Thứ Tư, 13/11/2024 08:33 (GMT +7)

Việt Nam không sử dụng Pyriproxyfen trong nước ăn uống –

Thứ 6, 19/02/2016 | 00:00:00 [GMT +7] A  A

Miễn phí xét nghiệm virus Zika Virus Zika diễn biến phức tạp với tốc độ lây lan nhanh, hiện đã ghi nhận người mắc virus Zika tại 44 quốc gia và vùng lãnh thổ. Phần lớn số bệnh nhân Zika được phát hiện đều không có triệu chứng lâm sàng nên việc giám sát, phát hiện ca bệnh rất khó khăn… Đây là những vấn đề được đưa ra tại cuộc họp của Văn phòng Đáp ứng khẩn cấp phòng chống dịch bệnh, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) về việc phòng chống dịch bệnh do virus Zika diễn ra ngày 16-2 tại Hà Nội.

Theo Cục Y tế dự phòng, hiện nay virus Zika đã được ghi nhận ở 44 quốc gia, vùng lãnh thổ. Đối với Việt Nam cho tới thời điểm này chưa ghi nhận trường hợp nào nhiễm virus Zika nhưng nguy cơ virus nguy hiểm này xâm nhập, lây lan vào nước ta là hoàn toàn có thể xảy ra. Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh do virus Zika gây ra và nguy cơ virus này xâm nhập vào nước ta, GS-TS Nguyễn Thanh Long, Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết, Việt Nam sẽ mở rộng việc giám sát bệnh nhân Zika (nếu có) bằng việc lấy mẫu xét nghiệm. Theo đó thời gian tới sẽ tăng lên 1.000 điểm giám sát trên toàn quốc để mở rộng phạm vi giám sát virus Zika. Tất cả những phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ đi từ các quốc gia và vùng lãnh thổ đang lưu hành dịch bệnh Zika về Việt Nam sẽ được xét nghiệm miễn phí xem có có mắc dịch bệnh Zika hay không. Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long cũng cho biết Bộ Y tế đã chỉ đạo Vụ Bảo vệ sức khỏe bà mẹ – trẻ em cần tiến hành ngay việc hướng dẫn thai phụ nên tuân thủ 2 tháng đi siêu âm thai một lần. Nếu phát hiện có bất thường ở thai nhi cần lấy mẫu xét nghiệm để xử lý kịp thời.

PGS-TS Nguyễn Văn Kính, Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương cho biết, cần theo dõi những trường hợp thai phụ siêu âm thấy trẻ có bất thường đầu nhỏ thì cần lấy máu làm xét nghiệm tìm nguyên nhân và can thiệp kịp thời. Nếu để đến khi sinh trẻ ra mới phát hiện mắc hội chứng đầu nhỏ thì khó can thiệp.Liên quan đến thông tin mới về việc phát hiện hóa chất Pyriproxyfen trong thuốc diệt muỗi có thể là nguyên nhân gây teo não ở trẻ sơ sinh chứ không phải do virus Zika gây ra khiến nhiều người lo ngại, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh, đây là vấn đề mà Bộ Y tế rất quan tâm hiện nay. Tuy nhiên, hóa chất này đã được dùng để diệt muỗi tại Brazil trong một thời gian dài để phòng chống các dịch bệnh như sốt xuất huyết và chưa có mối quan hệ rõ ràng với chứng teo não do Zika gây ra.

Tại Việt Nam, việc sử dụng hóa chất Pyriproxyfen được thực hiện theo khuyến cáo của WHO và hóa chất này được cấp phép lưu hành từ năm 2010. Tuy nhiên, hóa chất này chỉ được cấp phép trên phạm vi hẹp với quy trình cấp phép và sử dụng rất chặt chẽ. Từ năm 2012, Việt Nam mới bắt đầu nhập khẩu và đến nay là khoảng 9.500kg chất Pyriproxyfen sử dụng chủ yếu trong nước thải, công trình xây dựng, không được sử dụng trong nước ăn uống. Trong khi đó, tại Brazil sử dụng hóa chất Pyriproxyfen diệt muỗi bằng cách cho vào nguồn nước sinh hoạt. Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long chỉ đạo Cục Quản lý môi trường y tế cần giám sát, liên hệ chặt chẽ với WHO và Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ cùng các cơ quan quốc tế liên quan trong việc xác định về khả năng có mối liên quan nào giữa hóa chất Pyriproxyfen và hội chứng teo não ở trẻ sơ sinh. Cùng ngày, Bộ Y tế đã có khuyến cáo đối với phụ nữ trong việc phòng chống virus Zika. Theo đó, không đến các quốc gia đang có dịch bệnh do virus Zika khi không cần thiết; nếu phải đến các khu vực có dịch do virus Zika cần phải được tư vấn cán bộ y tế để có thông tin đầy đủ về các biện pháp phòng chống lây nhiễm virus Zika; sau khi về từ các khu vực có dịch do virus Zika cần đến các cơ sở y tế để được tư vấn, xét nghiệm để phát hiện sớm yếu tố lây nhiễm; chủ động áp dụng biện pháp chống muỗi đốt và tham gia các hoạt động diệt muỗi và bọ gậy tại cộng đồng.

MINH KHANG – SGGPO

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu