Thứ Bảy, 25/01/2025 02:42 (GMT +7)

ASOSAI 14: Chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động kiểm toán

Thứ 6, 07/09/2018 | 09:14:00 [GMT +7] A  A

Quá trình hội nhập của nền kinh tế Việt Nam đang đặt ra nhiều thách thức, đặc biệt là sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ với trọng tâm là cuộc cách mạng công nghệ thông tin 4.0 và các vấn đề môi trường toàn cầu, đòi hỏi mỗi quốc gia cần có sự chủ động để tiếp nhận và thích ứng.

Đây cũng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm được Kiểm toán Nhà nước triển khai trong thời gian tới, đáp ứng yêu cầu hội nhập, phù hợp với các thông lệ quốc tế và điều kiện của Việt Nam.

Nỗ lực xây dựng hạ tầng công nghệ thông tin

Từ năm 2011, Kiểm toán Nhà nước đã bước đầu ứng dụng công nghệ thông tin vào các hoạt động của đơn vị và thực hiện một số cuộc kiểm toán. Lãnh đạo Kiểm toán Nhà nước kỳ vọng, việc xây dựng quy trình tạo lập, lưu trữ và khai thác hồ sơ kiểm toán điện tử không chỉ lưu trữ các văn bản trên giao diện điện tử mà còn tạo ra giá trị gia tăng trong hoạt động kiểm toán.

Thời gian qua, Kiểm toán Nhà nước đã xây dựng Phần mềm Quản lý tài chính (triển khai sử dụng trong toàn ngành từ cuối năm 2016); Phần mềm quản lý hồ sơ công việc; Phần mềm Quản lý nhân sự (đang hoàn thiện và sẽ đưa vào sử dụng từ đầu năm 2018). Cổng thông tin điện tử; Phần mềm Quản lý đào tạo, Phần mềm Quản lý về đối ngoại – hợp tác quốc tế dự kiến sẽ xây dựng và triển khai trong thời gian tới.

Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Đoàn Duy Tiên cho biết: Nhóm phần mềm hỗ trợ hoạt động kiểm toán là hệ thống phần mềm lớn, triển khai trong toàn ngành, gồm nhiều module giúp hỗ trợ các công tác khác nhau trong quá trình quản lý hoạt động kiểm toán. Các module đã được xây dựng bao gồm: Module quản lý, theo dõi nhật ký kiểm toán, nhật ký công tác; Module quản lý theo dõi thực hiện kiến nghị kiểm toán; số hóa toàn bộ hồ sơ liên quan đến hoạt động kiểm toán.

Nhóm các phần mềm hỗ trợ kỹ thuật kiểm toán hỗ trợ việc phân tích dữ liệu, trích rút, tổng hợp, chọn mẫu và thực hiện kỹ thuật kiểm toán trên các tệp dữ liệu để xác định những sai sót, những điểm bất thường, xu hướng của thông tin tài chính trên các lĩnh vực kiểm toán ngân sách, đầu tư xây dựng cơ bản…

Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Đoàn Duy Tiên khẳng định: Hệ thống công nghệ thông tin đã trở thành một phần tất yếu trong hoạt động của Kiểm toán Nhà nước, đặc biệt trong thời đại công nghiệp 4.0. Mọi hoạt động quan trọng như khảo sát, báo cáo, thống kê… đều được xử lý và lưu trữ trên hệ thống công nghệ thông tin. Việc xây dựng hệ thống công nghệ thông tin không chỉ thúc đẩy hoạt động nhanh, hiệu quả mà còn phải đảm bảo an ninh bảo mật.

Đây là một yếu tố vô cùng quan trọng để tạo ra một hạ tầng mạng an toàn, kết nối thông suốt, tạo tiền đề kết nối giữa các hệ thống giúp cho các đơn vị trong ngành có thể trao đổi được thông tin nhanh chóng và an toàn hơn, phục vụ tốt hơn cho công tác báo cáo thu thập thông tin.

Tăng cường tính chuyên nghiệp

Theo Tiến sỹ Lê Anh Vũ, Trưởng Phòng Kiểm toán Công nghệ thông tin, Trung tâm Tin học truyền đạt kiến thức về ứng dụng công nghệ thông tin trong Kiểm toán ngân sách địa phương (Kiểm toán Nhà nước), kiểm toán công nghệ thông tin là hoạt động kiểm tra và đánh giá các hệ thống công nghệ thông tin và hệ thống kiểm soát liên quan nhằm bảo đảm hoặc xác định các vi phạm về quy định pháp luật, tính hiệu quả, tính hiệu lực và tính kinh tế của hệ thống công nghệ thông tin và hệ thống kiểm soát liên quan đó.

Do đó, việc vận dụng kinh nghiệm quốc tế về phát triển kiểm toán công nghệ thông tin của Kiểm toán Nhà nước được thực hiện đồng bộ trên các lĩnh vực. Kết quả ban đầu cho thấy, việc ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động kiểm toán không chỉ góp phần giúp kiểm toán viên có công cụ tương thích với hệ thống công nghệ thông tin của đơn vị kiểm toán mà còn góp phần tăng cường tính chuyên nghiệp và hiệu quả hoạt động kiểm toán. Đây là tiền đề để Kiểm toán Nhà nước tiếp tục phát huy, xây dựng và ứng dụng các phần mềm, công cụ hỗ trợ kiểm toán trong hoạt động kiểm toán trong thời gian tới.

Bên cạnh đó, kiểm toán công nghệ thông tin đã lồng ghép trong một số cuộc kiểm toán đối với các đơn vị. Việc sử dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành được đánh giá rất hiệu quả. Trong các cuộc kiểm toán ngân sách địa phương tại Thành phố Đà Nẵng, tỉnh Quảng Nam và một số ngân hàng thương mại… việc sử dụng công nghệ thông tin đã giúp các kiểm toán viên dễ dàng hơn trong việc theo dõi nguồn kinh phí, tổng hợp số liệu, phát hiện các hành vi theo dõi và báo cáo các thông tin thiếu trung thực về quản lý đất đai, lập sổ bộ thu thuế đất phi nông nghiệp…

Bên cạnh việc nghiên cứu và ứng dụng kỹ thuật kiểm toán trong môi trường công nghệ thông tin, Kiểm toán Nhà nước đã thí điểm tổ chức một cuộc kiểm toán độc lập về “Kiểm toán hệ thống công nghệ thông tin liên quan đến lập báo cáo tài chính tại Ngân hàng Thương mại Cổ phần Vietcombank” nhằm đánh giá tính tuân thủ, hiệu quả và hiệu lực của hệ thống công nghệ thông tin liên; kiểm toán chuyên đề Hệ thống công nghệ thông tin liên quan đến công tác quản lý thu ngân sách tại Tổng cục Thuế và Tổng cục Hải quan…

Thông qua hoạt động kiểm toán, Kiểm toán Nhà nước đã chỉ ra một số hạn chế, bất cập trong quản trị công nghệ thông tin như: Không cập nhật các phần mềm đáp ứng các thay đổi về quản lý của Ngân hàng nhà nước; không tổ chức lưu giữ hệ thống hồ sơ phần mềm có hệ thống; quản lý mật khẩu thiếu chặt chẽ; thiếu kiểm soát nghiệp vụ bằng hệ thống công nghệ thông tin; không trả tiền lãi dưới 1.000 đồng cho các khoản vay không kỳ hạn…

Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Đoàn Duy Tiên cho biết: Mô hình kiểm toán hệ thống công nghệ thông tin mặc dù còn mới nhưng hứa hẹn là lĩnh vực Kiểm toán Nhà nước cần tập trung nghiên cứu, thực hiện trong thời gian tới khi công nghệ 4.0 được ứng dụng trong thực tiễn và môi trường công nghệ thông tin trở lên phổ biến tại các đơn vị được kiểm toán.

Kiểm toán các dự án công nghệ thông tin cũng là hoạt động đã được Kiểm toán Nhà nước triển khai thực hiện thực hiện trong nhiều năm qua. Các hoạt động kiểm toán này cơ bản thực hiện theo các quy trình kiểm toán đã được Kiểm toán Nhà nước ban hành, trong đó các kiểm toán viên có vận dụng các kinh nghiệm và kiến thức về công nghệ thông tin để xem xét đến các yếu tố đặc thù về công nghệ thông tin thuộc dự án.

Cơ hội cạnh tranh với thị trường quốc tế

Theo Chủ tịch Hiệp hội Kiểm toán viên hành nghề Việt Nam (VACPA) Phạm Sỹ Danh, kết quả khảo sát của đơn vị này cho thấy, các doanh nghiệp kế toán và kiểm toán đều cho rằng cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ tác động lớn đến họ. Đây là cơ hội để các công ty kế toán, kiểm toán nâng cao chất lượng dịch vụ, mở rộng thị trường sang các nước khác nhờ kết nối internet.

Cách mạng công nghiệp 4.0 còn tạo điều kiện cho việc khai thác dữ liệu và nâng cao độ tin cậy của việc lập báo cáo thông qua các hệ thống tự động kiểm toán, kế toán theo nhu cầu. Dự báo trong 3 – 10 năm tới, các phần mềm và hệ thống thông minh sẽ thay thế công việc thủ công, tự động hóa các quy trình phức tạp và đa diện, hỗ trợ các xu hướng dịch vụ thuê ngoài và tái sử dụng nội bộ một số dịch vụ khác.

Tuy nhiên, kết quả khảo sát của Hiệp hội Kiểm toán viên hành nghề Việt Nam cũng chỉ ra rằng, thách thức lớn nhất mà ngành kế toán, kiểm toán gặp phải là yêu cầu về lao động có trình độ công nghệ thông tin, sự đầu tư tài chính lớn, việc kiểm soát các dữ liệu khó hơn trước, trong khi sự cạnh tranh làm giảm thị phần diễn ra ngày càng gay gắt.

Để chủ động chuẩn bị tranh thủ tối đa các lợi thế cũng như hạn chế tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, Chủ tịch Hội kế toán và kiểm toán Việt Nam Đặng Văn Thanh cho rằng, ngành kế toán, kiểm toán cần tăng cường hơn nữa việc tuyên truyền và phổ biến kiến thức về tài chính, kế toán trong nền kinh tế thị trường, hội nhập, mở cửa và trong bối cảnh khởi phát của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0; đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực tài chính – ngân hàng, trong đó chú trọng công tác nguồn nhân lực công nghệ cao, tăng khả năng ứng dụng công nghệ thông tin; đồng thời, cần nhận dạng và đánh giá đầy đủ các rủi ro thông tin, dữ liệu kế toán khi kết nối internet…

Theo Đỗ Bình (TTXVN)

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu