Thứ Năm, 16/01/2025 03:01 (GMT +7)

1.000 nhà khoa học tham dự Gặp gỡ Việt Nam lần thứ 12

Thứ 5, 07/07/2016 | 00:00:00 [GMT +7] A  A

Gặp gỡ Việt Nam lần thứ 12 lần này có sự hiện diện của 5 Giáo sư đoạt giải Nobel quốc tế, trong đó có Giáo sư Ngô Bảo Châu.

“Chính phủ Việt Nam sẽ tạo điều kiện tốt để các nhà khoa học tập trung nghiên cứu, phát triển khoa học công nghệ” – Đó là ý kiến của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam phát biểu tại lễ khai mạc Hội nghị Gặp gỡ Việt Nam lần thứ 12 diễn ra tại thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định sáng nay (7/7).

1.000 nha khoa hoc tham du gap go viet nam lan thu 12 hinh 0
GS Ngô Bảo Châu tham dự Hội nghị.

Hội nghị “Gặp gỡ Việt Nam lần thứ 12” thu hút hơn 1.000 nhà khoa học, nghiên cứu sinh trong nước và quốc tế tham dự.

Hội nghị này có sự hiện diện của 5 Giáo sư đoạt giải Nobel quốc tế, trong đó có Giáo sư Ngô Bảo Châu. Hội nghị được sự hỗ trợ của tổ chức UNESCO, Bộ Khoa học và Công nghệ, Hội Gặp gỡ Việt Nam, UBND tỉnh Bình Định và Trung tâm nghiên cứu nguyên tử Châu Âu.

1.000 nha khoa hoc tham du gap go viet nam lan thu 12 hinh 1
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam thân mật chào đón các đại biểu

Trong thời gian này, tại tỉnh Bình Định cũng diễn ra lễ kỷ niệm 50 năm Gặp gỡ Moriond, do Giáo sư Trần Thanh Vân sáng lập. Trong khuôn khổ “Gặp gỡ Việt Nan lần thứ 12” còn có nhiều hội thảo khoa học quốc tế như: Cơ sinh học từ phân tử đến mô; Dòng chảy vũ trụ; Khoa học cơ bản và xã hội; Sự hình thành sao trong các môi trường khác nhau; Lớp học hè quốc tế về chuyên đề Vật lý Thiên văn Việt Nam lần thứ 44… Được biết, chuỗi các hội nghị quốc tế kéo dài từ cuối tháng 6 đến tháng 12/2016.

1.000 nha khoa hoc tham du gap go viet nam lan thu 12 hinh 2
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trao đổi với các đại biểu dự Hội nghị.

Phát biểu tại buổi lễ khai mạc sáng nay, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh: “Khoa học công nghệ là động lực vô cùng quan trọng cho phát triển bền vững và có thể giúp những quốc gia đang phát triển như Việt Nam vươn lên để thu hẹp khoảng cách với các nước phát triển.

Một vài ý kiến cho rằng những nước như Việt Nam chỉ nên tập trung vào ứng dụng khoa học và công nghệ, còn nghiên cứu khoa học cơ bản là câu chuyện của tương lai, là câu chuyện của các nước phát triển. Nhưng Chính phủ Việt Nam lại không nghĩ như vậy, chúng tôi luôn xuyên suốt quan điểm khoa học cơ bản là nền tảng, cần phải được chú trọng đầu tư và đầu tư cho khoa học cơ bản là đầu tư cho nền móng, là đầu tư cho tăng cường năng lực Quốc gia”./.

Thành Long/VOV-Miền Trung

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu