Thứ Năm, 16/01/2025 07:16 (GMT +7)

Trồng dưa qua… điện thoại

Thứ 6, 08/07/2016 | 00:00:00 [GMT +7] A  A

Chỉ cần kết nối internet, phần mềm SmartAgri có thể giúp nông dân vận hành toàn bộ việc trồng trọt qua điện thoại. Từ việc kiểm soát nhiệt độ, lượng gió, lượng nước tưới tiêu đến liều lượng phân bón… SmartAgri còn giúp nông dân đo được dinh dưỡng đất, ánh sáng quang phổ để phòng ngừa dịch bệnh….

Tất cả trong một

 

Dẫn chúng tôi đi thăm khu vườn dưa lưới trồng thử nghiệm bằng công nghệ quản lý SmartAgri tại Khu nông nghiệp công nghiệp cao TP Hồ Chí Minh (AHTP) tại huyện Củ Chi vào sáng ngày 5/7, ông Từ Minh Thiện – Phó trưởng Ban quản lý Khu công nghiệp, cho biết: “Từ cuối năm 2015, một khu nhà màng rộng hơn 1.000 m2 được đầu tư trồng dưa lưới bằng phần mềm SmartAgri. Nhân công chỉ việc điều khiển, quản lý ứng dụng nên được tinh giản tối đa. Đến cuối mùa thu được hơn 2 tấn dưa, khoảng 60 triệu đồng. So với cách làm cũ, sản lượng dưa lưới tăng khoảng 10%, chất lượng cũng đồng đều, bảo đảm hơn. Đây là điều rất đáng mừng vì không phải việc thử nghiệm nào cũng đem lại thành công như mong đợi”.

Nông dân công nghệ cao đang quản lý trồng dưa lưới bằng phần mềm SmartAgri.

Theo ông Thiện, hệ thống phần mềm này giúp người nông dân tiết kiệm rất nhiều thời gian trong việc quản lý sản xuất nông nghiệp, từ giai đoạn ươm mầm, xuống giống đến thu hoạch và bảo quản theo quy trình chuẩn. Hệ thống phần mềm này được xây dựng từ kiến thức, kinh nghiệm của các chuyên gia trong lĩnh vực nông nghiệp thuộc AHTP, phát triển bởi công ty Global CyberSoft (Việt Nam) trên nền tảng các công nghệ mới bao gồm Vạn vật Internet (IoT), phân tích dữ liệu lớn (Big data Analytics) và triển khai trên nền tảng đám mấy (Cloud Computing) của Công viên phần mềm Quang Trung (QTSC).

Thông qua phần mềm này, nông dân không chỉ kiểm soát, vận hành trồng trọt mà còn có thể tính toán chọn giải pháp tốt nhất trong việc chọn cây giống, con giống, thổ nhưỡng… phù hợp với điều kiện sinh thái của từng địa phương. Cụ thể như thu thập, phân tích thông tin môi trường (nhiệt độ, độ ẩm, áp suất, ánh sáng, tốc độ gió, lượng mưa, độ EC, pH…) và điều khiển các thiết bị hệ thống tưới, làm mát, đèn chiếu sáng, quạt, màn chắn… để giữ cho môi trường tuân theo đúng quy trình chuẩn. Hệ thống sẽ cảnh báo qua tin nhắn, email, chuông báo động… khi có trục trặc.

Dưa lưới trồng bằng phần mềm công nghệ cao cho chất lượng đồng đều, sản lượng cũng tăng hơn 10% so với cách làm cũ.

Đặc biệt, trên SmartAgri cũng thiết lập một hệ sinh thái giống như mạng xã hội thu nhỏ dành cho giới nông nghiệp, gồm nông dân, chuyên gia, nhà phân phối và đơn vị thu mua để trao đổi thông tin, tư vấn, chia sẻ kinh nghiệm. Không chỉ thế, nông dân có thể chủ động trong việc chọn thương lái, nhà phân phối hay giá bán để có nguồn doanh thu tốt nhất”, ông Thiện nói.

Ngoài ra, điểm quan trọng nhất của phần mềm nữa là giúp người tiêu dùng có thể truy xuất được nguồn gốc sản phẩm nhờ mã vạch được đính kèm từ lúc ra trái cho đến thu hoạch. Khi đó, họ sẽ biết được quả dưa làm như thế nào, thuốc trừ sâu, phân bón ra sao vì phần mềm ghi nhận và tích hợp quá trình sản xuất trên hệ thống điện toán đám mây.

Sẽ nhân rộng mô hình

Ông Trần Kim Vũ, Giám đốc Công ty Global CyberSoft Việt Nam cho biết, hệ thống phần mềm SmartAgri không chỉ áp dụng trong việc trồng dưa lưới mà còn có thể mở rộng áp dụng ở các giống cây trồng khác, từ trong màng lưới cho đến ngoài trời, kể cả trong chăn nuôi và thủy sản. Hiện nay, đơn vị đang phối hợp cùng với AHTP tiếp tục thử nghiệm trồng cà chua bi. Theo đó, chỉ cần cài thông số cho từng giống cây trồng, vật nuôi là có thể kiểm soát được việc gieo trồng, chăm sóc, ngăn ngừa dịch bệnh… Đặc biệt, phần mềm này rất thích hợp cho việc sản xuất theo mô hình VietGab hoặc hữu cơ.

Không chỉ mô hình dưa lưới, hệ thống phần mềm SmartAgri còn áp dụng cả các giống cây trồng khác, kể cả chăn nuôi và thủy sản.

Ông Thiện cũng cho hay, để chuẩn bị cho việc nhân rộng mô hình thử nghiệm phầm mềm SmartAgri, AHTP hợp tác với các nhà khoa học trong và ngoài nước, đồng thời đang đầu tư hơn 2.000m2 cho 4 khu vực, gồm khu trồng cây ăn quả, khu trồng hoa, khu nuôi trồng vật nuôi và khu thủy sản. Trong đó, vật nuôi sẽ được thử nghiệm là bò sữa, bởi đây là con giống đang được TP Hồ Chí Minh chú trọng đẩy mạnh phát triển. “Hiện phần mềm được cài thông số để quản lý con bò từ nhịp tim, chế độ ăn uống, đi lại… Khi bò nhiễm bệnh, có thai, SmartAgri sẽ tự động điều chỉnh để đưa nguồn thức ăn phù hợp. Nếu sữa bị hư hỏng, có thể truy xuất để biết con bò nào bị bệnh để chữa trị, thay đổi khẩu phần ăn”, ông Thiện chia sẻ.

Tuy nhiên, điều lo ngại để triển khai được hệ thống sản xuất đúng quy trình, nông dân phải đầu tư chi phí đầu vào khá cao. Như màng che, với vật tư từ nước ngoài chi phí hơn 600 triệu cho 1.000 m2, còn vật tư Việt Nam khoảng hơn 300 triệu cho 1.000m2. Chưa kể chi phí thiết bị để áp dụng cho phần mềm SmartAgri. Ông Lâm Nguyễn Hải Long, Giám đốc QTSC cho biết, đơn vị sẽ hỗ trợ tối đa các doanh nghiệp, nông dân muốn sử dụng công nghệ vào sản xuất. Hiện đơn vị đang bàn bạc với các đối tác phát triển phần mềm làm thế nào để người dân trả mức phí thấp nhất, giống như trả cước thuê bao điện thoại hàng tháng khi sử dụng phần mềm này. Với những hệ thống phần cứng đầu tư bàn đầu, tuy mức chi phí khá cao như lợi nhuận thu về sẽ gấp đôi nhờ tiết giảm các chi phí khác trong quá trình sản xuất lâu dài.

Bài và ảnh: Hải Yên- TTXVN

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu