Thứ Sáu, 24/01/2025 16:34 (GMT +7)

Băn khoăn ‘sức khỏe’ và vốn mỏng của doanh nghiệp

Thứ 3, 21/08/2018 | 15:22:00 [GMT +7] A  A

Tại Diễn đàn chuyên đề Vốn – Tài chính được tổ chức sáng 21/8, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ đã đặt câu hỏi về sức khỏe các chủ thể trong thị trường và vốn mỏng của doanh nghiệp.

Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ. Ảnh: BTC.
Nhiều doanh nghiệp hoạt động chủ yếu dựa vào vay vốn ngân hàng

Theo Phó Thủ tướng, Chính phủ đang quan tâm đến những vấn đề liên quan đến phát triển doanh nghiệp và củng cố môi trường đầu tư. Chính phủ coi việc phát triển kinh tế vĩ mô là nhiệm vụ quan trọng, đặc biệt trong bối cảnh nền kinh tế thế giới đang biến động trong khi quy mô kinh tế Việt Nam còn nhỏ. Thời gian qua, Chính phủ đã tạo điều kiện để các thành phần kinh tế phát triển, cắt giảm khoảng 50% điều kiện kiểm tra chuyên ngành; tháo gỡ các vướng mắc khó khăn về thể chế để phát triển thị trường tài chính.

“Vấn đề tôi băn khoăn là sức khỏe của chủ thể này và vốn mỏng của các doanh nghiệp. Theo số liệu đến ngày 31/12/2016, có đến 53% hoạt động tại Việt Nam không có lợi nhuận. Vì sao hoạt động kinh doanh lại thiếu khả quan, phải chăng do tình trạng vốn mỏng? Nhiều doanh nghiệp hoạt động chủ yếu dựa vào vốn vay ngân hàng nên chi phí tài chính cao cộng thêm các chi phí khác khiến doanh nghiệp kinh doanh chưa tốt. Bên cạnh đó, vốn chủ sở hữu nhà nước còn hạn chế”, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ trăn trở.
Đề cập tới thị trường vốn – tài chính Việt Nam, ông Don Lam- Phó Trưởng ban Nghiên cứu Phát triển Kinh tế tư nhân cho hay: Sự phát triển thị trường vốn – tài chính Việt Nam thời gian qua có khởi sắc nhưng vẫn gặp những thách thức, do đó cần có đối thoại chính sách để hoạch định chiến lược vĩ mô.
“Một trong những vấn đề cần lưu tâm là huy động vốn nội địa, sử dụng hiệu quả cho những dự án đầu tư. Để làm được điều này cần nỗ lực các doanh nghiệp và Nhà nước. Làm thế nào sử dụng vốn dài hạn là một trong những mục tiêu mà chúng ta phải theo đuổi”, ông Don Lam nhấn mạnh.
Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Thị Hồng cũng khẳng định, thị trường tài chính trong những năm qua chưa phát triển đúng theo mong muốn nhưng thị trường chứng khoán và tiền tệ vẫn phát triển mạnh mẽ trong thời gian qua. Đây là kênh cung cấp vốn chủ yếu cho nền kinh tế.
Những năm gần đây, thị trường chứng khoán có nhiều điểm đột phá. Vốn hóa thị trường chứng khoán năm 2017 tăng trên 70%. Với thị trường tiền tệ, tính chung, tỷ lệ tín dụng trên GDP khoảng 130%. Quy mô thị trường trái phiếu doanh nghiệp thấp, chỉ chiếm 1,25%, trong khi quy mô trái phiếu Chính phủ vẫn chiếm chủ yếu. Đây đều là nguồn vốn ngắn hạn nên nhu cầu vốn vay trung dài hạn lớn, tạo áp lực cho các tổ chức tín dụng.
Với nguồn vốn hiện tại, tỷ trọng vốn ngắn hạn chiếm 70% GDP nhưng đã cải thiện nhiều so với 5-6 năm trước. Áp lực cho vay trung, dài hạn vẫn lớn và các tổ chức tín dụng phải đối mặt với rủi ro về chênh lệch kỳ hạn. Đối với trái phiếu chính phủ, các tổ chức tín dụng vẫn nắm hơn 80% lượng trái phiếu.
Theo Phó Thống đốc, những năm qua, NHNN đã chú trọng khắc phục những điểm này. Trong đó, ngân hàng chú trọng cân đối nguồn vốn để kiểm soát rủi ro, nhất là ở thị trường bất động sản, chứng khoán. Chính sách lãi suất cũng khuyến khích nguồn vốn dài hạn để cải thiện nguồn vốn dài hạn. Bên cạnh đó, chính sách lãi suất và chính sách tỷ giá được quan tâm để tránh những rủi ro về chênh lệch kỳ hạn.
Phát hành trái phiếu Chính phủ là bước đi phù hợp
Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng. Ảnh: BTC.
Tiếp lời Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng, chuyên gia từ Ngân hàng Thế giới, ông A. Alatabani nhận định, nhìn vào bối cảnh của Việt Nam, những năm vừa qua, ông Alatabani thấy nhiều giải pháp can thiệp đã tỏ ra hiệu quả. Tuy nhiên, các ngân hàng vẫn phải chịu những áp lực nhất định, nhất là với tăng trưởng về tín dụng, nguồn vốn dài hạn tương đối mỏng. “Nếu nhìn ra bên ngoài, chúng ta sẽ thấy có một số giải pháp khác như kỳ hạn của những gói vay, huy động 6 tháng, 9 tháng hay một năm. Đặc biệt, chúng ta phải làm thế nào huy động được nguồn vốn dài hơi hơn”, ông nói.
Nhắc đến cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang được Chính phủ quan tâm, đại diện Ngân hàng thế giới cho rằng, đây cũng là cơ hội tạo bước đột phá mới, cần đổi mới sáng tạo hơn nữa để khắc phục tình trạng vốn mỏng hay làm thế nào để chung tay giúp Việt Nam tự tin bước vào cuộc cách mạng công nghệ lần thứ 4, nhất là mở rộng nguồn vốn dài hạn; phát hành trái phiếu Chính phủ là bước đi đúng hướng, phù hợp với bối cảnh Việt Nam hiện tại.
Theo Minh Phương/Báo Tin tức

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu