Chủ Nhật, 26/01/2025 13:17 (GMT +7)

APEC 2017: Việt Nam có thể hưởng lợi từ việc hội nhập vào dòng chảy tài chính quốc tế

Thứ 7, 21/10/2017 | 18:22:00 [GMT +7] A  A

Ngày 21/10, tại thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam, Bộ Tài chính phối hợp với Ngân hàng Thế giới (WB) tổ chức Hội nghị Bộ trưởng Tài chính APEC lần thứ 24 (FMM-24).

Bên lề FMM-24, phóng viên TTXVN đã có cuộc trao đổi với ông Angel Gurria, Tổng Thư ký Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) về tình hình kinh tế toàn cầu và vấn đề hợp tác tài chính giữa các nền kinh tế thành viên APEC.

Xin ông đánh giá về tình hình kinh tế toàn cầu hiện nay trong bối cảnh chủ nghĩa bảo hộ đang trỗi dậy ở một số nền kinh tế lớn?

Nếu phải dùng một cụm từ đơn lẻ để diễn tả tình hình kinh tế toàn cầu thì tôi sẽ nói: Tốt hơn, nhưng vẫn chưa đủ bởi năm 2016, tỷ lệ tăng trưởng của nền kinh tế toàn cầu là 3%, năm nay sẽ là 3,5% và chúng tôi tin rằng con số này sẽ tăng lên 3,7% trong năm 2018. Đây có thể được coi là một sự tiến bộ và điều đó cho thấy chúng ta đang đi đúng hướng. Tuy nhiên, khi nhìn vào mức tăng trưởng trung bình của kinh tế thế giới trong giai đoạn trước khủng hoảng tài chính là 4% thì có thể thấy rằng đã 10 năm trôi qua mà chúng ta vẫn không thể đạt được mức tăng trưởng như trước cuộc khủng hoảng này.

Lý do là chúng ta vẫn phải đối mặt với những tác động của cuộc khủng hoảng đối với tăng trưởng GDP, đối với thị trường việc làm và tình trạng thất nghiệp, trong khi sự bất bình đẳng đang gia tăng và những vấn đề rất nghiêm trọng về niềm tin dân chúng. Đây là những “di sản” của cuộc khủng hoảng mà chúng ta đang phải trả giá.

Mặt khác, chúng ta vừa mới thoát ra khỏi giai đoạn khủng hoảng nghiêm trọng nên khi nền kinh tế có tiến triển tích cực, mọi người cảm thấy một chút yên tâm, song mối quan tâm duy nhất của tôi đó là chúng ta không nên cảm thấy quá hài lòng và không nên nghĩ rằng mình đã làm xong phần việc mà cần tiếp tục cố gắng giải quyết những vấn đề còn tồn tại.

Bạn có nhắc đến vấn đề căng thẳng thương mại và chủ nghĩa bảo hộ, đây là vấn đề thực tế mà mọi nền kinh tế toàn cầu đều phải đối mặt. Lấy câu chuyện của nước Mỹ làm ví dụ khi Mỹ đã không phê chuẩn TPP hay cuộc đàm phán TTIP giữa Mỹ và châu Âu hiện nay tạm dừng.

Trong khi đó, hiện đang tồn tại xu hướng rà soát lại các văn kiện sẵn có, trong đó có thể kể đến hiệp định NAFTA và hiệp định thương mại tự do giữa Mỹ và Hàn Quốc. Việc tái đàm phán và làm mới các văn kiện luôn luôn là tốt. Song vấn đề cơ bản là dòng chảy tự do của hàng hóa và dịch vụ cũng như của các lợi thế cạnh tranh phải không được tạo ra từ những tiêu chuẩn thương mại bất hợp pháp và không công bằng…

Chúng ta không mong muốn bất kỳ công ty nào được hưởng lợi thế về thuế. Tất cả mọi người cần phải tuân theo những tiêu chuẩn và quy tắc an toàn. Vấn đề ở đây là nếu bạn tạo ra cái gọi là “sân chơi” thì phải để những người tham gia chơi cuộc chơi ấy. Chúng ta có thể thấy các cuộc đàm phán đang ngày một phức tạp hơn trong các cuộc họp quốc tế. Đây là hậu quả của việc những mục tiêu chung đã không còn quá phổ biến như trước và cho dù đây là một xu thế đáng phải quan tâm, chúng ta vẫn phải tiếp tục thúc đẩy mở cửa thương mại tự do.

