Chủ Nhật, 12/01/2025 17:03 (GMT +7)

Bác sĩ trung tâm cấp cứu 115: Làm 9 năm, lương không tròn 7 triệu

Thứ 7, 12/05/2018 | 15:18:00 [GMT +7] A  A

Áp lực công việc, nguy cơ lây nhiễm bệnh cao, cộng với việc bị hành hung khiến nhân viên trung tâm cấp cứu 115 TP.HCM xin nghỉ việc hàng loạt. Bác sĩ làm 9 năm nhưng lương chưa khi nào cầm tròn 7 triệu.

Thu nhập thấp, 23 y bác sĩ nghỉ việc

Phó chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thị Thu cùng đoàn công tác vừa có buổi làm việc với Trung tâm cấp cứu 115 TP.HCM về hoạt động của đơn vị này.

Theo BS Nguyễn Duy Long – Giám đốc Trung tâm cấp cứu 115 TP.HCM, mạng lưới cấp cứu ngoại viện của TP hiện nay gồm trung tâm cấp cứu 115 và 24 trạm vệ tinh.

Kíp bác sĩ trung tâm cấp cứu 115 cấp cứu bệnh nhân ngay giữa đường

Trong 3 năm (2015, 2016, 2017), số cuộc gọi đến, số lượt xuất xe, bệnh nhân được cấp cứu đều tăng cao.

Cụ thể, số cuộc gọi đến tăng lần lượt là 8.787 lên 15.219 và 20.827 cuộc. Số lượt xuất xe tăng lần lượt là 6.194, 8.977 và 14.696 và số bệnh nhân được cấp cứu tăng lần lượt là 5.172, 7.567 và 12.176.

Bs Long cho biết, dù số ca cấp cứu tăng liên tục, nhưng cách thức điều hành, điều phối còn thủ công, không đáp ứng được nhu cầu cấp cứu, chuyển viện lớn của người dân TP.

Với các trạm cấp cứu vệ tinh, kíp trực ngoài việc chờ gọi cấp cứu ở hiện trường thì còn phải làm chuyên môn ở bệnh viện. Nhiều khi có người bị nạn cần cấp cứu thì kíp trực lại bận…hội chẩn chuyên môn, không đi được.

“30% trường hợp khi xe cấp cứu đến thì người đã tự đi tới bệnh viện do sốt ruột. Việc này gây tốn xăng, tốn ê-kíp cấp cứu” – BS Long nói.

Theo BS Long, việc cần lập trung tâm điều hành “thông minh” là rất cần thiết nhưng nguồn lực thì còn yếu, cần hỗ trợ từ các chuyên gia và chuyên gia công nghệ thông tin.

Cái khó nữa chính là thu nhập của cán bộ, nhân viên trung tâm cấp cứu 115 còn thấp so với áp lực, tính chất công việc, dẫn tới 23 người nghỉ việc trong năm 2017.

bác sĩ bị đánh,đánh bác sĩ
Áp lực công việc cao khiến nhiều nhân viên trung tâm cấp cứu 115 nghỉ việc

BS Long kiến nghị lãnh đạo TP quan tâm, hỗ trợ Trung tâm về cơ chế chính sách về thu nhập và trình trong kỳ họp HĐND sắp tới, đồng thời hỗ trợ kinh phí 5 tỷ đồng cho Trung tâm xây dựng và triển khai đề án trung tâm điều hành thông minh giai đoạn 1.

Ngoài ra cho tăng số xe cấp cứu từ 2 chiếc lên 3 chiếc đối với các trạm vệ tinh, để làm tốt việc đưa người bệnh cấp cứu kịp thời.

Đưa người bị nạn tới bệnh viện rồi…cầu nguyện

Theo Phòng Kế hoạch – tài chính Sở Y tế TP.HCM, thu nhập trung bình của nhân viên Trung tâm cấp cứu 115 TP.HCM là 6,5 triệu đồng. Ngoài lương có phụ cấp áp dụng với ê kíp trực tiếp ra hiện trường cấp cứu, hưởng thêm 60% lương, văn phòng 20%.

Tính ra thu nhập (năm 2017) của bác sĩ là 7,4 triệu một tháng bao gồm cả phụ cấp, thu nhập tăng thêm do trung tâm tiết kiệm; Ban giám đốc là 9,5 triệu; Trung cấp gồm y sĩ và điều dưỡng trung cấp trực tiếp ra hiện trường là 6,5 triệu; Lao động gồm lái xe là 7,2 triệu, bảo vệ hộ lý là 3,7 triệu.

bác sĩ bị đánh,đánh bác sĩ
BS Nguyễn Thắng Nhật Tuệ: làm 9 năm, chưa khi nào cầm tròn 7 triệu đồng

Sở đề xuất hỗ trợ Trung tâm như hỗ trợ cho nhân viên khu điều trị Phong – Bến Sắn và bệnh viện Nhân Ái, cụ thể bác sĩ được hỗ trợ thêm là 6 triệu, ban giám đốc 5,4 triệu, đại học cao đẳng 3,6 triệu, khối trung cấp và lao động không bằng cấp, nếu​ tham gia​ cấp cứu trực tiếp 2,6 triệu, gián tiếp​ (bảo vệ, lao công)​ là 2,4 triệu.

Tuy nhiên, bác sĩ Nguyễn Thắng Nhật Tuệ – Phó phòng điều hành trung tâm cấp cứu 115 TP.HCM cho biết, bản thân là bác sĩ chuyên khoa II, làm việc ở trung tâm từ năm 2009 đến nay nhưng chưa tháng nào nhận được tròn 7 triệu đồng.

BS Tuệ nói khó để so sánh công việc của nhân viên trung tâm cấp cứu 115 TP.HCM với y bác sĩ công tác ở khu điều trị phong Bến Sắn hay bệnh viện Nhân Ái (Điều trị bệnh nhân HIV/AIDS), nhưng nói về mức độ khó khăn, nguy hiểm thì chắc chắn công việc nhân viên cấp cứu nguy hiểm hơn.

Theo BS Tuệ, công việc ở khu điều trị phong Bến Sắn hay bệnh viện Nhân Ái, đối tượng điều trị đã được xác định, khi tiếp xúc với người bệnh thì nhân viên y tế sẽ trang bị bảo hộ.

Với nhân viên cấp cứu 115, khi gặp 1 ca bệnh ở ngoài đường, máu me khắp nơi, cứ phải cấp cứu ngay tức khắc, không cần biết người ta có bị bệnh truyền nhiễm gì hay không.

“Tôi từng cấp cứu 1 người bị tai nạn giao thông, phải đặt nội khí quản, khi vừa mở miệng ra người này ra thì máu ọc ra, bắn vào mặt kíp cấp cứu. Giả sử như người bệnh bị viêm gan B, lao phổi…thì nguy cơ lây bệnh rất cao. Sau khi đưa họ tới bệnh viện, chúng tôi chỉ cầu nguyện họ không mắc bệnh” – BS Tuệ chia sẻ.

Ngoài nguy cơ lây bệnh cao, nhân viên cấp cứu 115 còn phải đối mặt với việc có thể bị hành hung bởi người bị nạn thường liên quan tới rượu bia.

bác sĩ bị đánh,đánh bác sĩ
Bà Nguyễn Thị Thu – Phó chủ tịch UBND TP chia sẻ khó khăn với nhân viên trung tâm cấp cứu 115

Phó chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thị Thu nói rằng 3 đề xuất của Trung tâm cấp cứu 115 không phải là vấn đề quá lớn với TP và cơ bản đồng ý với các đề xuất này. Tuy nhiên Trung tâm cấp cứu và sở y tế cần chuẩn bị kỹ khi các sở ngành phản biện.

Theo bà Thu, về tăng thu nhập cần nghiên cứu kỹ, bởi lương không thể tăng thêm nên chỉ hỗ trợ, mà hỗ trợ thì căn cứ trên cơ sở nào để đề nghị tăng thêm và phải phương án nào, xin một cục tiền (như đề xuất) hay tăng theo hệ số nhân với hệ số lương.

Với tăng xe cứu thương cũng cần thiết, nhưng không đầu tư tràn lan, không phải nơi nào tham gia trạm vệ tinh cũng đầu tư xe. Có bệnh viện 2 xe chưa sử dụng hết công năng mà lại mua thêm xe mới thì lãng phí.

Phó chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thị Thu đánh giá cao tinh thần làm việc, cách xửu lý tình huống tốt của các y bác sĩ tại Trung tâm cấp cứu 115 khi làm việc trong điều kiện và môi trường thiếu nhiều thứ so với đồng nghiệp mà vẫn phải làm để cứu người, đưa về bệnh viện điều trị.

Với năng lực của mình, nhân viên cấp cứu 115 có thể xin việc nơi khác thu nhập cao hơn, điều kiện, môi trường làm việc tốt hơn, thuận lợi, nhưng vẫn gắng bám trụ với Trung tâm, TP xin biểu dương và trân trọng ghi nhận công lao này – bà Thu nói.

Theo bà Thu, khâu cấp cứu ban đầu người bệnh là rất quan trọng, nếu như không làm tốt việc cấp cứu thì bệnh nhân khó có thể được cứu sống.

Cháu ruột của tôi, 3 giờ khuya hôm nay đang ngủ bỗng tím tái, không thở được, gia đình sơ cứu, đưa đi bệnh viện nhưng không kịp – bà Thu chia sẻ.

Phó chủ tịch UBND TP yêu cầu trung tâm cấp cứu 115 chú ý quan tâm môi trường, điều kiện làm việc, sức khỏe của nhân viên

Theo Văn Đức/ Vietnamnet

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu