Tất cả chuyên mục

Chiều ngày 28-9-2017, Đoàn công tác của Ban tuyên giáo Trung ương do Tiến sĩ Vũ Thị Kim Anh – Phó vụ trưởng, vụ các vấn đề xã hội Ban tuyên giáo Trung ương làm Trưởng đoàn đến huyện Cần Giuộc kiểm tra, giám sát việc thực hiện Chỉ thị số 20 của Bộ chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác chăm sóc, giáo dục, bảo vệ trẻ em và kết quả việc triển khai thực hiện Chỉ thị số 24 của Ban bí thư về phát triển Đông y Việt Nam và hội đông y Việt Nam trong tình hình mới; Phó Trưởng ban tuyên giáo tỉnh ủy – Hoàng Đình Cán; Phó bí thư huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện – Phạm Hồng Kim, tiếp và làm việc với Đoàn.
Về công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em, 5 năm qua huyện đã tập trung xây dựng các kế hoạch, ban hành các văn bản, đồng thời tích cực phối hợp các ban ngành, đoàn thể tăng cường công tác thông tin tuyên truyền, trong đó, tập trung tuyên truyền vào quyền của trẻ em, các hoạt động nhân đạo hỗ trợ trẻ em khuyết tật, các kiến thức chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ, cảnh báo các nguy cơ gây mất an toàn cho trẻ….Tỷ lệ trẻ em đi học đúng độ tuổi ngày càng tăng. Kết quả, từ năm 2012 đến năm 2016 có 17 xã, thị trấn đạt tiêu chuẩn phù hợp với trẻ em. Riêng các xã Phước Lý, Mỹ Lộc và thị trấn Cần Giuộc được Ủy ban nhân dân tỉnh tặng bằng khen. Ngoài ra, hàng năm các xã, thị trấn còn tổ chức tháng hành động vì trẻ em; chương trình bảo vệ trẻ em; đăng ký đạt chuẩn phù hợp với trẻ em; cấp thẻ Bảo hiểm y tế cho trẻ em dưới 6 tuổi, tổ chức đưa trẻ em đi khám sàng lọc bệnh; thăm hỏi và tặng quà cho trẻ em nhân dịp Tết Nguyên đán, Quốc tế thiếu nhi 1/6, Tháng hành động vì trẻ em, Tết Trung thu, trao học bổng…, từ nguồn đảm bảo xã hội của huyện và Quỹ bảo trợ trẻ em. Đối với trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn còn được chăm sóc, nuôi dưỡng và hưởng trợ cấp thường xuyên tại cộng đồng; Trẻ em dưới 6 tuổi được khám chữa bệnh miễn phí tại cơ sở y tế công lập,…
Riêng đối với việc thực hiện Chỉ thị số 24 của Ban Bí thư “Về phát triển nền Đông y Việt Nam và Hội Đông y Việt Nam trong tình hình mới”, toàn huyện hiện có 17 hội đông y xã, thị trấn với 277 hội viên. Những năm qua, Hội Đông y các cấp luôn đặt công tác chuyên môn là nhiệm vụ quan trọng góp phần cùng ngành y tế chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân, tỉ lệ khám chữa bệnh kết hợp giữa y học cổ truyền và y học hiện đại ngày càng tăng, đến nay các tổ, phòng chẩn trị đã khám, chữa bệnh cho hơn 1,4 triệu lượt người; điều trị cho gần 372.000 lượt người bằng phương pháp không dùng thuốc. Khám và điều trị miễn phí cho gần 160.000 lượt người, cấp trên 6.5 triệu thang thuốc, 29.800 kg thuốc thành phẩm với tổng số tiền gần 39 tỷ đồng. Ngoài làm tốt công tác chuyên môn huyện hội còn tích cực tham gia công tác xã hội từ thiện, đến nay hội đã vận động lương y, hội viên, mạnh thường quân đóng góp kinh phí xây dựng 19 căn nhà tình thương cho hộ nghèo, tặng 4.500 quyển tập cho học sinh nghèo hiếu học, 60 xe lăn cho người khuyết tật, 8.800 phần quà cho hộ nghèo, cận nghèo và người cao tuổi …với tổng số tiền trên 9 tỷ đồng.
Qua ý kiến đóng góp của Đoàn, kiến nghị, đề xuất của địa phương, Tiến sĩ Vũ Thị Kim Anh – Phó vụ trưởng, vụ các vấn đề xã hội Ban tuyên giáo Trung ương, mong muốn rằng thời gian tới địa phương tiếp tục duy trì tỷ lệ các xã, thị trấn phù hợp với trẻ em, ngăn chặn, đẩy lùi nguy cơ xâm hại, phân biệt đối xử, ngược đãi trẻ em, thực hiện tốt các quyền cơ bản của trẻ em. Riêng đối với lĩnh vực y học cổ truyền tiếp tục đẩy mạnh công tác nghiên cứu, đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, nâng cao y đức, tinh thần thái độ phục vụ cho đội ngũ làm công tác y học cổ truyền…
Kim Hoàng – Thành Phát
Ý kiến ()