Thiếu tướng Trần Đình Nhã – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội khóa XIII bày tỏ quan điểm trước tình trạng bổ nhiệm số lượng cấp phó vượt quy định ở một số nơi, trong đó có Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thanh Hóa mà dư luận đang rất quan tâm.
PV: Là người dùng cụm từ “lạm phát cấp phó” khi phát biểu mạnh mẽ trên nghị trường, theo ông, tình hình có được cải thiện?
Ông Trần Đình Nhã: Tôi nói lạm phát là lạm phát thừa vì thấy có tình trạng hình như một người làm việc lâu năm giờ muốn có chức có quyền gì đấy chứ còn thực ra yêu cầu công việc có phải thế đâu. Công tác tổ chức công việc không nên như thế, làm lu mờ cấp trưởng.
Ở địa phương, ông Phó Chủ tịch phụ trách mảng gì đấy thì tất tần tật phải báo cáo ông ý, rồi họp mới trình lên Chủ tịch tỉnh, rồi lại họp để nghe để quyết định. Cách tổ chức bộ máy như thế cồng kềnh, tầng nấc, kém hiệu lực hiệu quả, làm tăng chi ngân sách.
Tôi đã làm bài toán rồi, chẳng hạn mỗi bộ chỉ vài ba Thứ trưởng, Cục thì một vài cấp Phó thôi và các cấp như thế… thì mỗi năm ngân sách tiết kiệm được nhiều nghìn tỷ đồng.
Vấn đề “lạm cấp phó” cũng được tranh luận tại Quốc hội và khi ban hành các luật như Luật Tổ chức Chính phủ thì cũng đã quy định hạn chế cấp phó.
PV: Như Sở NN-PTNT Thanh Hóa có tới 8 Phó GĐ Sở trong khi quy định không quá 3 (nhiều tỉnh khác cũng vượt quy định), thì ông nghĩ thế nào?
Ông Trần Đình Nhã: Đặt người ta vào thì giờ cũng khó. Với trường hợp sắp về hưu thì trong giai đoạn đó không bổ nhiệm thêm bất cứ người nào thì tự nhiên sẽ giảm. Nhưng với trường hợp vượt nhiều, không có ai sắp về nghỉ thì như thế là không được, bởi luật là luật. Công tác cán bộ ở Đảng bộ đó làm không nghiêm.
PV: Ông cũng từng đặt vấn đề vì sao nhiều cấp phó và một trong những lý do là khi đưa ra thảo luận cái nào cũng có lý cả?
Ông Trần Đình Nhã: Xưa nay là như thế. Có Phó thì phải giao cho họ làm cái gì chứ ai lại để cấp Phó lại không phụ trách cái gì, thế là phải chia nhỏ ra. Nếu ít phó thì một ông phụ trách cả mảng đó cũng chẳng sao.
PV: Như trường hợp ở Thanh Hóa được giải thích cần nhiều phó vì khối lượng công việc lớn, địa bàn rộng, đa ngành đa lĩnh vực… Song cũng có ý kiến cho rằng nhiều cấp phó có khi còn gây chồng chéo trong công việc và không loại trừ đùn đẩy trách nhiệm?
Ông Trần Đình Nhã: Đúng vậy! Tôi nghĩ có khi gây chồng chéo. Giải thích địa bàn rộng, đông dân hay tương tự như thế thì vô cùng. Nói như thế thì Mỹ không phải 1 Phó Tổng thống mà là 7 Phó Tổng thống.
PV: Quy định đã có, quy trình bổ nhiệm cũng chặt chẽ, rõ ràng, cớ sao địa phương vẫn “xé rào”, trong khi ta đang đẩy mạnh tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế, thưa ông?
Ông Trần Đình Nhã: Luật quy định rõ thế rồi mà thực hiện không đúng là có vai trò giám sát. Tùy cấp mà Quốc hội và HĐND phải lên tiếng. Đặc biệt là cấp trên trực tiếp như với Sở NN-PTNT như thế thì Bộ NN-PTNT cũng phải có ý kiến chứ. Đảng bộ khi đưa ra thảo luận là thực hiện không nghiêm.
PV: Thực tế có trường hợp chính Bộ lại gửi cán bộ về địa phương và người đó thường được bổ nhiệm làm Phó?
Ông Trần Đình Nhã: Cấp Phó dù sao luật quy định rồi, chỗ một Vụ phó, hai Vụ phó hay nơi nào không quá 5 Thứ trưởng, 6 Thứ trưởng… Nhưng giờ có tình trạng là hay luân chuyển, như quy định Phó Chủ tịch tỉnh không quá 3 hoặc 4 nhưng người ta lại luân chuyển về làm Phó Chủ tịch tỉnh lại thêm một suất thứ 5. Theo tôi suất này cũng không đúng. Đã luân chuyển cái này thì phải luân chuyển cái kia đi chứ không phải anh luân chuyển về thêm suất.
Phải xem xét lại cách luân chuyển cán bộ, phải lưu ý chứ chứ không phải cứ đưa người ta về rồi lại bổ nhiệm. Luật quy định 4 Phó là 4 Phó chứ không phải luân chuyển lại thành 6. Hoặc anh chỉ cho bổ nhiệm 3 Phó thôi để suất còn lại dành cho luân chuyển. Làm như thế mới nghiêm.
PV: Với trường hợp đã được bổ nhiệm vượt quy định, dù là 1 hay là 5 thì theo ông có cần “mạnh tay” cắt giảm để thực hiện nghiêm đúng theo quy định?
Ông Trần Đình Nhã: Theo tôi phải như thế. Có thể hơi đau xót nhưng làm như thế để làm gương. Chứ còn cứ để như thế tỉnh khác, Sở khác cũng theo đó người ta làm mà không có cớ gì nói được. Thanh Hóa làm được thì không cứ gì Nghệ An không làm được, từ đó kéo dây ra.
Rút lại quyết định bổ nhiệm. Luật quy định thì phải làm thế đã, theo tôi đó là nguyên tắc pháp chế, mà chúng ta cứ hô đi hô lại nhưng trước không làm được. Luật quy định số lượng như thế đã là quá rộng rãi, quá nhiều rồi.
PV: Xin cảm ơn ông!./.
Ý kiến ()