Thứ Bảy, 18/01/2025 05:55 (GMT +7)

Ứng dụng khoa học trong nông nghiệp ĐBSCL – Bài 2: Tái cơ cấu thích ứng biến đổi khí hậu

Thứ 3, 02/07/2019 | 16:05:00 [GMT +7] A  A

Mặc dù các hoạt động nghiên cứu, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật đã được chú trọng, các hoạt động hỗ trợ nông dân tiếp thu và ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp, song trong thực tế, việc này đang gặp không ít thách thức.

Thực trạng này đòi hỏi các ngành, địa phương phải có giải pháp khắc phục phù hợp để góp phần phát triển bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu cho vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).

ĐBSCL cần đặc biệt đẩy mạnh nghiên cứu khoa học để tìm ra các giống mới có thể chịu đựng khô hạn, nhiễm mặn tốt hơn, thích ứng hơn với biến đổi khí hậu. Ảnh: TTXVN

Nhận diện tồn tại, thách thức

Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Quốc Doanh, ở ĐBSCL, hiện nay trong lĩnh vực nông nghiệp, việc ứng dụng công nghệ cao, công nghệ hiện đại vào sản xuất, chế biến bảo quản còn hạn chế. Các mô hình sản xuất bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu cũng chưa có đủ cơ sở về kỹ thuật và thị trường cũng như động lực và hỗ trợ đủ mạnh để có thể nhân rộng mô hình.

Theo Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), trong bối cảnh biến đổi khí hậu và nước biển dâng tại vùng ĐBSCL đang diễn ra nhanh hơn dự báo, đòi hỏi phải có bộ giống cây trồng và vật nuôi cho sản xuất nông nghiệp đáp ứng được thực tế sản xuất

Hiện nay, trong bộ giống lúa vùng vẫn chưa có giống lúa nào có khả năng chịu mặn vượt được ngưỡng trên 5 phần nghìn. Bên cạnh đó, hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật còn thấp kém, nhất là giao thông, thủy lợi cũng gây khó khăn cho việc ứng dụng, khoa học công nghệ, hình thành vùng sản xuất tập trung quy mô lớn.

Chất lượng nguồn nhân lực và trình độ dân trí còn chưa cao so với các vùng khác, đang có xu hướng người nông dân bỏ ruộng đất đi làm việc khác ở thành phố hoặc các khu công nghiệp. Chưa kể, việc khai thác tài nguyên chưa hợp lý cũng dẫn đến môi trường bị suy thoái, ảnh hưởng rất nhiều đến các hoạt động chuyển giao, ứng dụng khoa học công nghệ, góp phần chuyển dịch cơ cấu trong sản xuất nông nghiệp.

Ở góc độ địa phương, lãnh đạo một tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL cùng chung nhận định, hiện nay nguồn vốn đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn còn thấp dẫn đến điều kiện cơ sở vật chất kỹ thuật, hệ thống hạ tầng phục vụ nông nghiệp, nông thôn còn lạc hậu, bất cập, do đó khó ứng dụng khoa học công nghệ cũng như thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn ở vùng ĐBSCL.

Giải pháp đồng bộ

Đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng, phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp là giải pháp đang được nhiều địa phương trong vùng ĐBSCL xem là phù hợp để phát triển nông nghiệp bền vững, an toàn, thích ứng với biến đổi khí hậu trên cơ sở sản xuất nông nghiệp hàng hóa hiện đại, chất lượng cao, kết hợp du lịch sinh thái…

Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường, thời gian tới, đối với nông nghiệp vùng ĐBSCL, cần chú trọng tăng cường ứng dụng, chuyển giao khoa học công nghệ; phát triển các viện nghiên cứu của vùng đủ mạnh về nguồn lực. Chương trình nghiên cứu giống, tập trung vào thủy sản, trái cây chủ lực, lúa chất lượng cao; thúc đẩy thực hiện chương trình nghiên cứu, đào tạo, chuyển giao khoa học công nghệ; thí điểm và nhân rộng các mô hình nông nghiệp thông minh.

Về định hướng nghiên cứu và chuyển giao ứng dụng công nghệ trong nông nghiệp, đối với cây lúa và các loại cây ăn quả, các hoạt động nghiên cứu, chọn tạo sẽ tập trung nghiên cứu, chọn tạo và phát triển các giống mới, có năng suất, chất lượng cao, chống chịu sâu bệnh và điều kiện bất thuận để phục vụ nội tiêu và xuất khẩu.

Các đơn vị chức năng cũng nghiên cứu và nhập các quy trình tiên tiến nhằm tạo ra các chế phẩm sinh học phục vụ canh tác cây ăn quả đảm bảo an toàn thực phẩm, có giá trị kinh tế cao; bảo tồn, phục tránh khai thác và phát triển các giống cây ăn quả bản địa, cây ăn quả đặc sản có lợi thế so sánh và giá trị kinh tế cao.

Đối với nuôi trồng thủy sản ở ĐBSCL, theo đại diện Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), các đơn vị chức năng, các địa phương, nhà khoa học, chuyên gia tập trung nghiên cứu và phát triển công nghệ nuôi tiên tiến, ưu tiên công nghệ cao trong nuôi trồng thủy sản để phù hợp với điều kiện tự nhiên, kinh tế – xã hội; bảo quản sản phẩm nuôi trồng sau thu hoạch; giảm thiểu việc sử dụng kháng sinh trong nuôi thủy sản; nghiên cứu chế tạo vắc xin, thuốc thú y thủy sản…

Theo Phó Giáo sư Lê Anh Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu về Biến đổi khí hậu (thuộc Đại học Cần Thơ), đối với sản xuất nông nghiệp ở vùng ĐBSCL, cần đặc biệt đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu khoa học để tìm ra các giống cây, con mới có thể chịu đựng khô hạn, nhiễm mặn tốt hơn, thích ứng hơn với biến đổi khí hậu.

Nhấn mạnh tầm quan trọng của nghiên cứu, ứng dụng công nghệ lĩnh vực nông nghiệp ở ĐBSCL, Giáo sư Võ Tòng Xuân, Hiệu trưởng Trường Đại học Nam Cần Thơ cho rằng, để việc ứng dụng, chuyển giao khoa học công nghệ vào sản xuất đạt hiệu quả, không thể chỉ các nhà khoa học, các chuyên gia, cơ quan quản lý, doanh nghiệp vào cuộc.

Người nông dân cũng cần có sự đổi mới, thay đổi tư duy sản xuất theo hướng ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại. Đồng thời cần tạo điều kiện để nông dân trong các vùng quy hoạch nông nghiệp trồng trọt, chăn nuôi những loại cây, con cụ thể, gắn kết chặt chẽ với doanh nghiệp trong hỗ trợ sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp ở ĐBSCL.

Theo Thanh Trà (TTXVN)

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu