Ngày 18/7, Văn phòng Trung ương Đảng có Công văn thông báo ý kiến chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về các công việc cần làm tiếp sau khi có Thông báo kết luận của Uỷ ban Kiểm tra Trung ương về ông Trịnh Xuân Thanh.
Một trong những nội dung Tổng Bí thư yêu cầu cần làm tiếp sau khi có Thông báo kết luận của Uỷ ban Kiểm tra Trung ương về ông Trịnh Xuân Thanh đó là: Ban cán sự đảng Bộ Nội vụ và Ban Thi đua – Khen thưởng Trung ương có sự tham gia của Uỷ ban Kiểm tra Trung ương tổ chức kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm và xử lý đối với các tập thể, cá nhân có khuyết điểm, vi phạm trong việc thẩm định, đề nghị cấp có thẩm quyền tặng thưởng Huân chương Lao động trong 2 năm liền (năm 2009 và 2010) và phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động cho Tổng Công ty cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam (năm 2011).
Liên quan đến nội dung này, trả lời báo chí sáng 21/7, ông Kiều Sơn – Vụ trưởng Vụ nghiên cứu tổng hợp – Ban Thi đua Khen thưởng Trung ương (Bộ Nội vụ) khẳng định, cơ quan này đã làm đúng quy trình và đến nay chưa phát hiện sai phạm trong quá trình thẩm định, đề xuất khen thưởng Tổng công ty cổ phần Xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC).
PV: Với những thành tích được cho là đặc biệt xuất sắc, trong 2 năm liên tiếp, 2009 và 2010, PVC đón hận Huân chương Lao động, đầu năm 2011, PVC tiếp tục nhận danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới. Việc phong tặng huân chương và danh hiệu này liệu có đúng luật không, thưa ông?
Ông Kiều Sơn: Sau khi có ý kiến chỉ đạo của Tổng Bí thư, Ban Thi đua –Khen thưởng Trung ương nghiêm túc thực hiện việc rà soát lại quá trình hồ sơ, thủ tục liên quan đến khen thưởng của PVC. Trước đó, chúng tôi cũng đã rà soát, báo cáo Ủy ban Kiểm tra Trung ương những tài liệu liên quan đến khen thưởng Tổng công ty cổ phần Xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC), thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam rồi.
Theo quy định của Luật khen thưởng thì có mấy nguyên tắc khen thưởng: thứ nhất là khen thưởng thành tích theo giai đoạn, có thể 5 năm, 10 năm, 20 năm; thứ hai là khen thưởng không phụ thuộc vào năm mà phụ thuộc vào thành tích đạt được như có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua, có thành tích xuất sắc đột xuất, có phát minh sáng chế, có công trình khoa học, có tác phẩm xuất sắc được cấp Nhà nước công nhận thì cũng được xem xét khen thưởng. Như vậy không chỉ có một giai đoạn nhất định được khen mà còn có tiêu chuẩn rộng như thế. Khi cá nhân, tập thể đạt được công trạng, thành tích đến đâu thì xem xét khen thưởng đến đó.
PV: Lý do tại sao PVC chỉ trong 2 năm được đón nhận 3 danh hiệu cao quý Huân chương Lao động hạng Nhì, Huân chương Lao động hạng Nhất và Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới, thưa ông?
Ông Kiều Sơn: Theo nguyên tắc và theo quy định, cơ sở sẽ phải chịu trách nhiệm về tính chính xác của thành tích đã được khai vào hồ sơ, sau đó chuyển lên Bộ trưởng Bộ Công thương xem xét và chịu trách nhiệm về tính chính xác của thành tích đó. Ban Thi đua-Khen thưởng Trung ương thẩm định hồ sơ sau khi đã được Bộ Công thương chuyển đến, xem xét đề nghị với Hội đồng Thi đua – Khen thưởng Trung ương trình Thủ tướng Chính phủ xem xét khen thưởng.
Thành tích được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới là quá trình phát triển của đơn vị và thành tích được ghi nhận trong 10 năm (từ năm 1999-2009). Đây là xem xét thành tích của tập thể, cán bộ, công chức, người lao động của PVC chứ không phải xem xét thành tích của cá nhân nào.
Đối với Huân chương Lao động hạng Nhì thì đó là thành tích của 5 năm (từ 2004-2009) và Huân chương Lao động hạng Nhất là Huân chương khen thưởng theo thành tích đặc biệt đột xuất. Đột xuất ở đây là PVC đã thi công nhiệm vụ trên giàn khoan ở Dung Quất ở ngoài biển, mặc dù rất khó khăn nhưng đã hoàn thành nhiệm vụ.
PV: Từ trước đến nay, có đơn vị nào trong một thời gian ngắn được nhận 3 danh hiệu cao quý như vậy không, thưa ông?
Ông Kiều Sơn: Nó rơi vào thời điểm để xét chứ không phải trong 1 năm xét thành tích. Đây là xét thành tích là của 5 năm, 10 năm trước đó. Như tôi đã nói, nguyên tắc là có thể có khen thưởng đột xuất. Ngoài ra hiện nay còn có phát hiện khen và quy trình của nó cũng đơn giản.
PV: Ông khẳng định việc thẩm định, xét duyệt hồ sơ, trình cấp có thẩm quyền trao tặng như vậy của Ban Thi đua Khen thưởng là đúng?
Ông Kiều Sơn: Đến giờ phút này, sau khi xem xét, nghiên cứu các quy trình hồ sơ thì chúng tôi thấy quy trình thủ tục hồ sơ và Ban Thi đua – Khen thưởng Trung ương thẩm định trên hồ sơ của Bộ Công thương gửi đến là đúng quy trình, đúng theo quy định của Luật.
PV: Ông có lý giải gì về nội dung Tổng Bí thư yêu cầu cần làm tiếp, đó là: Ban cán sự đảng Bộ Nội vụ và Ban Thi đua – Khen thưởng Trung ương có sự tham gia của Uỷ ban Kiểm tra Trung ương tổ chức kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm và xử lý đối với các tập thể, cá nhân có khuyết điểm, vi phạm trong việc thẩm định, đề nghị cấp có thẩm quyền tặng thưởng Huân chương Lao động trong 2 năm liền (năm 2009 và 2010) và phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động cho Tổng Công ty cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam (năm 2011)?
Ông Kiều Sơn: Như tôi đã nói, chúng tôi đã gửi toàn bộ báo cáo và các tài liệu liên quan lên Ủy ban Kiểm tra Trung ương. Hiện nay chúng tôi vẫn đang nghiêm túc rà soát lại những công đoạn và hồ sơ thủ tục, nếu có sai phạm chúng tôi xin rút kinh nghiệm. Nhưng hiện nay chúng tôi mới nhận được thông báo và đang bắt đầu triển khai theo chỉ đạo của Tổng Bí thư.
PV: Trong hai năm liên tiếp PVC được trao tặng các danh hiệu cao quý của Đảng, Nhà nước nhưng ngay sau đó lại bỗng dưng làm ăn thua lỗ, thất thoát hàng nghìn tỷ đồng, ngấp nghé bờ vực phá sản. Nhiều ý kiến cho rằng danh hiệu thi đua chưa đi liền với thành tích, ý kiến của ông như thế nào?
Ông Kiều Sơn: Đây là khen thường theo từng giai đoạn, thành tích đến đâu khen thưởng đến đó (từ 1999-2009). Chúng tôi thẩm định trên hồ sơ thành tích và đề nghị của Bộ Công thương và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam. Chúng tôi đã xin ý kiến các cơ quan liên quan của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Thanh tra Chính phủ và và phường Mễ Trì (Hà Nội) nơi đặt trụ sở của PVC với hai nội dung là việc chấp hành chế độ chính sách của Tổng công ty này, có vi phạm pháp luật không và có đơn thư khiếu nại tố cáo hay không.
Sau đó chúng tôi tổng hợp, đưa tất cả những cái đó lên cổng thông tin điện tử, sau đó gửi hồ sơ cho tất cả thành viên của hội đồng nghiên cứu, họp và tiến hành bỏ phiếu kín, phải đảm bảo hơn 90% trở lên, lúc đó mới trình Thủ tướng xem xét.
PV: Lãnh đạo nào của Bộ Công thương đã ký cả 3 văn bản chuyển hồ sơ đề nghị khen thưởng cho PVC trong giai đoạn đó?
Ông Kiều Sơn: Cái này thuộc phân công của Bộ Công thương, chúng tôi đang rà soát lại hồ sơ. Bộ trưởng Bộ Công thương khi đó là ông Vũ Huy Hoàng đồng thời là Chủ tịch Hội đồng Thi đua Khen thưởng của Bộ này. Ông Hoàng là người ký đề xuất khen thưởng danh hiệu Anh hùng lao động cho PVC.
PV: Xin cảm ơn ông./.
Ý kiến ()