Tất cả chuyên mục
Long An|
30°C
/ 27°C - 33°C
Thứ Năm, 16/01/2025 09:45 (GMT +7)
Trà Vinh sản xuất cam sành VietGAP
Thứ 3, 27/12/2016 | 00:00:00 [GMT +7] A A
Viện Cây ăn quả miền Nam phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Trà Vinh, Hội Làm vườn tỉnh vừa nghiệm thu đề tài xây dựng mô hình sản xuất cam sành theo chuẩn VietGAP và liên kết tiêu thụ sản phẩm tại tỉnh Trà Vinh.
Theo Thạc sĩ Trần Thị Mỹ Hạnh, Viện Cây ăn quả miền Nam, chủ nhiệm đề tài, vấn đề an toàn thực phẩm được người tiêu dùng đặc biệt chú trọng. Việc sản xuất đạt chuẩn VietGAP giúp người tiêu dùng có thể truy xuất nguồn gốc sản phẩm, đảm bảo môi trường sản xuất an toàn, không chứa vi khuẩn, nấm, virus, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, hàm lượng nitrat, kim loại nặng…
Mô hình sản xuất cam sành theo VietGAP và liên kết tiêu thụ sản phẩm tại tỉnh Trà Vinh nhằm giúp cho trái cam sành của tỉnh Trà Vinh có hướng phát triển mới và bền vững hơn.Đề tài được thực hiện từ tháng 4/2014 đến tháng 8/2016, tại 2 Tổ hợp tác cam sành Thông Hòa và Hòa Ân, huyện Cầu Kè, tỉnh Trà Vinh, với 44 nhà vườn trồng 30 ha cam sành. Các tổ viên tham gia mô hình được hướng dẫn quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, cách ghi chép thủ tục hồ sơ… Nhà vườn cũng được hỗ trợ xây dựng nhãn hiệu cho trái cam sành và liên kết với các doanh nghiệp để tiêu thụ sản phẩm.
Kết quả, 44 nhà vườn sản xuất trồng cam sành trên diện tích 30 ha của 2 tổ hợp tác trên được công nhận sản xuất đạt chuẩn VietGAP. Hiện nhiều doanh nghiệp đã thương thảo hợp đồng mua sản phẩm của 2 tổ hợp tác với giá cao hơn giá thị trường 10%.
Ông Lê Văn Bé, Chủ tịch Hội Làm vườn tỉnh Trà Vinh cho biết, tỉnh Trà Vinh trồng khoảng 2.700 ha cam sành; trong đó, huyện Cầu Kè chiếm gần 2.000 ha, sản lượng hàng năm đạt hơn 30.000 tấn.Tuy nhiên, đa phần nhà vườn sản xuất nhỏ lẻ, manh mún nên khó khăn trong việc áp dụng quy trình kỹ thuật trong canh tác, khối lượng sản phẩm hàng hóa nhỏ, dẫn tới giá bán bấp bênh. Kinh tế hợp tác chưa thu hút được nhà vườn tham gia, sản xuất thiếu liên kết dẫn đến sức cạnh tranh trên thị trường thấp.
Từ thành công của mô hình sản xuất cam sành theo VietGAP và liên kết tiêu thụ sản phẩm trên địa bàn tỉnh Trà Vinh của Viện Cây ăn quả miền Nam, Hội Làm vườn tỉnh đang vận động các nhà vườn trồng cam sành tham gia tổ hợp tác, hợp tác xã, sản xuất theo theo tiêu chuẩn VietGAP.Đồng thời, đề xuất Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh đẩy mạnh liên kết tiêu thụ sản phẩm cam sành nhằm giúp nhà vườn yên tâm về đầu ra.
Ý kiến ()