Tất cả chuyên mục
Long An|
30°C
/ 27°C - 33°C
Thứ Hai, 06/01/2025 16:15 (GMT +7)
Việt Nam được bầu làm thành viên Ban Chấp hành IPU
Thứ 5, 22/10/2015 | 00:00:00 [GMT +7] A A
Ngày 21/10, Đại hội đồng Liên minh Nghị viện thế giới lần thứ 133 (IPU-133) và các hội nghị liên quan tại Geneva, Thụy Sĩ, đã bế mạc sau 5 ngày làm việc chính thức.
Đoàn đại biểu Việt Nam tham dự Đại hội đồng IPU-133. Ảnh: Phân xã Geneva |
Tại hội nghị, các nghị viện thành viên đã bầu Việt Nam là một trong hai quốc gia đại diện cho các quốc gia và vùng lãnh thổ thuộc khu vực địa chính trị châu Á – Thái Bình Dương tham gia Ban Chấp hành IPU nhiệm kỳ 2015-2019.
Theo phóng viên TTXVN tại Geneva, Ban Chấp hành IPU gồm 17 thành viên, là cơ quan tư vấn cao nhất cho Hội đồng Điều hành về toàn bộ các vấn đề liên quan đến hoạt động của IPU.
Với tư cách đại diện cho khu vực châu Á – Thái Bình Dương tại Ban Chấp hành IPU, Việt Nam sẽ tiếp tục phát huy vai trò và vị thế quốc gia nói riêng và của khu vực nói chung tại diễn đàn liên nghị viện lớn nhất thế giới này, qua đó góp phần thúc đẩy các nỗ lực ngoại giao chung vì lợi ích quốc gia, đồng thời hài hòa với lợi ích của khu vực và thế giới.
Tham dự Đại hội đồng IPU-133 có hơn 800 nghị sĩ đến từ 135 nghị viện thành viên. Tại phiên thảo luận chung của Đại hội đồng, trưởng đoàn các nghị viện thành viên IPU đã phát biểu về chủ đề “Đòi hỏi về đạo đức và kinh tế nhằm đảm tính công bằng, sáng suốt và nhân văn hơn trong vấn đề di cư ”.
Trong bối cảnh tình trạng người tị nạn tồi tệ nhất từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai, các nghị viện thành viên IPU kêu gọi LHQ và các nước liên quan giải quyết khủng hoảng ở khu vực trên tinh thần tuân thủ những nghị quyết đã được thông qua nhằm thiết lập trở lại sự ổn định ở khu vực.
Các đại biểu nhấn mạnh, nước nhận người tị nạn cần tuân thủ các nguyên tắc về luật nhân đạo và tị nạn quốc tế để bảo vệ người tị nạn; đặc biệt quan tâm đến phụ nữ, trẻ em, thanh niên và bảo vệ họ trước nạn buôn bán người.
Đại hội đồng cũng kêu gọi các quốc gia không trục xuất người tị nạn, đuổi người tị nạn khỏi biên giới hay gây đe dọa đến tính mạng của họ, đồng thời kêu gọi các nghị viện và cộng đồng quốc tế chia sẻ trách nhiệm và gánh nặng trước làn sóng người nhập cư từ các khu vực khác nhau trên thế giới.
Tham luận tại hội nghị, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội, Trưởng đoàn Việt Nam Trần Văn Hằng cũng đã kiến nghị một số giải pháp đối với vấn đề di cư nhằm góp phần vào nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế. Trên tinh thần đó, các đại biểu đã thông qua nghị quyết chủ đề khẩn cấp nhằm đưa ra cách tiếp cận sáng suốt, công bằng và nhân đạo hơn đối với vấn đề nhập cư.
Đại hội đồng cũng đã thông qua nghị quyết về Dân chủ trong kỷ nguyên kỹ thuật số, mối đe dọa đối với sự riêng tư và quyền tự do cá nhân tại Ủy ban Thường trực 3 về Dân chủ – Nhân quyền và các báo cáo của Ủy ban Thường trực 1 về Hòa bình – An ninh thế giới, Ủy ban Thường trực 2 về Phát triển bền vững – Tài chính- Thương mại, Ủy ban Thường trực 4 về các vấn đề LHQ, Ủy ban về Nhân quyền các nghị sĩ, Hội nghị Nữ nghị sĩ, Diễn đàn Nghị sĩ trẻ và Hiệp hội Tổng thư ký (ASGP).
Trong thời gian Đại hội đồng IPU-133, bên cạnh các hoạt động chính của Đại hội đồng, Trưởng đoàn Việt Nam đã có các cuộc tiếp xúc song phương với Chủ tịch và Tổng Thư ký IPU, trưởng đoàn các nghị viện thành viên khu vực châu Á – Thái Bình Dương và vận động thành công các nước ủng hộ ứng cử viên của Việt Nam tham gia Ban Chấp hành IPU.
Trưởng đoàn Việt Nam cũng tiếp xúc với trưởng đoàn Thụy Điển, Vương quốc Anh, Hungary, Micronesia trao đổi các biện pháp cụ thể nhằm đẩy mạnh quan hệ song phương trong thời gian tới. Phái đoàn Việt Nam bên cạnh Liên hợp quốc và các tổ chức quốc tế khác tại Geneva cũng đã cử đại diện tham gia các hoạt động của đoàn.
Ý kiến ()