Ông đánh giá như thế nào về các sáng kiến của Việt Nam đưa ra tại FMM-24, đặc biệt là sáng kiến thúc đẩy hợp tác tài chính giữa các nền kinh tế thành viên APEC trong lĩnh vực đầu tư cơ sở hạ tầng?

Đối với đầu tư cơ sở hạ tầng và tài trợ đầu tư cơ sở hạ tầng, việc các Chính phủ sử dụng nguồn tài chính để đầu tư vào lĩnh vực này và cách thức đầu tư chính là chìa khóa giúp thúc đẩy tăng trưởng trong tương lai bởi đầu tư là yếu tố quyết định mức tăng trưởng của ngày mai và lĩnh vực cơ sở vật chất có vai trò rất quan trọng trong việc tăng năng suất và nâng cao tính cạnh tranh. Do đó, cần sự chú trọng và nhấn mạnh đặc biệt vào việc phát triển cơ sở vật chất.

Bên cạnh đó, chúng ta không nên chỉ chú trọng vào phát triển cơ sở vật chất “hữu hình” như cầu đường, cao tốc, cầu cảng và sân bay mà phải tập trung vào những loại hình cơ sở vật chất “vô hình” như giáo dục, nâng cao kỹ năng và tạo một môi trường pháp lý tốt, linh hoạt hơn. Như vậy, có thể nói rằng khía cạnh cơ sở vật chất “hữu hình” và “vô hình” là quan trọng ngang nhau.

Ngoài việc tập trung vào phát triển cơ sở vật chất “vô hình”, sự trao đổi kinh nghiệm giữa các nền kinh tế cũng đang được tích cực triển khai, đi kèm với sự trao đổi về mặt chính sách trong vấn đề quản lý cũng như tài trợ đầu tư vào cơ sở vật chất, mang lại cho chúng ta rất nhiều “đất” để tạo ra sự hợp tác hữu ích.

Tôi cũng muốn nói thêm rằng, với sự ra đời của Trung tâm phát triển cơ sở vật chất tại Australia trong khuôn khổ Hội nghị G20, cùng với việc Australia cũng là thành viên của APEC thì những thông tin, kinh nghiệm và những kỹ năng được tích lũy tại Trung tâm phát triển này có thể mang lại lợi ích cho các nền kinh tế thành viên APEC.

Ông đánh giá thế nào về sự hội nhập của Việt Nam trong hệ thống tài chính thế giới?

Đối với Việt Nam, sự hội nhập vào dòng chảy tài chính quốc tế cũng như hệ thống luật lệ và lợi ích quốc tế là đáng hoan nghênh vì Việt Nam là một quốc gia quan trọng trong khu vực và Việt Nam có thể hưởng lợi từ việc hội nhập vào dòng chảy tài chính quốc tế; đồng thời có thể tự thúc đẩy dòng chảy này và tạo ra các dự án rất có chất lượng nhằm thu hút nguồn vốn đầu tư.

Ông nghĩ sao về sự chuẩn bị của Việt Nam trong Năm APEC 2017?

Công tác chuẩn bị của Việt Nam rất tốt và chuyên nghiệp… Chúng tôi (OECD) đang sử dụng tất cả những kinh nghiệm của mình và của những quốc gia khác để hỗ trợ Việt Nam và Ban Thư ký APEC. Và chúng tôi hy vọng sẽ có một Hội nghị thượng đỉnh rất thành công vào tháng 11 tới. Hiện nay, chúng tôi cũng sẵn sàng bắt tay vào làm việc với Papua New Guinea bởi đây sẽ nền kinh tế chủ nhà của APEC năm 2018.

Xin cảm ơn ông!

Phương Nga (TTXVN)

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu