Thứ Hai, 20/01/2025 15:28 (GMT +7)

Vaccine cho người nghèo và những dấu hỏi lớn

Thứ 4, 16/12/2020 | 17:04:00 [GMT +7] A  A

Ngày nào Samantha cũng gọi điện từ Anh về Nam Phi cho mẹ để hỏi tình hình của cha cô đang nằm viện điều trị bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 tại thành phố Cape Town.

Tuần trước, người phụ nữ gốc Nam Phi sống tại London đã được tiêm vaccine ngừa virus SARS-CoV-2, tuy nhiên, những người thân ở quê hương cô sẽ phải đợi nhiều tháng nữa mới có thể tiếp cận với loại dược phẩm này.

Nhân viên y tế chuyển bệnh nhân mắc COVID-19 vào một bệnh viện ở Port Elizabeth, Nam Phi ngày 10/7/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Kể từ khi di cư sang London sinh sống cùng chồng mang quốc tịch Anh mấy năm trước, cứ tháng 3 hằng năm, Samantha lại về nước để dự kỷ niệm ngày cưới của cha mẹ. Nhưng tháng 3 năm nay, sau buổi lễ, Samantha và 2 con đã vội vã quay lại London trước khi Nam Phi tiến hành phong tỏa toàn quốc và cấm mọi chuyến bay do dịch COVID-19 bùng phát.

Vừa được tiêm vaccine COVID-19 tại Anh ngày 11/12, Samantha nghĩ ngay tới cha, cô cảm thấy bất lực bởi không thể làm gì để giúp đỡ trong khi ông đã phải chuyển vào phòng điều trị tích cực do bệnh tình trở nặng. Trước đó mấy tháng, một người bác của cô đã không qua khỏi vì nhiễm virus SARS-CoV-2 tại Nam Phi, quốc gia hiện chiếm tới hơn 1/3 trong tổng số 2,3 triệu người mắc COVID-19 ở châu Phi.

Tình cảnh của Samantha và gia đình cô không phải là trường hợp duy nhất trên thế giới và những câu chuyện tương tự hiện đang trở thành tâm điểm của dư luận toàn cầu, đó là sự công bằng về khả năng tiếp cận vaccine ngừa COVID-19 giữa người giàu và người nghèo, cũng như giữa những quốc gia phát triển và đang phát triển.

Tuần trước, Liên minh Vaccine cho mọi người (People’s Vaccines Alliance) – một khuôn khổ hợp tác gồm nhiều tổ chức nhân đạo quốc tế, đưa ra cảnh báo có tới 90% người dân ở hàng chục quốc gia nghèo có thể không được tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 trong năm 2021 do các nước giàu đang dự trữ một lượng vaccine lớn hơn nhiều so với nhu cầu.

Theo liên minh này, mặc dù chỉ chiếm 14% dân số toàn cầu, các nước giàu hiện đã mua tới 53% tổng số vaccine tiềm năng nhất, đẩy hơn 70 quốc gia thu nhập thấp và trung bình đối mặt với nguy cơ bị bỏ lại phía sau. Hơn nữa, các nước giàu được cho là đã mua phần lớn các loại vaccine có hiệu quả cao nhất do Moderna và Pfizer/BioNTech phát triển.

Bên cạnh đó, mặc dù hãng dược phẩm AstraZeneca cùng với Đại học Oxford đã cam kết cung cấp 64% lượng vaccine sản xuất được cho các nước đang phát triển, song con số này chỉ đáp ứng được khoảng 18% dân số thế giới trong năm tới.

Tiến sỹ Mohga Kamal Yanni, Trưởng nhóm chuyên gia y tế tại People’s Vaccines Alliance, cho biết hiện các nước giàu trên thế giới đã mua gom một lượng vaccine đủ để tiêm 3 lần cho người dân nước họ, trong khi tại các nước nghèo, vaccine còn chưa đủ cho cả những đối tượng cần ưu tiên như bác sỹ tuyến đầu hay người già yếu.

Ông Yanni nhấn mạnh rằng nếu các nước giàu không thay đổi chính sách “vị kỷ” trong việc nghiên cứu, sản xuất và phân phối vaccine ngừa COVID-19, hàng triệu người có thể sẽ không qua khỏi đại dịch lịch sử .

Vấn đề nghiêm trọng tới mức Tổng Thư ký Liên hợp quốc (LHQ) Antonio Guterres ngày 9/12 đã thừa nhận rằng chủ nghĩa dân tộc về vaccine phòng COVID-19 đang “lan truyền với tốc độ tối đa”, khiến người dân ở các quốc gia đang phát triển trên khắp thế giới phải dõi theo một số nước giàu chuẩn bị triển khai hoạt động tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 như thế nào, rồi tự hỏi liệu mình có được tiêm vaccine này hay không.

Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Johannesburg, Nam Phi ngày 14/5/2020.

Ảnh: AFP/TTXVN

Là châu lục có lịch sử kiên cường chống lại nhiều loại dịch bệnh chết người trong hàng thập niên như Ebola, ruồi vàng, HIV, thời gian qua, châu Phi được cộng đồng quốc tế đánh giá cao về nỗ lực chống COVID-19 cùng những thành công nhất định trong việc ngăn chặn làn sóng dịch thứ nhất. Bất chấp sự thiếu thốn về nguồn lực tài chính, ngay từ đầu dịch, đa số các nước đã triển khai các biện pháp quyết liệt như áp dụng lệnh phong tỏa ở cấp độ cao cũng như siết chặt các quy định về giãn cách xã hội. Châu lục 1,3 tỷ dân này hiện chỉ có hơn 2,3 triệu ca nhiễm virus, tương đương 3,3% tổng số ca nhiễm trên toàn cầu, một tỷ lệ khá thấp so với mức trung bình trên thế giới.

Tuy nhiên, điều đó không đồng nghĩa với việc châu lục nghèo khó này sẽ phải tiếp tục nỗ lực trong đơn độc trước nguy cơ bùng phát làn sóng dịch thứ hai, đặc biệt trong bối cảnh đa số các nước châu Phi gần như đã cạn kiệt mọi nguồn lực sau làn sóng dịch thứ nhất. Theo WHO, trong hai tháng qua, trung bình mỗi tuần số ca nhiễm trên toàn châu lục đã tăng 6% – 10%.

Trước thông tin nhiều tổ chức nhân đạo cáo buộc các nước phát triển đang ráo riết tiến hành thu gom số lượng lớn vaccine ngừa COVID-19 để tiêm chủng cho người dân, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa bệnh tật châu Phi (CDC Africa) John Nkengasong đã chua chát nói rằng ‘’thật đau xót’’ khi phải chứng kiến sự việc trên, nhất là khi 1,3 tỷ người dân châu Phi gần như chưa có gì trong tay.

Vị tiến sỹ y khoa người Cameroon gọi đây là một vấn đề liên quan đến “phạm trù đạo đức”, do đó yêu cầu các nước phát triển khẩn trương phối hợp cũng như thể hiện tinh thần đoàn kết trên quy mô toàn cầu. Ông Nkengasong còn hối thúc LHQ tổ chức một phiên họp bất thường nhằm giải quyết thực trạng đáng buồn này, tránh xảy ra những bất đồng nghiêm trọng về khả năng tiếp cận vaccine ngừa COVID-19, loại dược phẩm cần được xem là thuộc sở hữu chung của nhân loại.

Đồng tình với Giám đốc CDC Africa Nkengasong, bà Catherine Kyobutungi – Giám đốc điều hành Trung tâm Nghiên cứu dân số và y tế châu Phi có trụ sở tại Kenya – nhấn mạnh rằng trở ngại lớn nhất trong việc tiếp cận công bằng vaccine ngừa COVID-19 chính là sự đoàn kết của cộng đồng quốc tế. Bà Kyobutungi nêu rõ việc các nước phát triển đang ráo riết thu gom vaccine với số lượng lớn và tiến hành tiêm vaccine quy mô lớn cho người dân nước mình rõ ràng sẽ đặt ra dấu hỏi lớn đối với người dân tại những quốc gia đang phát triển. Dấu hỏi đó là “Thế còn chúng tôi thì sao?’’.

Nhiều người lý giải rằng, ở một khía cạnh nào đó, vaccine cũng là một loại hàng hóa, do vậy lẽ thường thì ai có tiền sẽ mua được trước mà thôi. Vì vậy, trong nỗ lực để giúp các nước đang phát triển sớm tiếp cận được vaccine ngừa COVID-19, Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres đã kêu gọi khoản tiền 4,2 tỷ USD trong 2 tháng tới cho Tổ chức Y tế thế giới (WHO) để mua và cung cấp vaccine cho những người dân nghèo nhất trên thế giới. Tuy nhiên, từ việc kêu gọi quyên góp cho đến lúc có đủ tiền là một quãng đường đầy gian nan, đặc biệt khi kinh tế thế giới đã rơi vào đợt suy thoái nghiêm trọng nhất trong lịch sử do đại dịch COVID-19.

Bên cạnh đó, đa số các nước châu Phi đang phụ thuộc nguồn vaccine từ các cam kết của COVAX – một sáng kiến được xây dựng để cung cấp các loại vaccine ngừa COVID-19 cho những nước nghèo. Tuy WHO ngày 11/12 tuyên bố rằng gần 1 tỷ liều vaccine tiềm năng đã được đảm bảo theo chương trình COVAX nhằm cung cấp vaccine với giá ưu đãi cho các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình, nhưng việc những liều vaccine sẽ đến tay những người dân châu Phi bằng cách nào và vào thời điểm nào cũng đang là một dấu hỏi nữa.

Hiện mới có Nam Phi – quốc gia phát triển nhất châu Phi, là xác định được thời điểm nhận lô vaccine ngừa COVID-19 đầu tiên từ COVAX, dự kiến trong quý 2/2021, phần lớn các quốc gia còn lại ở châu lục vẫn chưa thể xác định được chính xác.

Bên cạnh những khó khăn về tài chính khi thanh toán mua vaccine, phần lớn các quốc gia châu Phi được đánh giá sẽ còn gặp rất nhiều trở ngại trong việc bảo quản và chuyên chở loại dược phẩm yêu cầu phải trữ đông ở nhiệt độ cực sâu này. Theo nhiều chuyên gia, với đặc thù dân cư sống rải rác trên một địa hình rộng lớn cùng thời tiết nóng ẩm, công tác hậu cần cần thiết cho việc triển khai tiêm vaccine đại trà tại châu Phi sẽ rất bộn bề cũng như đòi hỏi nguồn tài chính khổng lồ.

Trở lại câu chuyện của Samantha, mặc dù gia đình cô thuộc tầng lớp trung lưu tại Nam Phi, nhưng không ngày nào cô ngừng lo lắng về người cha 67 tuổi đang điều trị COVID-19 cũng như những người thân của mình, đặc biệt khi chính phủ tuyên bố Nam Phi đã chính thức bước vào làn sóng dịch thứ hai với số ca nhiễm mới hằng ngày lên gần 10.000 người. Qua điện thoại, mẹ cô kể một người họ hàng nữa bên ngoại vừa mất vì COVID-19, mọi người chôn cất ông tại nghĩa trang quê nhà, nơi có nhiều ngôi mộ của những nạn nhân HIV qua đời nhiều năm trước.

Samantha nhớ ở quê cô, khi đưa tiễn người thân sang thế giới bên kia, người Zulu – một trong những dân tộc lớn nhất tại Nam Phi – thường ca bài Senzeni Na hát bằng thổ ngữ, trong đó có những điệp khúc buồn: “Chúng ta đã làm gì nên tội để phải hứng chịu những nỗi thống khổ này… hay tội lỗi duy nhất của chúng ta là sinh ra đã phải sống trong nghèo đói’’.

Phi Hùng (Phóng viên TTXVN tại Nam Phi)

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu