Chủ Nhật, 19/01/2025 19:38 (GMT +7)

Trung Quốc tìm cách hấp dẫn châu Âu để đối phó Mỹ

Thứ 5, 30/03/2017 | 15:11:00 [GMT +7] A  A

Theo các nhà ngoại giao châu Âu, sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump lên nắm quyền, Trung Quốc đã bắt đầu một kế hoạch lôi kéo Liên minh châu Âu (EU), thay đổi quan điểm về đàm phán thương mại và ra tín hiệu muốn hợp tác mật thiết hơn trên nhiều lĩnh vực khác nữa với EU.

Các phái viên của châu Âu ở Brussels và Bắc Kinh cảm thấy phía Trung Quốc có sự gấp rút hơn trong việc tìm kiếm các đồng minh ủng hộ toàn cầu hóa trong bối cảnh có những lo ngại rằng ông Trump có thể cản trở tiến trình này qua các chính sách bảo hộ “nước Mỹ trên hết” của mình.
Một nhà ngoại giao tại Bắc Kinh nói: “Ông Trump đang đẩy Trung Quốc và châu Âu xích lại gần nhau”, với dẫn chứng về sự ủng hộ của Trung Quốc đối với thương mại, cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, và Liên hợp quốc, những lĩnh vực mà tân Tổng thống Mỹ đang tìm cách thay đổi về đường hướng chính sách.
Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường cùng với Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker gặp gỡ bên lề Hội nghị Thượng đỉnh EU – Trung Quốc tại Brussels năm 2015. Ảnh: EC
Bốn nhà ngoại giao và quan chức cấp cao EU thường tiếp xúc với phía Trung Quốc cho biết họ thấy một cơ hội đột phá trong các vấn đề kinh doanh vốn diễn tiến chậm chạp trong nhiều năm, bao gồm một hiệp ước đặc biệt nhằm gia tăng các luồng đầu tư. Các tập đoàn kinh doanh EU đang nghi ngại và thể hiện sự thất vọng ngày càng tăng, giống như các đối tác Mỹ, trước sự hạn chế tiếp cận thị trường ở Trung Quốc, và đang gây sức ép để có sự phản hồi mạnh mẽ hơn. Các nhà ngoại giao cho biết một trong những tín hiệu bên ngoài rõ rệt nhất cho thấy sự thay đổi giọng điệu tại các cuộc họp ngoại giao kín là việc Trung Quốc quyết định từ bỏ chiến dịch vận động để được EU công nhận là nền kinh tế được định hướng bởi thị trường chứ không phải nhà nước.
Theo các nhà ngoại giao, Trung Quốc nhận thức được rằng gây áp lực quá nhiều có thể gây ra phản ứng bảo hộ mạnh ở châu Âu và vấn đề này hiện không còn được đề cập một cách gây chú ý tại Tổ chức Thương mại Thế giới ở Geneva nữa. Quy chế kinh tế thị trường sẽ khiến EU khó áp đặt thuế quan trừng phạt đối với các hàng nhập khẩu từ Trung Quốc mà Brussels đánh giá là rẻ bất thường. Nhà ngoại giao ở Bắc Kinh nói: “Vấn đề quy chế kinh tế thị trường, nếu được nêu ra, thì được thảo luận ở cấp độ rất thấp thôi. Đó là một phần trong kế hoạch lôi kéo”.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh cho biết vấn đề này vẫn là ưu tiên của Bắc Kinh, đồng thời nhấn mạnh Trung Quốc mong muốn EU là một đối tác lớn. Bà nói: “Chúng tôi hi vọng rằng EU có thể thực sự coi trọng những quan ngại và lợi ích chính đáng của Trung Quốc”.
Thử nghiệm đầu tư
Các công ty châu Âu kinh doanh tại Trung Quốc cho biết họ chưa thấy Bắc Kinh thay đổi cách thức sang hướng giảm bớt bảo hộ. Mà trái lại còn gia tăng trong năm 2016, khi một hội nghị thượng đỉnh EU-Trung Quốc, bị tác động bởi việc một tòa án quốc tế ra phán quyết rằng những đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông là bất hợp pháp, đã kết thúc mà không có tuyên bố chung như thường lệ.
