Thứ Ba, 28/01/2025 00:10 (GMT +7)

Diễn biến dịch COVID-19 tại Việt Nam: Ngày 8/4 ghi nhận thêm 2 ca mắc mới; thông điệp của Thủ tướng gửi các Bộ trưởng Y tế Tây Thái Bình Dương

Thứ 5, 09/04/2020 | 09:05:00 [GMT +7] A  A

Tính đến 17h ngày 8/4, Việt Nam ghi nhận thêm 2 ca mắc mới COVID-19, nâng tổng số ca mắc là 251 trường hợp; trong đó đã có 126 ca bình phục và xuất viện.

Thông điệp của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc

Ngày 8/4, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc gửi thông điệp tới Hội nghị trực tuyến các Bộ trưởng Y tế khu vực Tây Thái Bình Dương với chủ đề “Đoàn kết chống COVID-19”.

Toàn văn thông điệp như sau:

“Đại dịch COVID-19 đang lan rộng và gây tổn thất lớn cho nhân loại, kể từ Chiến tranh thế giới thứ II. Tôi đánh giá cao trách nhiệm, vai trò của WHO và hoan nghênh Hội nghị trực tuyến hôm nay với chủ đề Đoàn kết chống COVID-19.

1. Bài học kinh nghiệm của chúng tôi là sớm nhận thức được tính chất nguy hiểm của COVID-19, đã chủ động ngay từ đầu, từ khi xuất hiện tin về dịch trên truyền thông quốc tế. Với quyết tâm chính trị cao, coi “chống dịch như chống giặc”, Chính phủ đã kiên quyết thực hiện đồng bộ, linh hoạt nhiều biện pháp, trong đó có cách ly tập trung người Việt Nam về nước, người nước ngoài vào Việt Nam và các đối tượng tiếp xúc với các ca dương tính đã được phát hiện; nhất là khoanh vùng, tập trung dập dịch tại các ổ dịch.

Đồng thời, thực hiện “nhiệm vụ kép”, vừa ưu tiên kiểm soát, ngăn chặn COVID-19, vừa tiếp tục giữ vững ổn định kinh tế xã hội, không bị đổ gãy. Chính phủ đã xác định, có thể phải chấp nhận thiệt hại về kinh tế để bảo vệ tính mạng, sức khỏe của người dân, vừa qua đã kịp thời có các gói hỗ trợ kinh tế, tài chính đến những nhóm yếu thế trong xã hội nhất là người nghèo, người lao động gặp khó khăn, không để ai bị bỏ lại phía sau. Các chỉ đạo của Đảng, Nhà nước và cả hệ thống Chính trị Việt Nam đã được người dân tin tưởng, ủng hộ, chung tay hành động. Đến nay, Việt Nam đang kiểm soát được tình hình, chưa có ca tử vong nào, chữa khỏi gần 50% ca bị nhiễm…

2. Việt Nam chia sẻ ý kiến chung về tầm quan trọng của hợp tác quốc tế. Khi Đại dịch COVID-19 đang tràn qua mọi đường biên giới lãnh thổ, đòi hỏi các quốc gia, dân tộc phải có “đại nỗ lực” và “đại đoàn kết”. Chúng tôi tin tưởng và đề nghị WHO – tổ chức chuyên môn y tế của Liên hợp quốc, tiếp tục đi đầu huy động, phối hợp nguồn lực của các quốc gia, ưu tiên cho vắc-xin, thuốc đặc trị, vật tư, thiết bị y tế… Trên cương vị Chủ tịch ASEAN 2020, Việt Nam đã ra Tuyên bố Chủ tịch về hợp tác phòng, chống COVID-19 và đang cùng các nước thành viên hành động mạnh mẽ.

3. Mặc dù còn khó khăn và nguồn lực hạn chế, song hưởng ứng Nghị quyết của Đại hội đồng Liên hợp quốc về Đại dịch COVID-19 (2/4/2020), trong khả năng của mình, Việt Nam đã chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ vật tư, thiết bị y tế…cho nhiều nước. Nhân dịp này, chúng tôi cảm ơn sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế, nhân dân các nước đối với cuộc chiến COVID-19.

Tôi tin chắc rằng, sát cánh bên nhau chúng ta sẽ chiến thắng Đại dịch COVID-19, bảo vệ an toàn sức khỏe cho người dân, cùng nhau hợp tác phát triển thịnh vượng hướng tới Mục tiêu phát triển bền vững SDGs 2030 của Liên hợp quốc”.

Hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19

Sáng 8/4, tại Nhà Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã họp phiên bất thường để cho ý kiến về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19.

Thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đánh giá cao Chính phủ đã chủ động, quyết liệt trong phòng, chống dịch, cũng như quan tâm đến vấn đề ổn định sản xuất – kinh doanh, an sinh xã hội, bảo đảm đời sống người dân… đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội lưu ý tại Phiên họp thứ 43. Đặc biệt là việc đưa ra các chính sách, biện pháp hỗ trợ người dân và doanh nghiệp vượt qua khó khăn được báo cáo tại phiên họp này đã thể hiện rõ hơn nữa tinh thần “không ai bị bỏ ở lại phía sau” của Đảng, Nhà nước ta.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân chủ trì và phát biểu khai mạc. Ảnh: Trọng Đức/TTXVN.

Trong điều kiện đất nước ta còn nhiều khó khăn, việc xây dựng và ban hành các chính sách hỗ trợ trực tiếp, kịp thời, cho thấy sự nỗ lực cao của Đảng, Nhà nước trong việc chăm lo đời sống của nhân dân. Trước mắt sẽ đem lại sự yên tâm cho người dân, góp phần giải quyết một số khó khăn, vất vả trong bối cảnh dịch bệnh, tăng thêm sự tin tưởng của người dân đối với Đảng, Nhà nước để cùng đồng lòng, kiên trì, quyết tâm chiến thắng dịch bệnh, cũng như tiếp tục tham gia vào công cuộc phát triển kinh tế – xã hội của đất nước.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị sau khi các chính sách được ban hành, các ngành, các cấp cần chủ động, tổ chức thực hiện ngay và có hiệu quả để bảo đảm sự hỗ trợ kịp thời đến với người dân, hạn chế đến mức thấp nhất “độ trễ” của chính sách khi đi vào cuộc sống; đồng thời, cần tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát để không xảy ra hiện tượng tiêu cực, trục lợi chính sách hoặc thiếu sự minh bạch trong việc tổ chức thực hiện.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng mong rằng, các chính sách hỗ trợ ra đời sẽ tiếp nối, lan tỏa mạnh mẽ hơn nữa tinh thần “tương thân tương ái” trong cộng đồng xã hội. Từ đó sẽ tiếp tục khơi dậy nghĩa cử cao đẹp, lòng nhân ái trong xã hội đối với hoạt động thiện nguyện để sẻ chia, giúp đỡ những đồng bào còn khó khăn trong suốt thời gian chống dịch cũng như sau khi dịch bệnh kết thúc, phát huy truyền thống quý báu “lá lành đùm lá rách”, “lá rách ít đùm lá rách nhiều” từ ngàn đời nay của dân tộc Việt Nam.

Không để bùng phát các ổ dịch lớn

Sáng 8/4, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã chủ trì họp Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19. Các thành viên Ban Chỉ đạo nhận định: Dù nước ta đã thực hiện các biện pháp mạnh, nhưng phải thừa nhận một thực tế, đó là dịch đã xâm nhập vào cộng đồng. Bởi, trước 0 giờ ngày 22/3, thời điểm tạm dừng nhập cảnh tất cả người nước ngoài vào Việt Nam, vẫn còn hàng trăm nghìn người đã nhập cảnh, trong đó rất nhiều người đến từ các nước đang có dịch. Cụ thể, tính đến sáng 8/4, trong 251 trường hợp mắc COVID-19 tại Việt Nam, có 156 người từ nước ngoài (chiếm 62,6%); 95 người lây nhiễm thứ phát (chiếm 37,4%).

Phó TT Vũ Đức Đam phát biểu tại cuộc họp với Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19. Ảnh: Minh Quyết/TTXVN.

Hiện cả nước đang thực hiện biện pháp cách ly xã hội (giãn cách xã hội, hạn chế tiếp xúc) theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, vì thế việc lây truyền có chậm lại, nhưng chưa thể khẳng định dịch đã được ngăn chặn. Vì vậy, không nên chủ quan, lơ là, mất cảnh giác, cần tiếp tục các biện pháp: Tiến hành cách ly, xét nghiệm những người tiếp xúc, có liên quan để tiến hành khoanh vùng, dập dịch ngay; quyết liệt thực hiện việc cách ly xã hội, không để người nhiễm tiếp xúc với người khỏe mạnh, phát hiện sớm các ổ dịch nhỏ trong cộng đồng, khoanh vùng, cách ly sớm, không để bùng phát thành các ổ dịch lớn.

Các thành viên Ban Chỉ đạo cho rằng, Việt Nam đang kiểm soát được tình hình dịch bệnh, tuy nhiên thời gian tới sẽ xuất hiện nhiều ca lây nhiễm trong cộng đồng. Ngoài việc tìm nguồn lây, cần xác định mỗi trường hợp mắc COVID-19 đều là ổ dịch, phải thực hiện ngay các biện pháp ngăn chặn, cách ly, khoanh vùng, dập dịch với tinh thần không chủ quan, mất cảnh giác.

Trung tướng Nguyễn Văn Sơn, Thứ trưởng Bộ Công an cho rằng: Trong hai ngày gần đây, số bệnh nhân dương tính với virus SARS-CoV-2 có xu hướng giảm, vì thế đã xuất hiện tâm lý chủ quan. Số lượng người dân có mặt ngoài xã hội, tham gia giao thông có chiều hướng tăng cao so với thời điểm công bố Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Đây là việc cần có sự chấn chỉnh kịp thời, tránh tâm lý chủ quan, buông lỏng.

Do đó, thời gian tới, Bộ Công an sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Y tế thực hiện công việc ”đi từng ngõ, gõ từng nhà”; đồng thời, bên cạnh việc giữ gìn trật tự an toàn xã hội, Bộ cũng đã tính đến các phương án bảo vệ an toàn cho các lực lượng tiếp xúc, trấn áp tội phạm.

Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19 yêu cầu các địa phương tăng cường thực hiện “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng” để mở rộng đối tượng rà soát. Trước hết là người nước ngoài vào Việt Nam đang lưu trú tại nhà nghỉ, khách sạn, chứ không chỉ ở các khu dân cư; cộng đồng người nước ngoài đang sinh sống, làm việc tại Việt Nam; những người Việt Nam làm việc trực tiếp với người nước ngoài từ các ổ dịch; những người nước ngoài vào Việt Nam du lịch tự do… Đối với người Việt Nam là những người từ nước ngoài về; những người đi đến hoặc đi qua vùng có ca nhiễm bệnh trong nước; những người có liên quan dịch tễ đến các ca bệnh; những người sống lang thang, liên quan đến tệ nạn xã hội.

Hoàn thành khai báo y tế tại thôn Hạ Lôi sau lệnh phong tỏa

Từ sáng ngày 8/4, người dân xóm Bàng, thôn Hạ Lôi (xã Mê Linh, huyện Mê Linh, Hà Nội) đã tập trung khai báo y tế sau khi Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung ra quyết định cách ly 14 ngày toàn bộ thôn Hạ Lôi, với 2.700 hộ, 11.500 nhân khẩu.

Toàn bộ người dân thôn Hạ Lôi hiện đã hoàn thành khai báo y tế. Vì vậy, huyện đề nghị các cơ quan liên quan tạo điều kiện cho người dân được sớm xét nghiệm nhanh và đề xuất khử khuẩn toàn bộ thôn.

Theo Chủ tịch UBND huyện Mê Linh Đoàn Văn Trọng, liên quan đến bệnh nhân 243, huyện đã điều tra có 109 trường hợp F1 (ở xã Mê Linh là 93 người, các xã khác là 14 và 1 người ở quận Bắc Từ Liêm). Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội đã lấy mẫu xét nghiệm 108 trường hợp, trong đó 1 trường hợp dương tính, 18 trường hợp chưa có kết quả, số còn lại âm tính. Huyện đã phối hợp với CDC Hà Nội và Sở Y tế Hà Nội tính toán, điều tra, xác minh và cách ly toàn bộ thôn Hạ Lôi với 10.873 người, đã phân công chi tiết các nhiệm vụ cho các lực lượng.

Nhân dân thôn Hạ Lôi ủng hộ việc tổ chức khoanh vùng cách ly y tế, tích cực phối hợp với các cơ quan chức năng để rà soát các trường hợp liên quan đến bệnh nhân 243 và bệnh nhân 250. Đồng thời, đề xuất Bộ Tư lệnh Hóa học khử khuẩn toàn bộ thôn để dập dịch hiệu quả.

Thực hiện giãn cách xã hội tốt mới ngăn chặn được dịch COVID-19

Gần đây Việt Nam đã xuất hiện những ca bệnh COVID-19 không rõ nguồn lây, tức là mất dấu F0. Điều này đang trở thành mối lo ngại lớn, nhất là với thực tế diễn ra tại ổ dịch Bạch Mai, do không xác định được nguồn lây ban đầu, nên sau đó dịch lây lan mạnh.

Sáng 8/4 cũng ghi nhận ca bệnh số 251 (64 tuổi ở Bình Lục, Hà Nam) chưa rõ nguồn lây và đang tiếp tục được điều tra. Bệnh nhân này điều trị tại khoa Tiêu hoá, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Nam, có con trai và con dâu từ Hà Nội về chăm. Ngày 6/4, bệnh nhân được lấy mẫu bệnh phẩm xét nghiệm và cho kết quả dương tính với virus SARS-CoV-2.

Về vấn đề “mất dấu” F0, PGS.TS Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) cho biết: Việt Nam đang ở giai đoạn 3 của dịch COVID-19, với nguy cơ lây lan trong cộng đồng. Đặc biệt, hiện đã có những ca bệnh không tìm ra nguồn lây từ đâu (mất dấu F0). Nghĩa là không xác định được người bệnh F0 là ai, ở đâu… Điều này tiềm ẩn nguy cơ lớn khiến dịch lan rộng, khó kiểm soát, bất cứ ai cũng có thể bị lây bệnh.

PGS.TS Nguyễn Huy Nga cũng cho rằng, trong bối cảnh này, những nơi tập trung đông người dễ gây bùng phát dịch, vì không biết ai là người mang mầm bệnh trong cộng đồng. Vì vậy, để phòng bệnh, cách tốt nhất là người dân nên ở nhà, tránh tiếp xúc cộng đồng, thực hiện tốt giãn cách xã hội.

Các chuyên gia cũng khuyến cáo, nếu để dịch COVID-19 lan rộng sẽ dẫn tới khó khoanh vùng được các ổ dịch. Khi số ca bệnh bùng phát mạnh còn tạo nên sức ép lớn cho hệ thống y tế, khi quá tải sẽ dẫn tới tỷ lệ tử vong tăng do nhân lực, vật lực y tế không đủ để tập trung cứu chữa cho người bệnh. Vì vậy, ngay lúc này, mọi người dân cần “ai ở đâu hãy ở yên đó, nhà nào ở nhà đó”, tuyệt đối không đi ra ngoài khi không có việc cần thiết.

Theo Vân Sơn/Báo Tin tức
https://baotintuc.vn/thoi-su/dien-bien-dich-covid19-tai-viet-nam-ngay-84-ghi-nhan-them-2-ca-mac-moi-thong-diep-cua-thu-tuong-gui-cac-bo-truong-y-te-tay-thai-binh-duong-20200408210217915.htm

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu