Tất cả chuyên mục

20 năm trước, cây nhãn da bò bắt đầu bén rễ trên diện tích hơn 6 công đất của ông Hồ Văn Hai, ở ấp 2, xã Nhựt Chánh, huyện Bến Lức. May mắn không rơi vào cảnh “trồng rồi chặt, chặt rồi trồng”, ngần ấy năm, gia đình ông vẫn “nặng tình” với cây nhãn.
Trước đây do trồng lúa, mía không hiệu quả, ông Hồ Văn Hai quyết định chuyển sang trồng hơn 200 gốc nhãn da bò từ năm 1999. Những vùng phù sa màu mỡ có thể trồng 3 năm 2 vụ, riêng nhà ông thì mỗi năm chỉ lấy 1 vụ trái, còn lại tập trung dưỡng cây để thu lợi lâu dài. Ông Hai bộc bạch: “Tại hồi đó thấy cây nhãn có huê lợi quá cao, tính ra tới mấy chục giạ lúa lận, thành ra mới quyết định trồng”
20 năm qua, cây nhãn là sinh kế của gia đình ông Hồ Văn Hai
Lúc mới trồng, ông tìm hiểu kỹ thuật canh tác chủ yếu từ nhà vợ ở Vĩnh Long và bỏ mối cho lái ở Tiền Giang. Sau này, cứ tới mùa là có khách vào tận vườn mua sỉ hoặc lẻ chứ không cần đem đi bán.
Nhãn tương đối dễ chăm sóc, mỗi năm nhà ông chỉ để 1 vụ trái, thời gian còn lại tập trung dưỡng cây
Nhãn từ khi ra hoa tới trái chín mất khoảng 5 tháng và có thể neo trên cây thêm 2 – 3 tuần. Năm nay, khi rộ mùa, trung bình mỗi ngày nhà ông Hai thu hoạch gần 200 kg. Bà Lê Thị Mỹ Dung – vợ ông Hai chia sẻ: “Lúc nhỏ cũng có xài thuốc sâu, khi mà lớn gần tới ăn mình không có xịt nữa, cũng như vậy nên người ta vô người ta thích lắm, người ta ăn trái cây sạch , vô đây không hà. Nhìn vô thấy trái nhãn tiêu nó méo hơn nhãn thường, nhãn tiêu thì bán được 40 ngàn đồng, nhãn thường 17 đồng một ký”.
Nhãn khi hái xuống, bà Dung phân loại thành nhãn thường và nhãn tiêu để bán cho khách
Mỗi năm một mùa, khi cây ra lá lụa thì vợ chồng ông xử lý ra hoa bằng phương pháp dân gian là khắc cành. Theo kinh nghiệm của gia đình, để đảm bảo chất lượng trái và tránh hư cây, cần chọn cành khỏe để khắc, sau đó giữ cho chỗ khắc không tiếp xúc với nước và mỗi cây phải chừa lại nhánh thở chứ không khắc hết. Khoảng 1 tháng sau, nhánh được khắc sẽ ra hoa.
Khi cây ra lá lụa, nhà vườn thường xử lý ra hoa đồng loạt bằng cách khắc cành
Nhãn bắt đầu chín từ đầu tháng 9 âm lịch và thu hoạch kéo dài hơn 2 tháng. Sau đó, nhà vườn lại tiếp tục tỉa cành, tạo tán, bón phân, phòng trừ sâu bệnh để chuẩn bị cho vụ mùa tiếp theo. Nhờ chọn cách “vừa trồng, vừa dưỡng”, 20 năm qua, vườn nhãn “ngọt ngào” này vẫn tạo được sinh kế ổn định cho gia đình./.
Thanh Thủy – Minh Hồng
Ý kiến ()