Tất cả chuyên mục
Long An|
30°C
/ 27°C - 33°C
Thứ Bảy, 18/01/2025 12:21 (GMT +7)
Trao việc làm – tạo tương lai cho người tự kỷ
Thứ 6, 02/04/2021 | 10:57:00 [GMT +7] A A
“Nếu bạn dám ước mơ, bất cứ điều gì đều có thể xảy ra. Nếu bạn làm việc chăm chỉ, ước mơ sẽ trở thành hiện thực.”. Sống chung với chứng tự kỷ kể từ khi chào đời, song anh Benjamin Rosloff, 28 tuổi, một nhà làm phim trẻ người Mỹ, chưa bao giờ ngừng ước mơ.
Chứng tự kỷ, hay khoa học gọi là rối loạn phổ tự kỷ, không thể ngăn anh theo đuổi những ước mơ của mình, từ việc hòa nhập xã hội cho đến làm phim về những vấn đề toàn cầu.
Những thời điểm phát hiện sớm chứng tự kỷ ở trẻ
Anh Benjamin từng là thực tập sinh tại Văn phòng Thị trưởng thành phố New York dành cho người khuyết tật. Những thước phim tài liệu do anh sản xuất về những người khuyết tật trong thành phố đã được trình chiếu ở nhiều liên hoan phim quốc tế. “Ben là người tích cực, thân thiện, anh ấy luôn mang đến nhiều năng lượng và nhiệt huyết trong công việc”, “Những kiến thức bách khoa của Ben luôn làm tôi ngạc nhiên và ấn tượng”… là những nhận xét mà đồng nghiệp dành cho anh.
Năm 2016, anh Benjamin Rosloff đã có cơ hội đến trụ sở Liên hợp quốc và phỏng vấn Tổng Thư ký LHQ khi đó là ông Ban Ki-moon về nhiều vấn đề, trong đó có cả chứng tự kỷ. Anh khẳng định “chưa bao giờ nghĩ rằng mình lại có cơ hội thảo luận với Tổng Thư ký LHQ về những vấn đề cấp bách ảnh hưởng tới hàng tỷ người trên thế giới”. Trong cuộc phỏng vấn này, ông Ban Ki-moon đã nhắc tới thực tế “một số xã hội kỳ thị, xa lánh những người mắc chứng tự kỷ. Đó là sự vi phạm quyền con người tồi tệ” Anh Benjamin cũng cho rằng “một số người không muốn người mắc chứng tự kỷ đến trường học bình thường, song cần phải biết rằng những người mắc chứng tự kỷ, dù khuyết tật nhưng họ vẫn có thể làm nhiều điều.”
Quyết tâm làm việc và hòa nhập xã hội của anh Benjamin có thể là nguồn cảm hứng động viên khoảng 1% dân số thế giới, tức hơn 70 triệu người, mắc chứng tự kỷ. Chứng tự kỷ là một khuyết tật suốt đời ảnh hưởng đến cách giao tiếp và tương tác với thế giới. Theo số liệu năm 2019 của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), cứ 160 trẻ thì có 1 trẻ mắc chứng tự kỷ. Riêng tại Mỹ, nước có tỷ lệ trẻ em mắc chứng tự kỷ cao nhất thế giới, cứ 59 trẻ có 1 em mắc chứng này. Còn theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ, ước tính 2,2% người trưởng thành tại Mỹ, tức hơn 5,4 triệu người, có tình trạng phổ tự kỷ.
Tuy nhiên, không giống như anh Benjamin Rosloff, vẫn còn rất nhiều người trưởng thành mắc chứng tự kỷ đang thất nghiệp. Theo trang mạng HealthCareers.co, gần 50% những người ở độ tuổi 25 mắc chứng tự kỷ ở Mỹ thậm chí chưa từng được nhận làm bất kỳ công việc được trả lương nào. Những người này thường chỉ nhận được những công việc bán thời gian, thời vụ, không ổn định.
Một trong những nguyên nhân của thực trạng này là do tại Mỹ và nhiều nơi trên thế giới vẫn tồn tại những định kiến do thiếu hiểu biết về người mắc chứng tự kỷ, khiến họ không được tiếp cận giáo dục và đào tạo bình đẳng. Họ không được tạo cơ hội để phát triển những kỹ năng đặc biệt, hay tiếp cận công bằng với các cơ hội việc làm.
Người mắc chứng tự kỷ cần nhiều thời gian hơn để xử lý các câu hỏi, yêu cầu và hướng dẫn trong công việc, hay gặp khó khăn khi gặp gỡ những người mới, tuân theo các quy tắc bất thành văn nhất định, cũng như thấy “choáng ngợp” bởi môi trường văn phòng. “Tôi cảm thấy rất lo lắng khi phỏng vấn với nhà tuyển dụng, bởi tôi gặp khó khăn khi nói chuyện với mọi người, và đôi khi tôi không hiểu những câu hỏi họ đưa ra”, chị Madison Olsonở Ellsworth, Wisconsin, một người được chẩn đoán mắc chứng tự kỷ từ lúc 10 tuổi, bộc bạch.
Tuy nhiên, người mắc chứng tự kỷ lại có nhiều điểm mạnh như sự trung thực và chính trực, sự tập trung cao độ, chú ý đến chi tiết, cũng như có tư duy sáng tạo, sáng kiến mới giải quyết vấn đề. Hiện đã được nhận làm phụ bếp tại một nhà hàng, chị Madison chia sẻ: “sẽ mất nhiều thời gian để tìm công việc phù hợp, bạn sẽ cảm thấy lo âu nhưng hãy trung thực, chia sẻ tình trạng của mình, nói rõ những điểm mạnh cũng như những điều khiến bạn gặp khó khăn.”
Nhà tự nhiên học người Anh Chris Packham, Đại sứ của Hiệp hội Tự kỷ quốc gia Anh khẳng định: “chỉ cần thêm một chút hiểu biết, một vài điều chỉnh đơn giản và sự chấp nhận, những người mắc chứng tự kỷ sẽ có thể tham gia vào lực lượng lao động và sử dụng những tài năng tuyệt vời của họ”.
Trong khi đó, Giáo sư Temple Grandin, nhà khoa học người Mỹ mắc chứng tự kỷ từ khi lên 2 chia sẻ, trí óc của bà vận động với những “suy nghĩ bằng hình ảnh”, giúp bà giải quyết các vấn đề mà các bộ não bình thường bỏ qua. Theo bà, thế giới cần những kiểu trí óc khác nhau, và chúng ta cần làm việc với tất cả những bộ óc này.
Những năm gần đây, một số công ty đã triển khai các chương trình tuyển dụng hòa nhập, phù hợp với những người mắc chứng tự kỷ và các tình trạng liên quan rối loạn thần kinh. Khi thông báo chương trình tuyển dụng người tự kỷ vào làm việc cho công ty Microsoft, bà Mary Ellen Smith, Phó chủ tịch phụ trách hoạt động của hãng, nhấn mạnh: “Những người tự kỷ mang lại sức mạnh mà chúng tôi cần ở Microsoft”.
Thế nhưng, sự xuất hiện của đại dịch COVID-19 đã cản trở những nỗ lực triển khai các mô hình việc làm hòa nhập cho người khuyết tật nói chung, người tự kỷ nói riêng. Số liệu công bố tháng 2/2021 của Cục Thống kê Lao động Mỹ cho thấy, chỉ có 17,9% người khuyết tật ở nước này có việc làm, giảm so với mức 19,3% của năm 2019. Trong khi đó, với người không có khuyết tật, 61,8% có việc làm trong năm 2020, giảm 4,5% so với năm 2019.
Do “cú sốc” COVID-19, trước mắt, những người mắc chứng tự kỷ sẽ khó tìm công việc thời vụ trong các ngành du lịch, khách sạn và bán lẻ để học hỏi thêm kỹ năng mềm, bởi các lĩnh vực này đang “lao đao” vì đại dịch. Về lâu dài, để giảm thiểu thiệt hại, các doanh nghiệp có thể xem xét lại kế hoạch tuyển dụng, và những người mắc chứng tự kỷ có thể bị giảm giờ làm, hoặc phải tạm nghỉ việc.
Bên cạnh đó, sự gián đoạn đột ngột và kéo dài do đại dịch khiến những người mắc chứng tự kỷ lo lắng hơn về tương lai, một số người có thể không vượt qua được những thách thức khi buộc phải thay đổi thói quen. Cuộc sống của anh Ronell Culbengan gần như đã bị đảo lộn kể từ khi đại dịch “tấn công” nước Mỹ. Khoảng 8 tháng trước đại dịch, anh có công việc ổn định tại một cửa hàng thời trang ở Herald Square, thành phố New York. Song giờ đây, anh không khỏi lo âu: “không có thu nhập là một vấn đề, song việc không thể gặp đồng nghiệp và không được kết nối xã hội mới là thách thức lớn nhất với tôi”
Đó chính là lý do Liên hợp quốc chọn chủ đề của Ngày Thế giới nhận thức về chứng tự kỷ 2/4 năm nay là “Hòa nhập tại nơi làm việc: Những thách thức và cơ hội trong một thế giới sau đại dịch”. Trong thông điệp nhân dịp này, Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres nhấn mạnh, khi thế giới đang cùng hợp tác để phục hồi sau đại dịch, một trong những mục tiêu chính là cần xây dựng một thế giới hòa nhập và dễ tiếp cận hơn, công nhận sự đóng góp của tất cả mọi người, bao gồm người khuyết tật.
Đáng chú ý, dù cuộc khủng hoảng COVID-19 đặt ra nhiều trở ngại và thách thức, song nó cũng đem đến những cơ hội mới rộng mở cho người mắc chứng tự kỷ. Đại dịch đã thay đổi phương thức làm việc của nhiều công ty, biến hình thức làm việc từ xa sử dụng các công nghệ như Zoom, Skype… trở thành “trạng thái bình thường mới”. Nếu cách làm việc tại văn phòng truyền thống có thể khiến một số nhân viên mắc chứng tự kỷ khó phát triển, thì các công nghệ mới này giúp giảm bớt áp lực tiếp xúc xã hội, khiến họ ít bị căng thẳng hơn.
Theo Tổng Thư ký LHQ Guterres, những nỗ lực phục hồi nền kinh tế toàn cầu sau đại dịch mang đến cơ hội để hình dung về một nơi làm việc đa dạng, hòa nhập và bình đẳng, có thể trở thành hiện thực. Sự phục hồi cũng là cơ hội để xem xét lại hệ thống giáo dục và đào tạo, đảm bảo những người mắc chứng tự kỷ có đủ khả năng nhận ra tiềm năng của họ. Với những người mắc chứng tự kỷ, việc tiếp cận với công việc tốt trên cơ sở bình đẳng đòi hỏi phải tạo ra một môi trường làm việc phù hợp, toàn diện, thuận lợi, nơi những người tự kỷ không phải lo lắng vì bị phân biệt đối xử, nơi họ có thể bộc lộ hết những khả năng tiềm ẩn của mình, để thực sự không ai bị bỏ lại phía sau trong chương trình nghị sự về phát triển bền vững 2030.
https://baotintuc.vn/the-gioi/trao-viec-lam-tao-tuong-lai-cho-nguoi-tu-ky-20210402062639546.htm
Ý kiến ()