Ngày 26/7, sau khi kết thúc Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 49 (AMM-49) và các Hội nghị liên quan, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Hoài Trung đã dành thời gian trả lời báo chí về những kết quả đạt được tại Hội nghị lần này cũng như những đóng góp của đoàn Việt Nam vào thành công chung của Hội nghị.
PV: Thưa Thứ trưởng, ông có thể cho biết Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 49 đã đạt được những kết quả nổi bật gì?
Thứ trưởng Lê Hoài Trung: Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 49 và các Hội nghị liên quan có ý nghĩa rất quan trọng. Tổng cộng có khoảng 16 Hội nghị cấp Bộ trưởng, gồm Hội nghị Bộ trưởng ASEAN, Hội nghị Bộ trưởng ASEAN 1 với các 10 đối tác, đối thoại và với các đối tác khác trong khuôn khổ của Hội nghị cấp cao Đông Á (EAS), Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF)…
Những kết quả nổi bật trong Hội nghị là các nước đã cùng nhau đánh giá lại về kết quả thực hiện những kế hoạch đề ra trong năm đầu tiên sau khi ASEAN trở thành cộng đồng cuối năm 2015, chuẩn bị kế hoạch trong năm 2017 dự kiến sẽ trình vào cuộc họp cấp cao của các nhà lãnh đạo ASEAN vào tháng 9 trên tất cả các lĩnh vực, trên ba trụ cột đó là Chính trị – An ninh, Kinh tế, và lĩnh vực Văn hóa – xã hội.
Các nước đánh giá mặc dù mới chỉ đạt được khoảng hơn nửa năm kể từ khi chính thức thành lập Cộng đồng nhưng ASEAN đã đạt được tiến độ đề ra. Chẳng hạn như trong những hoạt động để thúc đẩy hiệu quả của cộng đồng về chính trị – an ninh, theo kế hoạch đề ra đã có khoảng 290 dòng hành động khác nhau thì tới nay đã thực hiện được khoảng 140 dòng.
Trong lĩnh vực kinh tế, hiện ASEAN cũng đang bàn với nhau để có gói đàm phán mới. Về văn hóa, xã hội cũng vậy. Kết quả đạt được trong số những mục tiêu đề ra là khá tốt, nhất là các nước nhất trí với nhau về tất cả những kế hoạch triển khai trong thời gian tới để tăng cường hiệu quả và vai trò của Cộng đồng ASEAN.
Điểm đáng chú ý thứ hai đó là tăng cường được mối quan hệ với các đối tác. Qua hội nghị lần này, chúng ta thấy là rõ ràng là cộng đồng quốc tế mong muốn mở rộng quan hệ với ASEAN, đồng thời các nước cũng có những cam kết về chương trình hợp tác với ASEAN trên cơ sở hai bên cùng có lợi.
Ví dụ như trong khuôn khổ của ASEAN 3 (ASEAN với Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc), các nước đã cùng nhất trí với nhau làm sao để nâng cao hiệu quả và mở rộng phạm vi của Quỹ dự trữ về lương thực để đối phó với nguy cơ về thiên tai hay như vấn đề nâng cao khả năng bổ trợ cho nhau về năng lực sản xuất. Một ví dụ khác, đó là Ấn Độ, nước này cũng khẳng định mong muốn thúc đẩy giải ngân quỹ 1 tỷ USD để hỗ trợ cho quá trình hợp tác với ASEAN.
Khi nói đến quan hệ của ASEAN, chúng ta nói tới hai phần rất quan trọng, đó là quan hệ giữa các nước ASEAN với nhau trong khuôn khổ ASEAN và thứ hai là quan hệ giữa ASEAN với các đối tác. Như vậy có thể thấy kết quả lần này là rất quan trọng, đó là các nước đã khẳng định sự ủng hộ của các nước đối tác.
Thứ ba là các nước đã cùng với nhau trao đổi, đánh giá về tình hình quốc tế và khu vực. Qua đó cũng giúp chia sẻ những quan điểm về những vấn đề đặt ra đối với các nước ASEAN, cũng như với các đối tác của ASEAN.
Tại những diễn đàn, các bên đã cùng nhau đánh giá về những vấn đề đặt ra, đồng thời trao đổi những ý kiến về các biện pháp để tranh thủ được những điều kiện thuận lợi trong tình hình thế giới và khu vực để đối phó với các thách thức. Cũng phải nói thêm là trong quá trình này, Lào – nước chủ tịch luân phiên của ASEAN đã có những nỗ lực đóng góp cho thành công của Hội nghị.
PV: Những kết quả đạt được tại AMM-49 và các hội nghị liên quan có ý nghĩa như thế nào đối ASEAN, đặc biệt trong bối cảnh ASEAN vừa thành lập Cộng đồng hồi cuối năm 2015?
Những kết quả này giúp ích cho việc khẳng định rằng, các nước ASEAN đã có sự đầu tư và đạt được kết quả ban đầu, tạo nền móng cho việc triển khai những hoạt động thời gian tới, đồng thời đề ra được kế hoạch cùng với những biện pháp rất cụ thể để làm sao có thể triển khai thực hiện và qua đó phát triển quan hệ của Cộng đồng.
Điều quan trọng là kết quả đạt được cũng giúp ASEAN có được sự ủng hộ của các nước đối tác, đó là sự ủng hộ cả về mặt chính trị lẫn kinh tế.
PV: Việt Nam đã có đóng góp cho thành công của Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 49 và các Hội nghị liên quan như thế nào, thưa ông?
Thứ trưởng Lê Hoài Trung: Đoàn đại biểu Việt Nam do Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh dẫn đầu tham dự Hội nghị, nhằm thực hiện đường lối đối ngoại của chúng ta sau Đại hội Đảng lần thứ 12, đồng thời triển khai đường lối đối ngoại của chúng ta là độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa và nhất là đối với ASEAN làm sao đóng góp để xây dựng cộng đồng ASEAN.
Tại Hội nghị lần này, chúng ta còn có các mục đích rất cụ thể là cùng với các nước ASEAN để nâng cao vai trò của ASEAN, nhất là để phối hợp với nước chủ nhà Lào cùng với ASEAN thúc đẩy quan hệ với các đối tác của ASEAN, qua đó thúc đẩy quan hệ của Việt Nam với các đối tác khác.
Trong dịp này chúng ta có nhiều đóng góp dưới nhiều hình thức khác nhau. Ở tất cả các diễn đàn chúng ta đều có các tham luận, trong đó, một mặt nêu quan điểm của chúng ta về tình hình quốc tế và khu vực, đưa ra những kiến nghị về những giải pháp để cùng ứng phó, đặc biệt là những kiến nghị mà chúng ta đóng góp để phát huy vai trò của ASEAN vào trong quá trình đó.
Chúng ta cũng đóng góp vào việc trao đổi cũng như là thông qua việc xây dựng những quyết định, tuyên bố để nâng cao hiệu quả hoạt động của bản thân các cơ chế của ASEAN hoặc nhằm làm sao để thực hiện cho tốt và hiệu quả hơn các kế hoạch của ASEAN.
Đây cũng là dịp để Việt Nam nêu những quan điểm về những vấn đề mà chúng ta quan tâm, trong đó có các vấn đề về phát triển,vấn đề về gìn giữ hòa bình, an ninh. Những đóng góp của chúng ta là đóng góp chung vào các hội nghị với nhiều hình thức khác nhau.
PV: Trước khi hội nghị này diễn ra thì có một số ý kiến cho rằng ASEAN là một khối đa dạng và… thiếu gắn kết. Việc ASEAN ra được Tuyên bố chung của Hội nghị ASEAN lại chứng minh điều ngược lại. Theo ông, kết quả này có ý nghĩa như thế nào đến việc phát triển ASEAN trong thời gian tới?.
Thứ trưởng Lê Hoài Trung: Việc ra tuyên bố chung khẳng định lập trường rất quan trọng của ASEAN trên các vấn đề lớn, vấn đề quan trọng, trong đó có vấn đề Biển Đông. Và tuyên bố chung đó không phải chỉ là vấn đề về khu vực.
Tuyên bố chung còn có đánh giá về kết quả thực hiện và việc triển khai các chương trình của ASEAN trong thời gian vừa qua và đưa ra những định hướng để trình lên hội nghị cấp cao để thông qua những kế hoạch của ASEAN trong thời gian tới.
Việc thông qua được tuyên bố chung đó chứng tỏ các nước đã thấy có rất nhiều lợi ích chung trong hợp tác của ASEAN, vì vậy đã thúc đẩy giải quyết vấn đề. Ngoài việc ra được tuyên bố và các văn bản khác nhau thì vấn đề quan trọng là chính qua quá trình cùng nhau làm việc để đạt được điều đó, các nước ASEAN càng thấy rõ hơn là phải làm sao cùng nhau tăng cường vai trò trung tâm, tăng cường đoàn kết, không phải chỉ tại riêng hội nghị này mà cả các hội nghị trong thời gian tới.
PV: Có nhiều báo chí nước ngoài nói rằng, Hội nghị lần này đã thất bại vì không đề cập đến phán quyết của Tòa trọng tài. Theo quan điểm của ông, Hội nghị này là thành công hay thất bại với ASEAN?
Thứ trưởng Lê Hoài Trung: Thực ra, theo tôi nghĩ đây là hội nghị thành công với ASEAN, bởi vì AMM-49 bao gồm 16 cuộc hội nghị thảo luận rất nhiều chủ đề. Chủ đề thứ nhất là bàn, đánh giá về kết quả thực hiện các kế hoạch đề ra và đề ra kế hoạch trong thời gian tới.
Thứ hai là trao đổi để cùng xây dựng những kế hoạch, khuôn khổ hợp tác với các đối tác bên ngoài của ASEAN.
Thứ ba là cùng nhau đánh giá và thông qua các văn kiện, trong đó có tuyên bố chung để đánh giá tổng thể về quan điểm của ASEAN đối với các vấn đề quốc tế, khu vực. Bên cạnh đó, chúng ta có thể thấy số lượng mà các nước bên ngoài muốn tham gia vào ASEAN với nhiều hình thức khác nhau ngày càng tăng lên.
Khi đề cập đến một sự kiện thì vấn đề không phải là nó có được đưa vào trong văn kiện hay không mà vấn đề là có được các nước quan tâm và trao đổi hay không.
Theo tôi, đánh giá tổng thể Hội nghị đã thành công và trong đó phải nhắc đến sự đóng góp tích cực của phía việt Nam với tinh thần là chúng ta thấy rõ ràng là một ASEAN có hiệu quả, một ASEAN vững mạnh là có lợi cho hòa bình, ổn định, hợp tác của khu vực và trên thế giới. Một ASEAN vững mạnh, hiệu quả cũng là có lợi, phù hợp với lợi ích của chúng ta.
Một Cộng đồng kinh tế ASEAN vững mạnh sẽ rất thuận lợi cho chúng ta phát triển quan hệ kinh tế, thương mại. Trong bối cảnh khu vực và thế giới có nhiều diễn biến phức tạp như hiện nay, một nước không thể tự mình giải quyết được mọi vấn đề, vì thế, một ASEAN vững mạnh và hiệu quả sẽ có lợi cho chúng ta.
Với tinh thần như vậy, vì lợi ích của chính mình, vì lợi ích chung của khu vực và quốc tế, chúng ta mong muốn, cố gắng đóng góp cho sự phát triển của Hiệp hôi dưới các hình thức khác nhau.
PV: Vâng, xin cảm ơn Thứ trưởng./.
Ý kiến ()