Thứ Sáu, 24/01/2025 04:38 (GMT +7)

60% khoai tây chế biến tại Việt Nam phải nhập khẩu

Thứ 6, 13/07/2018 | 15:30:00 [GMT +7] A  A

Tại Việt Nam, nhu cầu cho các nhà máy chế biến hiện khoảng 180.000 tấn khoai tây nguyên liệu/năm, nhưng sản xuất trong nước chỉ đáp ứng được khoảng 30 – 40%.

Đây là thông tin được đưa ra tại Hội thảo hợp tác của Trung tâm khoai tây quốc tế (CIP) tại Việt Nam, nhằm hỗ trợ chương trình phát triển nông nghiệp của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn. Hội thảo do Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) tổ chức sáng 13/7, tại Hà Nội.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trước đây, khoai tây có diện tích lớn, có lúc lên tới xấp xỉ 130.000 ha, khoai lang có thời điểm lên đến 400.000 ha. Khoai tây, khoai lang nói riêng và cây trồng có củ nói chung là cây quan trọng trong ngành nông nghiệp.
Tuy nhiên, Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh, có một điều băn khoăn là hiện nay, nhu cầu tiêu dùng vẫn lớn, nhưng diện tích khoai tây và khoai lang giảm nhanh. Trong đó, diện tích khoai tây giảm chỉ còn khoảng 1/5 diện tích và khoai lang giảm còn khoảng 1/4 diện tích.
Nhu cầu cho các nhà máy chế biến hiện khoảng 180.000 tấn khoai tây nguyên liệu/năm. Ảnh: Nguyễn Dũng/TTXVN

“6 tháng đầu năm 2018, Việt Nam xuất khẩu nông sản đạt giá trị khoảng 20 tỷ USD, nhiều mặt hàng nông sản có giá trị cao, nhưng vì sao cây khoai tây vẫn phải nhập khẩu” – Thứ trưởng Lê Quốc Doanh nói.

Tại Việt Nam, diện tích khoai tây những năm qua dao động từ 16.700 – 19.700 ha. Riêng năm 2017 đạt 19.700 ha. Năng suất khoai tây dao động từ 13,5 – 15,9 tạ/ha; sản lượng dao động từ 237.000 -313.000 tấn.
Với khoai lang, diện tích có xu thế giảm, năm 2013 đạt 135.000 ha, đến năm 2017 còn 121.000 ha. Dù vậy, năng suất những năm qua được cải thiện, đạt 100,6 tạ/ha năm 2013 và đạt 111 tạ/ha năm 2017; sản lượng dao động từ 1,2 – 1,4 triệu tấn/năm.
Ông Nguyễn Như Cường – Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, Bộ NN&PTNT cho biết, khoai tây ở Việt Nam hiện chủ yếu phục vụ ăn tươi ở thị trường nội địa, xuất khẩu lượng nhỏ sang Indonesia. Từ tháng 6 – 9 hàng năm thường nhập khoai tây từ Trung Quốc.

Tại Việt Nam, nhu cầu cho các nhà máy chế biến hiện khoảng 180.000 tấn khoai tây nguyên liệu/năm, nhưng sản xuất trong nước chỉ đáp ứng được khoảng 30 – 40%, còn lại là phải nhập khẩu từ rất nhiều nước khác nhau.Với khoai lang, hiện nay chủ yếu phục vụ cho ăn tươi và xuất khẩu ở dạng thô nguyên củ là chủ yếu.

Theo Cục Trồng trọt, diện tích khoai tây vụ Đông ở nước ta có tiềm năng mở rộng là rất lớn, diện tích đất trồng khoai tây thích hợp, luân canh với 2 vụ lúa nước lên tới hàng trăm nghìn ha với năng suất 20 tấn/ha, sản lượng đạt trên 2 triệu tấn.
Trong 5 năm tới (2018 – 2023) đưa diện tích đạt và ổn định khoảng xung quanh 30 nghìn ha, 5 năm tiếp theo đưa diện tích khoai tây lên 35.00 – 40.000 ha.
Trong đó, để đạt được mục tiêu cần tổ chức hệ thống nhân giống và hoàn thiện công nghệ nhân giống; nghiên cứu hoàn thiện ứng dụng đồng bộ cơ giới hóa. Đồng thời, có chính sách đầu tư hỗ trợ sản xuất giống gốc, giống siêu nguyên chủng, nguyên chủng, hỗ trợ kho lạnh bảo quản giống và thương phẩm.
Với khoai lang, cần tìm kiếm thêm thị trường xuất khẩu bền vững và ổn định. Mặt khác, cần quan tâm đến công tác chế biến, quy hoạch vùng sản xuất thích hợp, chủ động tưới tiêu. Tổ chức sản xuất theo mô hình hợp tác xã, nhóm hộ với sự vào cuộc của doanh nghiệp, hợp đồng minh bạch với nông dân.

Tại Hội thảo, các đại biểu đã giới thiệu về Dự án chọn tạo 5 giống khoai tây thích ứng với vùng nhiệt đới theo mô hình hợp tác công – tư. Dự án được thực hiện bởi một số Viện, Trung tâm nghiên cứu cây có củ, cây lương thực, thực phẩm của Việt Nam hợp tác cùng Trung tâm khoai tây quốc tế cùng một số đơn vị. Dự án sử dụng phương pháp chọn giống ưu tú, hiện đại nhằm làm tăng năng suất, tính ổn định và khả năng cạnh tranh của khoai tây, nâng cao an ninh lương thực và nguồn thu nhập gia đình đối với các hộ nông dân nghèo ở vùng Đông Nam Á.

H.V/Báo Tin Tức

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu