Tất cả chuyên mục
Long An|
30°C
/ 27°C - 33°C
Thứ Bảy, 11/01/2025 03:17 (GMT +7)
Việt Nam – Campuchia quyết tâm hoàn thành phân giới cắm mốc đất liền
Thứ 6, 25/12/2015 | 00:00:00 [GMT +7] A A
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Biên giới quốc gia Nguyễn Anh Dũng đã trả lời câu hỏi phỏng vấn của Báo Tin tức về sự kiện khánh thành hai cột mốc 30 và 275 trên biên giới đất liền Việt Nam – Campuchia sắp sửa diễn ra.
So sánh bản đồ Pháp cho mượn và bản đồ Chính phủ Campuchia sử dụng trong phân giới với Việt Nam. Ảnh: Trần Chí Hùng – Phóng viên TTXVN tại Campuchia |
Ngày 26/12 tới, Việt Nam và Campuchia sẽ tổ chức Lễ khánh thành hai cột mốc 30 và 275 trên biên giới đất liền hai nước. Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng Chính phủ Hoàng gia Campuchia Hun Sen sẽ tham dự buổi lễ và cắt băng khánh thành.
* Xin ông cho biết chủ trương nhất quán của Đảng, Nhà nước ta trong việc giải quyết các vấn đề biên giới với các nước láng giềng, trong đó có việc phân giới, cắm mốc giữa Việt Nam và Campuchia?
Chủ trương nhất quán của Đảng, Nhà nước ta trong việc giải quyết các vấn đề biên giới với các nước láng giềng là thông qua thương lượng và các biện pháp hòa bình khác, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Hiến chương Liên hợp quốc và Công ước Luật biển của Liên hợp quốc năm 1982; không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực. Việc giải quyết các vấn đề biên giới với Campuchia cũng không phải là ngoại lệ.
* Đề nghị ông cho biết những cơ sở pháp lý và thành tựu của quá trình phân giới, cắm mốc giữa Việt Nam và Campuchia? Chia sẻ thông tin về những khó khăn, thách thức trong công tác này thời gian qua cũng như những giải pháp để sớm hoàn thành việc phân giới, cắm mốc trên toàn tuyến biên giới?
Về cơ sở pháp lý, Việt Nam và Campuchia ký Hiệp ước về nguyên tắc giải quyết vấn đề biên giới giữa hai nước ngày 20/7/1983. Hiệp ước này có hiệu lực vào ngày 27/9/1983. Hiệp ước quy định rõ: “Trên đất liền, hai bên coi đường biên giới hiện tại giữa hai nước được thể hiện trên bản đồ tỷ lệ 1/100.000 của Sở Địa dư Đông Dương (Service Geographique de l’Indochine), thông dụng trước năm 1954 hoặc gần năm 1954 nhất (kèm theo 26 mảnh bản đồ được hai Bên xác nhận), là đường biên giới quốc gia giữa hai nước”.
Việt Nam và Campuchia ký Hiệp ước hoạch định biên giới quốc gia ngày 27/12/1985 (sau đây gọi là Hiệp ước năm 1985). Hiệp ước này có hiệu lực từ ngày 22/02/1986.
Việt Nam và Campuchia ký Hiệp ước bổ sung Hiệp ước hoạch định biên giới năm 1985 ngày 10/10/2005. Hiệp ước này có hiệu lực từ ngày 06/12/2005 (sau đây gọi là Hiệp ước Bổ sung năm 2005). Hiệp ước Bổ sung năm 2005 chỉ điều chỉnh 6 khu vực và một số đoạn biên giới sông suối để phù hợp với thông lệ quốc tế; riêng đối với đoạn biên giới liên quan đến khu vực Bu Prăng, hai bên thống nhất sẽ tiếp tục trao đổi.
Trong quá trình phân giới, cắm mốc, phát sinh vấn đề tại một số địa phương có tình trạng cư dân sinh sống vượt quá đường biên giới chuyển vẽ. Do đó, ngày 23/4/2011, đại diện Chính phủ hai nước Việt Nam – Campuchia đã ký “Bản Ghi nhớ về việc điều chỉnh đường biên giới trên bộ đối với một số khu vực tồn đọng giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ Hoàng gia Campuchia” (gọi tắt là MOU 2011).
Theo đó, hai bên nhất trí duy trì đường biên giới quản lý thực tế, căn cứ đường biên giới pháp lý hoán đổi cân bằng về diện tích và lợi ích để không gây ảnh hưởng, xáo trộn cuộc sống, bảo đảm sự ổn định sinh hoạt, sản xuất của nhân dân khu vực biên giới hai bên.
Về những thành quả, căn cứ các hiệp ước nói trên, toàn bộ biên giới trên đất liền giữa Việt Nam và Campuchia đã được hoạch định, theo đó đường biên giới pháp lý trên đất liền giữa hai nước dài khoảng 1.137km, được thể hiện đầy đủ trên hai bộ bản đồ đính kèm Hiệp ước năm 1985, đó là bộ bản đồ UTM tỷ lệ 1/50.000 (gồm 40 mảnh) và bộ bản đồ Bonne tỷ lệ 1/100.000 (gồm 26 mảnh). Hai nước đã phân giới cắm mốc biên giới được khoảng trên 80%, chỉ còn lại khoảng dưới 20% đường biên giới chưa hoàn thành phân giới cắm mốc.
Thực hiện và áp dụng mô hình MOU 2011, từ đó đến nay, hai bên đã hoàn thành công việc hoán đổi đất tại một số khu vực thuộc 6 cặp tỉnh là Tây Ninh – Tboung Khmum (Kampong Cham trước đây), Tây Ninh – Svay Rieng, Đồng Tháp – Prey Veng, An Giang – Takeo, Kiên Giang – Takeo và Kiên Giang – Kampot.
Theo quy định của Hiệp ước Bổ sung năm 2005, để có thể phân giới, cắm mốc trên thực địa, hai bên cần chuyển đường biên giới từ bản đồ ra thực địa. Tuy nhiên, đến nay còn 6 khu vực hai bên chưa thống nhất được việc chuyển vẽ; đó là: Đoạn biên giới dự kiến cắm mốc 31-39 tiếp giáp Gia Lai (Việt Nam) và Rattanakiri (Campuchia); đoạn biên giới dự kiến cắm mốc 56 – 60 tiếp giáp Đắk Nông (Việt Nam) và Mondulkiri (Campuchia); đoạn biên giới từ cột mốc 138-147 tiếp giáp Tây Ninh (Việt Nam) và Svay Rieng (Campuchia); đoạn biên giới từ cột mốc 241-245 tiếp giáp An Giang (Việt Nam) và Kandal (Campuchia); đoạn biên giới dự kiến cắm cột mốc 247-254 tiếp giáp An Giang (Việt Nam) và Kandal/Takeo (Campuchia); và đoạn biên giới từ cột mốc 295-302 tiếp giáp Kiên Giang (Việt Nam) và Kampot (Campuchia).
Ngoài ra, có 6 khu vực đã chuyển vẽ xong nhưng chưa triển khai được công tác phân giới, cắm mốc trên thực địa do đây là những khu vực có thể thực hiện mô hình MOU 2011, nhưng ý kiến của hai bên trong việc hoán đổi đất còn khác nhau (5 khu vực ở cặp tỉnh Long An – Svay Riêng và 1 khu vực ở cặp tỉnh Đắk Lắk – Rattanakiri và Mondulkiri).
Những khó khăn, thách thức là: bản đồ hai bên đang sử dụng là các bản đồ cũ (bản đồ Bonne 1/100.000 và UTM 1/50.000), địa hình trên bản đồ không phù hợp với thực địa; địa hình nơi đường biên giới đi qua đa dạng (núi, rừng, sông suối, đồng bằng, vùng ngập lụt …), nhiều nơi không có vật chuẩn hoặc rất khó xác định vật chuẩn phục vụ cho phân giới cắm mốc, nên hai bên gặp rất nhiều khó khăn về kỹ thuật khi chuyển đường biên giới từ bản đồ UTM ra thực địa. Việc áp dụng kỹ thuật GPS cũng khó khăn do hệ tọa độ GPS và hệ tọa độ bản đồ UTM khác nhau.
Tình hình quản lý biên giới có sự đan xen phức tạp, có nơi dân Việt Nam sinh sống và canh tác trên lãnh thổ Campuchia, có nơi dân Campuchia lại sinh sống và canh tác trên lãnh thổ Việt Nam. Khí hậu có hai mùa, trong đó mùa mưa thường kéo dài khoảng 6 đến 7 tháng, mỗi năm chỉ có thể tác nghiệp tại thực địa từ 4 đến 5 tháng trong mùa khô.
Lực lượng đối lập với Chính phủ Campuchia hiện nay cũng thường lợi dụng vấn đề biên giới để chống phá công tác phân giới cắm mốc giữa Việt Nam với Campuchia, chống phá Chính phủ Hoàng gia Campuchia và chia rẽ mối quan hệ hữu nghị tốt đẹp giữa hai nước Việt Nam – Campuchia.
Về những công việc cần triển khai trong thời gian tới: Về phân giới, cắm mốc các đoạn biên giới còn tồn đọng, trong thời gian tới, hai bên sẽ tiếp tục phối hợp để sớm hoàn thành việc phân giới cắm mốc đối với các đoạn biên giới còn tồn đọng như nêu trên.
Để thực hiện nhiệm vụ này, hai bên sẽ dựa vào các nguyên tắc sau: Nghiêm túc tuân thủ pháp luật quốc tế, đặc biệt là các hiệp ước về hoạch định biên giới và các văn bản thỏa thuận khác giữa hai nước có liên quan; trong trường hợp cần thiết, xem xét mời chuyên gia kỹ thuật quốc tế hỗ trợ giải quyết các vướng mắc cụ thể về kỹ thuật liên quan tới một số đoạn biên giới chưa phân giới cắm mốc để đảm bảo kết quả phân giới cắm mốc ở những đoạn biên giới này khách quan, khoa học và chính xác.
Hai bên triển khai cắm mốc phụ (dự kiến số lượng trên 1500) nhằm làm rõ hơn hướng đi của đường biên giới trên thực địa, tạo thuận lợi cho công tác quản lý biên giới của hai nước; hoàn thiện hồ sơ phân giới cắm mốc để làm cơ sở xây dựng Nghị định thư về phân giới cắm mốc biên giới đất liền giữa hai nước.
Về quản lý biên giới, để duy trì an ninh, trật tự và bảo đảm lợi ích của nhân dân khu vực biên giới hai bên, góp phần xây dựng một đường biên giới chung hòa bình, ổn định, hữu nghị, hợp tác và phát triển bền vững, trong khi chờ việc hoàn thành phân giới cắm mốc biên giới đất liền và ký kết một Hiệp định mới về Quy chế quản lý biên giới và cửa khẩu biên giới giữa Việt Nam và Campuchia, hai bên sẽ tiếp tục quản lý biên giới theo Hiệp định về quy chế quản lý biên giới năm 1983 và Thông cáo báo chí chung ngày 17/01/1995.
* Lễ khánh thành hai cột mốc 30 và 275 có sự tham dự của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng Chính phủ Hoàng gia Campuchia Hun Sen, vậy đề nghị ông cho biết ý nghĩa của sự kiện này trong quan hệ hai nước?
Mốc 30 và 275 đã được Thủ tướng Chính phủ hai nước thống nhất xác định vào tháng 5/2011, sau khi hai bên ký Bản Ghi nhớ (MOU) tháng 4/2011. Ngày 20/11/2015 tại Thủ đô Phnôm Pênh, đại diện hai bên (Ngài Hồ Xuân Sơn, Chủ tịch Ủy ban liên hợp phân giới cắm mốc biên giới đất liền Việt Nam – Campuchia và người đồng cấp Campuchia, ngài Var Kim Hong) đã đạt được thỏa thuận khởi công xây dựng cùng lúc 2 cột mốc này vào ngày 20/11/2015.
Đồng thời, hai bên nhất trí tổ chức Lễ khánh thành cột mốc 30 theo nghi lễ cấp cao (với sự tham dự của Thủ tướng hai nước Việt Nam và Campuchia) và Lễ khánh thành cột mốc 275 theo nghi lễ cấp tỉnh (Thủ tướng hai nước tới cắt băng khánh thành, không dự lễ).
Với việc hoàn thành xây dựng hai cột mốc 30 và 275, hai nước đã hoàn thành việc xác định, xây dựng tất cả các cột mốc đại có gắn quốc huy tại 10/10 cặp cửa khẩu quốc tế; cùng với cột mốc ở điểm đầu (mốc ngã ba biên giới Việt Nam – Lào – Campuchia) và cột mốc cuối cùng (mốc 314) trên đường biên giới đất liền Việt Nam – Campuchia và 297 cột mốc chính đã xây dựng, có thể nói công tác phân giới cắm mốc giữa hai nước đã cơ bản hoàn thành với việc hình thành được “xương sống” của hệ thống mốc giới trên toàn tuyến.
Có thể nói, đây là một sự kiện có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong quan hệ hai nước, tiếp tục khẳng định tính đúng đắn của công tác phân giới cắm mốc mà hai nước đã và đang triển khai. Sự kiện này thể hiện quyết tâm của lãnh đạo và nhân dân hai nước trong việc sớm hoàn thành toàn bộ công tác phân giới cắm mốc biên giới đất liền Việt Nam – Campuchia; góp phần quan trọng vào việc củng cố và tăng cường quan hệ hữu nghị truyền thống giữa hai nước.
* Trân trọng cảm ơn ông.
Ý kiến ()