng tôi sẽ bảo vệ được khu vực hải phận quốc tế khỏi bị một quốc gia chiếm đóng”, ông Tillerson nói.
Khi bị chất vấn rằng, liệu ông có ủng hộ một thái độ cứng rắn hơn với Trung Quốc hay không, ông Tillerson nói: “Chúng tôi sẽ gửi đến Trung Quốc một thông điệp rõ ràng rằng, đầu tiên, họ cần dừng ngay việc xây dựng trái phép trên các đảo nhân tạo và thứ hai, họ không được phép tiếp cận các đảo nhân tạo đó”.
Dù ông Tillerson không nêu rõ Mỹ sẽ làm thế nào để ngăn chặn Trung Quốc tiếp cận các đảo nhân tạo nói trên, các chuyên gia cho rằng, nhiều khả năng Mỹ sẽ tiến hành các biện pháp quân sự và thậm chí có thể sử dụng Hải quân để chặn các tàu Trung Quốc. Tuy nhiên, các chuyên gia cũng cảnh báo, điều này có thể dẫn tới nguy cơ đối đầu Mỹ-Trung.
Đáp lại, phía Trung Quốc đe dọa rằng, Mỹ sẽ phải “lao vào một cuộc chiến” nếu muốn ngăn cản Trung Quốc tiếp cận các đảo nhân tạo mà nước này đã xây dựng trên đó nhiều công trình quân sự, đường băng và đưa nhiều hệ thống vũ khí tới đây.
Không ngại leo thang căng thẳng
Các chuyên gia quân sự cho rằng, trong khi Hải quân Mỹ hoàn toàn có đủ khả năng thực hiện việc chặn các tàu chiến, tàu ngầm và máy bay của Trung Quốc tiếp cận các bãi đá mà nước này cải tạo phi pháp ở Biển Đông, động thái này có thể sẽ khiến quan hệ Mỹ-Trung leo thang căng thẳng.
Dù vậy, các trợ lý của ông Trump cho biết, Tổng thống mới của Mỹ dự định sẽ điều phần lớn các tàu Hải quân đến khu vực Đông Á để đối đầu với tham vọng của Trung Quốc.
Bà Mira Rapp-Hooper, chuyên gia về Biển Đông tại Trung tâm An ninh Mỹ mới, nhận định, việc Mỹ đe dọa ngăn chặn việc Trung Quốc tiếp cận các bãi đá mà nước này cải tạo phi pháp ở Biển Đông là “rất đáng chú ý”, tuy nhiên điều này lại không có cơ sở luật pháp quốc tế.
“Việc ngăn chặn như vậy được coi là một hành động gây chiến. Chính phủ của ông Trump đang vạch ra một “ranh giới đỏ” ở châu Á mà gần như chắc chắn họ sẽ không thực hiện được trong khi điều này sẽ gây bất ổn nghiêm trọng mối quan hệ Mỹ-Trung và có khả năng dẫn đến khủng hoảng khiến phần còn lại của thế giới cho rằng, Mỹ là một đối tác không còn đáng tin cậy”.
Cùng chung quan điểm này, ông Evan Medeiros- cựu cố vấn cao cấp về châu Á cho Tổng thống đã từ nhiệm Barack Obama- nhận định: “Việc vạch ra một “ranh giới đỏ” về việc Trung Quốc có quyền tiếp cận các đảo nhân tạo ở Biển Đông như thế nào là một việc làm đầy mạo hiểm. Làm thế nào để họ thực thi được điều đó? Điều này có thể dẫn đến xung đột quân sự và Mỹ có thể mất rất nhiều ở châu Á”.
Ông Dennis Wilder, một cựu chuyên gia phân tích tại CIA, nhận định, ông Spicer có thể chỉ ám chỉ “quyền tự do đi lại” ở Biển Đông. Tuy nhiên, tuyên bố của ông Spicer có thể khiến Trung Quốc hiểu nhầm về cách Nhà Trắng dự định hành động với Trung Quốc liên quan đến vấn đề Biển Đông.
“Trung Quốc sẽ cần một lời giải thích rõ ràng hơn về chính sách của Mỹ ở Biển Đông. Dường như ông Tillerson và ông Spicer vẫn chưa hiểu rõ về bản chất pháp lý của vấn đề Biển Đông”.
Bà Mira Rapp-Hooper, bà Bonnie Glaser, chuyên gia tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, cho rằng, những tuyên bố của ông Spicer là “rất đáng lo ngại” và nhấn mạnh, Chính phủ mới của ông Trump đang “đưa ra những thông điệp rất rắc rối và mâu thuẫn với nhau”.
Trong khi đó, ông Dean Cheng, một chuyên gia Trung Quốc tại Quỹ Heritage cho rằng, những tuyên bố của ông Spicer cho thấy Biển Đông sẽ là một trong những ưu tiên hàng đầu đối với chính quyền của ông Trump.
Theo ông Cheng, một điều rất đáng chú ý là cả ông Spicer và ông Tillerson đều không nêu rõ những biện pháp cụ thể mà Mỹ sẽ áp dụng để ngăn chặn tham vọng độc chiếm Biển Đông của Trung Quốc.
Điều này đồng nghĩa với việc Chính phủ Mỹ vẫn để ngỏ khả năng sử dụng biện pháp kinh tế thay vì các biện pháp quân sự để đối phó với Trung Quốc và các tập đoàn tham gia vào việc xây dựng các công trình trái phép trên các đảo nhân tạo./.
Ý kiến ()