Trong phần tiếp theo, Tổng thống Mỹ đề cập phán quyết của Tòa Trọng tài được thành lập theo phụ lục VII của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982 về vụ Philippines kiện Trung Quốc ở Biển Đông.
Tổng thống Obama cũng bày tỏ tin tưởng rằng, Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) sẽ đem lại những điều tốt đẹp cho Mỹ và các nước trong khu vực và trên toàn thế giới.
Sau đây, Trang hông tin điện tử đài PT&TH Long An dẫn nguồn từ VOV xin dưới thiệu phần 2 bài trả lời phỏng vấn báo Straits Times của Singapore của Tổng thống Obama:
TPP sẽ nhận được sự ủng hộ của Quốc hội Mỹ
PV: Liên quan đến TPP, rất nhiều nhà quan sát, trong đó có Thủ tướng Lý Hiển Long từng tuyên bố rằng, nếu TPP không được [Quốc hội Mỹ-ND] thông qua vào năm nay, cơ hội để TPP được [Quốc hội Mỹ] thông qua sẽ giảm xuống đáng kể. Điều này sẽ làm tổn hại nghiêm trọng đến uy tín của Mỹ trong khu vực.
Ông có đồng tình với quan điểm trên hay không và ông lạc quan như thế nào về khả năng TPP được Quốc hội Mỹ thông qua vào năm nay?
Tổng thống Obama: Tôi vẫn tin tưởng vào TPP, bởi đây là thỏa thuận rất tốt đẹp cho Mỹ, cho khu vực và cho toàn thế giới. TPP sẽ thúc đẩy kinh tế và những lợi ích chiến lược của Mỹ.
TPP được cho là sẽ loại bỏ 18.000 hàng rào kỹ thuật- chủ yếu là thuế quan- đối với các mặt hàng của Mỹ và giúp Mỹ tăng cường xuất khẩu vào châu Á-Thái Bình Dương.
TPP sẽ tạo ra sân chơi bình đẳng cho những người lao động và đảm bảo rằng, các quốc gia sẽ tuân thủ các quy định nghiêm ngặt hơn về môi trường và điều kiện lao động.
TPP sẽ giúp tăng cường mối quan hệ của Mỹ với các đối tác như Singapore và đặt nền móng cho việc hợp tác sâu rộng hơn nữa trong nhiều lĩnh vực khác nhau. TPP sẽ đảm bảo rằng, chúng ta sẽ cùng viết nên các quy định về thương mại cho thế kỷ 21.
Tôi muốn nói rằng, những vấn đề chính trị liên quan đến thương mại đều rất khó nhằn nhất là trong thời điểm diễn ra cuộc bầu cử Tổng thống tại Mỹ trong năm nay. Có rất nhiều mối lo ngại chính đáng rằng, ảnh hưởng của toàn cầu hóa sẽ khiến rất nhiều người bị bỏ lại phía sau và chúng ta cần phải xem xét nghiêm túc và giải quyết mối lo ngại này.
Tuy nhiên, câu trả lời không phải là tự co mình lại và ủng hộ chủ nghĩa bảo hộ. Chúng ta không thể tránh được việc giao thương. Trong nền kinh tế toàn cầu nơi các nền kinh tế và các chuỗi cung cấp liên kết chặt chẽ với nhau thì điều đó là không thể.
Thay vì thế, câu trả lời đúng là đảm bảo rằng, thương mại sẽ đem lại lợi ích cho người dân bằng cách đem lại việc làm tốt, xóa bỏ bất bình đẳng và tạo thêm nhiều cơ hội cho họ.
Đó chính là điều TPP muốn hướng tới. Tôi sẽ tiếp tục thúc đẩy việc thông qua TPP và tôi lạc quan tin rằng, Quốc hội Mỹ sẽ ủng hộ thỏa thuận mang tính lịch sử này.
Phán quyết vụ kiện Biển Đông là “có tính ràng buộc pháp lý”
PV: Tòa Trọng tài được thành lập theo phụ lục VII của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982 về vụ Philippines kiện Trung Quốc ở Biển Đông ngày 12/7 đã ra phán quyết về vụ kiện này.
Quan điểm của Chính phủ Mỹ về phán quyết từ PCA là như thế nào và phán quyết từ PCA sẽ có tác động như thế nào đối với Chính phủ Trung Quốc- vốn tuyên bố không công nhận phán quyết nỏi trên?
Tổng thống Obama: Mỹ cam kết duy trì trật tự trong khu vực dựa trên các quy định và luật pháp quốc tế, bao gồm quyền tự do hàng hải và giải quyết tranh chấp một cách hòa bình. Đó là cách duy nhất để đảm bảo an ninh chung.
Chúng tôi tin rằng, các nước lớn không nên chèn ép các nước nhỏ và chủ quyền của mọi quốc gia phải được tôn trọng. Chúng tôi từ lâu đã kêu gọi việc giải quyết tranh chấp bằng con đường hòa bình thông qua cơ chế trọng tài quốc tế.
Philippines đã rất nỗ lực để giải quyết tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc bằng con đường pháp lý và hòa bình thông qua Tòa Trọng tài được thành lập theo phụ lục VII của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982.
Phán quyết của Tòa là rõ ràng và có tính ràng buộc pháp lý đối với các tranh chấp ở Biển Đông mà Trung Quốc và Philippines là hai bên có liên quan và cần phải tôn trọng phán quyết này.
Chúng tôi tin rằng, phán quyết này hoàn toàn có thể mở ra cơ hội để các bên nỗ lực giải quyết tranh chấp bằng con đường hòa bình. Chúng tôi tiếp tục kêu gọi Trung Quốc và các bên có liên quan hợp tác một cách xây dựng để giải quyết các bất đồng để Biển Đông- tuyến đường rất quan trọng đối với nền kinh tế toàn cầu- có thể trở thành yếu tố thúc đẩy thương mại và hợp tác.
Một trật tự dựa trên luật pháp Quốc tế
PV: Trung Quốc thường tuyên bố rằng, việc Mỹ luôn áp đặt “tiêu chuẩn kép” và “cách nói chuyện kép” gây tổn hại đến quan hệ Mỹ-Trung và Mỹ dù không phải là bên ký kết UNCLOS nhưng lại luôn hối thúc Trung Quốc tuân thủ luật pháp quốc tế.
Hơn thế nữa, dù đang tăng cường hợp tác quân sự với các nước láng giềng của Trung Quốc và tiến hành các hoạt động tại “sân sau” của Trung Quốc nhưng Mỹ lại luôn phát đi những cảnh báo về hoạt động quân sự của Trung Quốc.
Quan điểm của ông về tuyên bố của Trung Quốc là như thế nào và trong tương lai, Chính phủ Mỹ sẽ làm gì để đáp trả tuyên bố đó của Trung Quốc?
Tổng thống Obama: Mỹ tin rằng mọi quốc gia- bao gồm những nước có tranh chấp ở Biển Đông- cần tôn trọng luật pháp quốc tế. Biển Đông không phải là khu vực mà chúng ta có thể lựa chọn đứng về một bên nào trong tranh chấp.
Lợi ích chung của tất cả chúng ta, Mỹ, Trung Quốc và toàn bộ các quốc gia khác trên thế giới là đảm bảo rằng, các nguyên tắc về tự do đi lại phải được tuân thủ. Các nguyên tắc nói trên là nền móng để đảm bảo sự ổn định trong khu vực và cho phép các quốc gia tại đây- trong đó có Trung Quốc- phát triển và thịnh vượng.
Chính vì thế, Mỹ đã nỗ lực để đảm bảo rằng, bất kỳ hành động nào mà chúng tôi thực hiện đều tuân thủ các nguyên tắc và chuẩn mực quốc tế, bao gồm những quy định tại Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển.
Cần nhắc lại rằng, sự hiện diện của Mỹ trong khu vực là không có gì mới mẻ. Hơn 60 năm qua, Mỹ đã kề vai sát cánh cùng các đồng minh và đối tác tại châu Á-Thái Bình Dương. Hoạt động của Mỹ bao gồm cả mối quan hệ đối tác quốc phòng với Singapore từ hơn 20 năm qua.
Hơn thế nữa, mối quan hệ đồng minh và đối tác của chúng tôi không nhằm vào bất kỳ quốc gia nào mà chỉ chủ yếu tập trung vào việc bảo đảm lợi ích chung về an ninh và thiết lập một khu vực tuân thủ luật pháp quốc tế tạo nền móng cho hòa bình và thịnh vượng trong khu vực và trên thế giới. Chúng tôi rất vui mừng vì mối quan hệ đối tác tốt đẹp với Singapore./.
Ý kiến ()