Tất cả chuyên mục
Long An|
30°C
/ 27°C - 33°C
Thứ Sáu, 17/01/2025 20:49 (GMT +7)
Agribank góp phần phát triển kinh tế khu vực Đồng bằng sông Cửu Long
Thứ 2, 15/05/2017 | 09:55:00 [GMT +7] A A
Phát biểu tại hội nghị Kết nối Ngân hàng-Doanh nghiệp khu vực Đồng bằng sông Cửu Long do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tổ chức ngày 13/5 tại Cần Thơ, ông Tiết Văn Thành, Thành viên HĐTV – Tổng giám đốc Agribank, cho biết Agribank đã thực hiện nhiều chính sách nhằm phát triển kinh tế xã hội khu vực này.
Ông Tiết Văn Thành cho biết: “Agribank là NHTM duy nhất do nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ đến nay có quy mô về tổng tài sản hơn 1 triệu tỷ đồng, mạng lưới 2.300 chi nhánh, phòng giao dịch, đội ngũ cán bộ hơn 40.000 người. Agribank luôn xác định hai mục tiêu quan trọng là: (1) lợi nhuận nộp ngân sách, đảm bảo tiền lương cho người lao động và thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị; (2) thực hiện các chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước, Chính phủ về đầu tư phát triển kinh tế – xã hội nói chung, phục vụ lĩnh vực nông nghiệp nông thôn nói riêng.
Ông Tiết Văn Thành – Thành viên HĐTV – Tổng GĐ Agribank.
Agribank hiện đang tích cực triển khai 7 chính sách tín dụng đối với “Tam nông ” và Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Tổng dư nợ đến 30/4/2017 đạt 817.607 tỷ đồng. Tỷ trọng dư nợ nông nghiệp nông thôn chiếm trên 70% dư nợ nền kinh tế. Trong năm 2016 và 4 tháng đầu năm 2017, Agribank đã thực hiện 12 đợt giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ các đối tượng khách hàng, triển khai 5 gói tín dụng ưu đãi lãi suất trên toàn quốc với lãi suất thấp hơn so với lãi suất cho vay thông thường từ 0,5-1,5%/năm.
Agribank đóng vai trò quan trọng chuyển tải tín dụng, chính sách ưu đãi của Chính phủ đến với người dân. Cụ thể, cho vay một số chương trình trọng điểm đến 30/4/2017: cho vay phục vụ chính sách tín dụng phát triển nông nghiệp nông thôn theo Nghị định 41 và 55/2015/NĐ-CP dư nợ đạt 557.455 tỷ đồng; cho vay theo chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp theo Quyết định 63, 65, 68/2013/QĐ -Ttg ngày 14/01/2013 dư nợ 4.186 tỷ đồng; cho vay ưu đãi lãi suất đối với các huyện nghèo theo Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP của Chính phủ và Thông tư 14/2009/TT-NHNN dư nợ 3.217 tỷ đồng; cho vay gia súc gia cầm theo công văn số 1149/Ttg-KTN ngày 08/8/2012 dư nợ 42.067 tỷ đồng; cho vay hỗ trợ nhà ở theo Thông tư số 11 của Ngân hàng Nhà nước dư nợ 2.378 tỷ đồng; cho vay theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP về một số chính sách phát triển thủy sản dư nợ 3.240 tỷ đồng (đóng mới, nâng cấp 461 tàu, tăng 360 tàu so với 31/12/2015); cho vay tái canh cà phê dư nợ 711 tỷ đồng; cho vay xây dựng nông thôn mới dư nợ 326.127 tỷ đồng với 2,6 triệu hộ sản xuất và cá nhân tại 8.940 xã.
Hội nghị kết nối Ngân hàng – Doanh nghiệp khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
Agribank đi đầu thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, NHNN về thúc đẩy tăng trưởng tín dụng xanh, quản lý rủi ro môi trường và xã hội trong hoạt động cấp tín dụng hỗ trợ tái cơ cấu ngành nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới và nền nông nghiệp hiện đại, an toàn phát triển bền vững.
Trước khi có Nghị quyết số 30/2017/NQ-CP về gói tín dụng có quy mô 100.000 tỷ đồng dành cho “phát triển nông nghiệp công nghệ cao” ngày 01/11/2016, Agribank đã triển khai chương trình tín dụng ưu đãi quy mô tối thiểu 50.000 tỷ đồng phục vụ sản xuất “Nông nghiệp sạch vì sức khỏe cộng đồng”, trong đó có rất nhiều đối tượng, các mô hình sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao và nông nghiệp sạch dư nợ đến nay đạt khoảng 16.000 tỷ đồng như mô hình trồng hoa ở Lâm Đồng, cánh đồng mẫu lớn ở Cần Thơ, chuỗi liên kết dọc cá tra hoa màu ở An Giang, đầu tư máy móc thiết bị cho nông nghiệp ở Tiền Giang, Long An, thanh long theo tiêu chuẩn VietGap (Bình Thuận 1.500 tỷ đồng)… Bước đầu các mô hình này đã mang lại hiệu quả thiết thực, tạo sự đồng thuận cao giữa các doanh nghiệp và người dân.
Vùng đồng bằng sông Cửu Long có tiềm năng lớn được mệnh danh là vựa lúa vựa trái cây của cả nước. Với nguồn lực của Ngân hàng thương mại nhà nước lớn nhất Việt Nam, Agribank sẽ tiếp tục đồng hành cùng doanh nghiệp, người dân mạnh dạn đầu tư góp phần cho công cuộc xoá đói giảm nghèo và phát triển kinh tế xã hội tại khu vực các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long và cả nước.
Agribank khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đã đạt được những kết quả đáng kể. Tính đến 30/4/2017, với tổng số 15 chi nhánh tại 13 tỉnh thành thuộc khu vực dư nợ đạt 118.000 tỷ đồng, là khu vực có dư nợ lớn nhất trong toàn quốc. Trong đó dư nợ nông nghiệp nông thôn chiếm tỷ trọng trên 80% tổng dư nợ khu vực. Dư nợ cho vay đối với khách hàng hộ sản xuất và cá nhân là 97.000 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 80% tổng dư nợ khu vực với tổng số khách hàng khoảng 829.000 khách hàng. Dư nợ cho vay khách hàng doanh nghiệp chiếm tỷ trọng 20% tổng dư nợ khu vực với dư nợ 21.000 tỷ đồng với 3.000 khách hàng .Một số chương trình cho vay phát triển nông nghiệp như: thủy sản đạt 18.000 tỷ đồng, lương thực đạt 11.000 tỷ đồng, chăn nuôi gia súc gia cầm đạt 26.000 tỷ đồng.
Với kết qủa đạt được, Agribank đã góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển kinh tế xã hội, an sinh xã hội của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và thúc đẩy kinh tế xã hội của cả nước.
Ý kiến ()