Theo đó, cả nước có 1.121 người được lập danh sách ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XIV sau Hội nghị hiệp thương lần thứ ba.
Ở Trung ương, Hội nghị hiệp thương lần thứ ba do Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức đã biểu quyết nhất trí thông qua danh sách sơ bộ 197 người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XIV của các cơ quan, tổ chức ở Trung ương.
Tổng hợp sơ bộ của phóng viên thường trú TTXVN tại 63 tỉnh, thành phố trong cả nước cho thấy sau Hội nghị hiệp thương lần thứ ba, các tỉnh, thành phố đã có 735 người được lập danh sách ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và 6.462 người được lập danh sách ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh.
Trong đó, tại nhiều địa phương, tỷ lệ ứng viên đại biểu Quốc hội là dân tộc thiểu số đạt tỷ lệ khá cao, điển hình như: Lai Châu: 8/8 người là dân tộc thiểu số; Lạng Sơn: 8/8 người; Kon Tum: 7/8 người; Lào Cai: 6/8 người…
Một số địa phương, tỷ lệ nữ ứng viên được lập danh sách bầu đại biểu Quốc hội chiếm hơn 50%. Có thể kể đến: Vĩnh Phúc, Quảng Ngãi, Cà Mau…
Tỷ lệ ứng viên trẻ tuổi tại một số địa phương qua hội nghị hiệp thương lần ba cũng chiếm tỷ lệ khá cao, ví dụ như: Cà Mau (63,6%), Quảng Ngãi (60%), Kiên Giang (50%)…
Theo nhận định của Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các tỉnh, thành phố, các hội nghị lấy ý kiến nhận xét và tín nhiệm của cử tri nơi cư trú đối với những người ứng cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân được tổ chức bảo đảm dân chủ, công khai, đúng đủ trình tự, thủ tục với sự tham gia của đông đảo cử tri. Các đại biểu tham dự Hội nghị hiệp thương lần ba đã tiến hành thảo luận với tinh thần dân chủ, biểu quyết tán thành giới thiệu danh sách chính thức người ứng cử đủ các tiêu chuẩn theo quy định.
Sau Hội nghị hiệp thương lần thứ ba, các cơ quan, tổ chức, đơn vị tại các địa phương sẽ tổ chức các hội nghị tiếp xúc cử tri để người ứng cử vận động bầu cử, bắt đầu từ ngày công bố danh sách chính thức những người ứng cử (ngày 27/4/2016)./.
Ý kiến ()