Các nhà ngoại giao cho rằng ông Trump đã làm thay đổi những tính toán của Trung Quốc. Trong chiến dịch tranh cử, ông thường xuyên chỉ trích Trung Quốc đã giữ giá đồng nhân dân tệ thấp một cách giả tạo so với đồng USD để hàng hóa xuất khẩu của Trung Quốc rẻ đi, “ăn cắp” việc làm của người dân Mỹ. Ông cũng dự tính đảo ngược chiến lược chống nhiên liệu hóa thạch của Tổng thống tiền nhiệm Barack Obama mà Trung Quốc ủng hộ vì muốn tìm cách xử lý tình trạng khói bụi tồi tệ ở trong nước.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Chính quyền Trump từng cho biết Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình dự kiến sẽ gặp ông Trump tại khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago (Mỹ) vào ngày 6-7/4, song phía Bắc Kinh chưa xác nhận thông tin này. Một nhà ngoại giao Trung Quốc cho biết Bắc Kinh đang tìm cách “dự báo trước” về ông Trump.
EU vẫn lo ngại về đường hướng của đối tác thương mại lớn thứ hai của mình, bởi việc xuất khẩu thép ồ ạt của Trung Quốc, việc quân sự hóa các đảo ở Biển Đông và sự chuyển hướng sang chủ nghĩa độc đoán hơn của ông Tập Cận Bình. Song liên minh đang hướng tới một thỏa thuận đầu tư song phương để cho các công ty châu Âu dễ dàng hơn khi kinh doanh ở Trung Quốc và để gỡ bỏ những quy định phiền hà buộc họ phải chia sẻ công nghệ.
Theo Tập đoàn Rhodium, đầu tư trực tiếp của Trung Quốc vào EU năm 2016 đã đạt hơn 35 tỷ euro (38 tỷ USD) tăng 77% so với năm 2015, trong khi đầu tư của EU ở Trung Quốc đã giảm trong năm thứ hai liên tiếp. Điều đó cho thấy sự bất cân bằng đầu tư giữa hai thị trường lớn nhất thế giới, trong đó, về phía EU, Anh là nước mà chính phủ đang rất hi vọng đạt được một thỏa thuận thương mại tự do với Trung Quốc sau khi London chia tay với khối này.
Một thỏa thuận đầu tư sẽ có thể bị chỉ trích chút ít ở châu Âu về mối quan hệ không cân bằng, song các cuộc đàm phán, đã bắt đầu từ năm 2013, đòi hỏi Bắc Kinh phải mở cửa các ngành nhạy cảm như công nghệ và dịch vụ tài chính cho các hãng tư nhân. Ngày 26/3, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Trung Quốc Chu Tiểu Xuyên cho biết một số lớn các ngành sẽ được mở cửa, đồng thời nói thêm rằng “chúng tôi muốn Trung Quốc được đối xử công bằng ở nước ngoài”.
Một nhà ngoại giao Trung Quốc cho rằng EU đang “quá tham vọng”. Việc đề cập chính thức về hiệp ước Trung Quốc-EU được đề xuất này đã bị gạch bỏ khỏi báo cáo năm nay của Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường, mà theo các nhà ngoại giao, điều này có nguy cơ gây hiểu lầm thông điệp của Bắc Kinh. Joerg Wutte, Chủ tịch Phòng Thương mại EU tại Trung Quốc, nói: “Chúng tôi từng hi vọng bài phát biểu của Chủ tịch Tập Cận Bình ở Davos sẽ đưa chúng ta đi từ những phát biểu về việc đối xử công bằng sang một cam kết thực sự để tiến hành đàm phán”.
Duncan Freeman, một chuyên gia về Trung Quốc thuộc Đại học châu Âu ở Bỉ, cho rằng hiệp ước đã đụng chạm tới những điều cơ bản về cách thức một nền kinh tế hoạt động. Ông nói: “Điều đó khiến phía Trung Quốc rất khó thảo luận”.
TTXVN/Tin Tức

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu