Thứ Tư, 01/05/2024 21:53 (GMT +7)

Bánh tét Cô Bé – Trọn vị Tết phương Nam

Thứ 6, 27/01/2023 | 10:53:39 [GMT +7] A  A

Nếu miền Bắc có bánh chưng thì Tết phương Nam nhất định không thể thiếu bánh tét. Và cứ thế, dù đi qua bao mùa xuân, người “giữ lửa nghề” gói bánh tét lại tất bật phục vụ thị trường bằng những chiếc bánh thơm ngon, đậm đà hương vị.

Bánh tét Cô Bé – Trọn vị Tết phương Nam

Hơn 30 năm gắn bó với nghề truyền thống, cơ sở bánh tét Cô Bé, xã Tân Bình, huyện Tân Trụ duy trì khoảng 10 người làm việc thường xuyên. Nhưng bắt đầu từ 20 tháng chạp Âm lịch trở đi, xưởng bánh rôm rả hơn hẳn ngày thường bởi nhân công tăng lên 50 người, cao điểm có lúc 70 người, trong đó khoảng một nửa là người ngoài tỉnh.

Vào mùa Tết, cơ sở làm bánh tét trở nên nhộn nhịp, đông vui hơn

“Từ bà ngoại tới mẹ rồi bây giờ tới tôi, làm 3 đời rồi, tại nghề này truyền thống từ xưa giờ, thành ra tôi cũng nối nghề thêm của ông bà, làm cũng tạo công ăn việc làm cho bà con ở đây, quanh chòm xóm làm thì cũng có thu nhập cũng được thành ra tôi lưu giữ nghề bánh Tét này. Làm bánh này có nhiều người thích, người ta điện thoại khen cũng mừng, thành ra mình cũng thấy vui, muốn duy trì cái nghề làm hoài cho bà con”, bà Ngô Thị Ánh Hồng – chủ cơ sở bánh tét Cô Bé bộc bạch.

Nguyên liệu làm bánh Tét: đậu, thịt, gạo nếp... được lựa chọn kỹ càng
Bà Ngô Thị Ánh Hồng (bìa phải) giữ lửa nghề gói bánh qua 3 đời

Thợ làm bánh được hỗ trợ ăn, nghỉ tại chỗ để tăng cường gói xuyên đêm, làm việc xuyên Tết mới đủ lượng bánh theo đơn đặt hàng, ước tính khoảng 5.000 đòn mỗi ngày. Lúc cận Tết, trung bình một ngày, mỗi người làm việc khoảng 16 tiếng, tiền công mỗi tiếng 50 ngàn đồng, vì vậy, ai nấy đều nhiệt tình và phấn khởi.

Thợ gói bánh làm xuyên Tết

Bà Đinh Thị Thay, cũng ngụ tại xã Tân Bình cho biết: “Tôi mần hồi đó tới giờ gia đình tôi thấy cũng ổn định, hồi đó thì mình eo hẹp, cũng nhờ mình ở gần đây, nhờ cơ sở này mà gia đình mình sống cũng khỏe. Tôi thì tôi làm rành rồi, tôi chỉ lại mấy người em sau này cho nó làm, có công thức, mình chỉ người ta làm theo vậy cho nó ngon”.

Bà Đinh Thị Thay (bìa phải) có gần 15 năm gắn bó với nghề gói bánh tét

Do số lượng sản xuất ngày càng nhiều, nên một số công đoạn làm bánh được hiện đại hóa bằng các loại máy móc, nhằm tiết kiệm thời gian và công sức. Riêng “bí kíp” để bánh thơm ngon nằm ở khâu lựa chọn nguyên liệu, xào nếp trước khi gói cho thấm đều gia vị và hấp cách thủy bánh, sau đó để nguội rồi mới hút chân không.

Công đoạn xào nếp

Chị Cát Thị Hồng Yến – (Con gái bà Hồng) Cơ sở bánh tét Cô Bé chia sẻ thêm: “Để tạo ra đòn bánh tét thơm ngon và mọi người nhớ đến đòn bánh Tét nhà mình thì khâu trước tiên là chọn nếp, nếp phải thật dẻo, kế đến là nước cốt dừa, dừa mua ở Bến Tre nên rất béo so với trồng những khu vực khác, đặc biệt nhà sử dụng toàn lá dứa, không sử dụng phẩm màu, nhân nếu loại thập cẩm thì sử dụng toàn ba rọi cho nó mềm, thơm ngọa. Khách hàng ở những tỉnh khác, sau dịch, tình hình buôn bán vẫn tăng rất nhiều, không ảnh hưởng gì hết, số lượng đặt mỗi ngày một đông”.

Sản phẩm sau khi hút chân không để được khoảng 1 tuần và thuận tiện khi mang đi xa
Không chỉ được khách hàng trong nước ưa chuộng, bánh tét Cô Bé còn được xuất ngoại và là một trong những sản phẩm tiêu biểu của Long An.

Một mùa xuân nữa lại về, cùng với các làng nghề truyền thống phục vụ thị trường tết, gói bánh tét cũng là nét đẹp văn hóa, là món quà xuân đầy ý nghĩa để Tết phương Nam thêm trọn vị./.        

Thanh Thủy – Vĩnh Hưng

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu