Tất cả chuyên mục
Long An|
30°C
/ 27°C - 33°C
Thứ Sáu, 27/12/2024 12:42 (GMT +7)
Báo chí địa phương trong cuộc đua chuyển đổi số
Thứ 3, 14/06/2022 | 17:26:28 [GMT +7] A A
Sáng 11/6, tại Hà Nội, Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông (Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội) phối hợp với Tạp chí Thông tin và Truyền thông (Bộ Thông tin và Truyền thông) tổ chức Hội thảo khoa học cấp quốc gia “Chuyển đổi số báo chí Việt Nam - Những vấn đề lý luận và thực tiễn”.
Chuyển đổi số, từ lâu đã không còn là thuật ngữ xa lạ ở nhiều lĩnh vực, trong đó có báo chí. Suốt hơn 2 năm qua, Việt Nam đã có bước nhảy vọt về chuyển đổi số, ở các cấp độ, những lĩnh vực khác nhau. Báo chí Việt Nam hẳn nhiên không nằm ngoài guồng quay ấy, trong đó có báo chí địa phương.
Đại dịch thúc đẩy chuyển đổi số trong báo chí
Từ lâu, chúng ta đã nghe đến thuật ngữ chuyển đổi số, kinh tế số, xã hội số, chính phủ số. Nhưng, phải đến khi đại dịch Covid-19 hoành hành, công cuộc chuyển đổi số mới được thúc đẩy mạnh mẽ hơn. Những thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư nói riêng, cách mạng khoa học-công nghệ nói chung đã từng bước biến đổi thế giới một cách mạnh mẽ. Những câu chuyện chưa từng xảy ra trước đây đã xuất hiện và ngày càng quen thuộc với nhiều người.
Với các nhà báo cũng vậy, họ cũng phải làm quen, tiếp cận với sự phát triển của mạng thông tin toàn cầu Internet cùng các công nghệ số mới, như Internet vạn vật (IoT), trí tuệ nhân tạo (AI), điện toán đám mây (Cloud Computing), công nghệ chuỗi khối (Blockchain), dữ liệu lớn (Big Data), thực tế ảo (VR)… Những tiến bộ của khoa học-công nghệ được ứng dụng vào đời sống báo chí một cách rất đa dạng, sâu sắc. Các nhà báo Mỹ và phương Tây không xa lạ gì với việc người máy viết tin bài, báo chí đa nền tảng, báo chí di động, báo chí dữ liệu, với tòa soạn hội tụ, với việc quản lý, điều hành trên nền tảng số…
Đặc biệt, việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) được tiến hành khá sâu rộng, thiết thực trong sản xuất các sản phẩm báo chí, từ việc phát hiện đề tài, thu thập thông tin, thăm dò ý kiến công chúng đến sản xuất sản phẩm báo chí, hay việc thu phí đọc báo trực tuyến, phát hành, quảng cáo trên nền tảng số…
Theo nhiều nghiên cứu khác nhau, các xu hướng báo chí đã, đang và tiếp tục thịnh hành trên thế giới đều gắn với quá trình chuyển đổi số, như: Cá nhân hóa nội dung (Content personalization), đa nền tảng (multi-platform), báo chí di động (mobile media, mobile journalism), báo chí xã hội (social media, social journalism), báo chí dữ liệu (data journalism), báo chí sáng tạo (innovative journalism), siêu tác phẩm báo chí (digital mega-stories), file âm thanh trên mạng (podcast)…
Tòa soạn hội tụ, tòa soạn từ xa - xu thế mới
Cũng trong thời kỳ đại dịch Covid-19, việc quản lý, điều hành bộ máy, quy trình sản xuất sản phẩm báo chí được thực hiện trên nền tảng số. Tòa soạn từ xa phát huy ưu thế một cách vượt trội. Các phóng viên, biên tập viên, thậm chí cả lãnh đạo tòa soạn đều có thể làm việc tại nhà, với các phương tiện, thiết bị thông minh có kết nối Internet. Các phần mềm quản lý hành chính, quản lý tin bài, họp trực tuyến… được áp dụng triệt để, hiệu quả. Rất nhiều cơ quan báo chí không quản lý phóng viên theo giờ hành chính, theo sự có mặt của họ tại tòa soạn, mà theo sản phẩm, theo định mức, theo hạn định với những nội quy, quy chế rõ ràng.
Khi tòa soạn từ xa được vận hành, không ít người ban đầu có cảm giác lạ lẫm, thiếu hứng thú làm việc, khó tiếp cận với các công nghệ mới. Nhưng rồi, mọi việc đều được tiến hành khá trơn tru, hiệu quả. Kết quả là các tác phẩm báo chí, sản phẩm báo chí vẫn được sản xuất, xuất bản một cách đúng tiến độ, bảo đảm chất lượng. Các cuộc họp vẫn diễn ra thường xuyên, nội dung được quán triệt đầy đủ, việc triển khai công việc từ trị sự đến chuyên môn đều được nhịp nhàng, thông suốt, hiệu quả cao. Đó còn chưa kể đến việc vận hành tòa soạn từ xa sẽ tiết kiệm được nguồn kinh phí đáng kể, từ đi lại, điện nước đến văn phòng phẩm cho từng cá nhân cũng như cả tòa soạn. Thế nên, tòa soạn có thể vắng vẻ, không sáng đèn đều khắp các phòng làm việc nhưng không phải là tòa soạn “chết lâm sàng” mà vẫn vận hành rất hiệu quả, đồng thời còn góp phần thực hiện việc phòng, chống dịch bệnh một cách hợp lý.
Với những ưu thế được phát huy một cách rõ ràng trong đại dịch, nằm trong vòng quay chuyển động mạnh mẽ của kỷ nguyên xã hội số, kinh tế số, chính phủ số; chắc chắn chuyển đổi số trong báo chí sẽ còn diễn ra một cách mạnh mẽ, sâu rộng, với những bước tiến, sự đổi thay mới đầy hứng khởi, nhưng cũng không dễ dự báo. Điều ấy đòi hỏi mỗi nhà báo, mỗi cơ quan báo chí cũng như cả nền báo chí cần chủ động tâm thế sẵn sàng nhập cuộc hiệu quả.
Điều này càng có cơ sở hơn khi vào đầu năm 2021, Bộ Thông tin và Truyền thông đã công bố 3 nền tảng hỗ trợ cơ quan báo chí chuyển đổi số, giúp các cơ quan báo chí tiếp tục tồn tại, phát triển, thu hút công chúng. Trong đó, đáng chú ý là nền tảng quản lý tòa soạn điện tử, cho phép xây dựng tòa soạn hội tụ công nghệ hiện đại, đưa toàn bộ nghiệp vụ báo chí lên môi trường số, bao gồm các hoạt động quản lý quy trình xuất bản, hoạt động quản trị nội bộ của tòa soạn, hoạt động tương tác hai chiều với bạn đọc, đo lường số lượng bạn đọc, ứng dụng công nghệ, trình bày nội dung và sẵn sàng cho một mô hình thu phí của báo điện tử trong một tương lai gần.
Báo đảng địa phương chuyển mình mạnh mẽ
Ở Việt Nam, các mô hình tòa soạn hội tụ xuất hiện ngày càng nhiều, các cơ quan báo chí đa phương tiện, đa nền tảng, đa loại hình cũng được hình thành, hoạt động hiệu quả. Không ít cơ quan báo chí đã mạnh dạn đầu tư vào các sản phẩm báo chí chất lượng cao, báo chí dữ liệu, các hình thức thể hiện tác phẩm báo chí kết hợp nhiều loại hình báo chí khác nhau, những sản phẩm báo chí độc quyền được đầu tư “ra tấm ra món” về nhân lực, tài lực, vật lực.
Đáng chú ý là báo đảng địa phương cũng có nhiều sự thay đổi đáng ghi nhận trong việc chuyển đổi số. Đó là việc xây dựng, phát triển phiên bản báo mạng điện tử, tổ chức tòa soạn đa phương tiện, tòa soạn hội tụ với đầy đủ loại hình như báo in, báo mạng điện tử, truyền hình, phát thanh trên các hạ tầng kỹ thuật số. Tuy hội tụ các loại hình báo chí trong một tòa soạn báo đảng địa phương, nhưng việc tổ chức sản xuất, xuất bản thông tin không hề có sự trùng lắp, chồng chéo, lãng phí nguồn nhân lực, tài nguyên, thông tin. Điều này thể hiện rất rõ các nhánh thông tin của một cơ quan báo chí, thường là thông tin mang tính chất thông tấn, thời sự sẽ dành cho báo mạng điện tử; thông tin chuyên sâu, chuyên biệt, bày tỏ quan điểm, chính kiến, bình luận sẽ dành cho báo in, truyền hình trên báo mạng điện tử… Các phóng viên giờ đây không đơn thuần chỉ biết viết hoặc chụp ảnh, mà họ đã được đào tạo để trở thành những phóng viên đa năng, sử dụng thành thạo các loại hình báo chí khác nhau. Một nhà báo có thể vừa thu thập thông tin, vừa quay phim, chụp ảnh để độc lập sản xuất những sản phẩm báo chí đa phương tiện. Một biến chuyển dễ nhận thấy khác, đó là lực lượng đội ngũ nhà báo ngày càng được trẻ hóa, nhất là đội ngũ lãnh đạo các cơ quan báo đảng địa phương. Đó là điều cần thiết, quyết định đến công cuộc chuyển đổi số.
Không chỉ tích hợp về mặt nội dung, nhiều tòa soạn đã tích hợp cả nhân lực, cơ sở vật chất, hạ tầng thông tin từ báo in, báo mạng điện tử, sản xuất nội dung video, và sử dụng các trang mạng xã hội với những fanpage để quảng bá, chuyển tải thông tin một cách đa dạng, nhanh chóng tới công chúng. Nhiều cơ quan báo đảng địa phương còn thường xuyên tổ chức các buổi tường thuật trực tiếp (như các đài truyền hình) trên báo điện tử của mình nhân những sự kiện lớn của địa phương. Có thể dễ dàng kể ra những sự thay đổi tích cực của các tòa soạn báo đảng địa phương nổi bật trong thực hiện chuyển đổi số, như: Tuyên Quang, Hải Dương, Thái Bình, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Thừa Thiên Huế, Lâm Đồng, Đồng Nai, Bình Dương…
Việc số hóa quá trình sản xuất sản phẩm báo chí - truyền thông nói chung, một tác phẩm báo chí - truyền thông nói riêng được tiến hành mạnh mẽ. Điều này không chỉ giúp tiết kiệm nguồn nhân lực, vật lực (nhất là giấy in, mực in) mà còn thể hiện rõ trách nhiệm của từng người, từng bộ phận, cũng như cả dây chuyền sản xuất. Bên cạnh đó, từng khâu trong quy trình quản lý tòa soạn/ cơ quan báo chí cũng được số hóa, giúp việc chỉ đạo, điều hành, giám sát hiệu quả hơn. Số hóa trong quản lý báo chí giúp các cơ quan báo chí tận dụng triệt để các nguồn lực có sẵn, giám sát có hiệu quả các quá trình tác nghiệp của từng phóng viên cũng như cả tòa soạn.
Phải ghi nhận rằng các cơ quan báo chí ở Việt Nam đã mạnh dạn thực hiện chuyển đổi số trong lĩnh vực báo chí, ở nhiều khâu khác nhau, đạt được những kết quả ban đầu khá tích cực, nhất là về mặt tổ chức vận hành tòa soạn hội tụ, tòa soạn từ xa, nâng cao chất lượng quản lý cũng như các sản phẩm báo chí đến việc thu phí đọc báo mạng điện tử... Tuy nhiên, cũng phải thừa nhận rằng, việc chuyển đổi số của báo chí Việt Nam nhìn chung vẫn chưa được phổ biến, đồng bộ, công nghệ chưa cập nhật so với thế giới.
Điều này hoàn toàn dễ hiểu, bởi hai vấn đề mấu chốt là kinh phí (để đầu tư cơ sở vất chất, hạ tầng kỹ thuật, tổ chức thực hiện tòa soạn điện tử…) và nhân lực (không nhiều cơ quan báo chí có đội ngũ giỏi chuyên môn nghiệp vụ báo chí lại thành thạo công nghệ mới)… Từ những kết quả, tín hiệu tích cực của việc chuyển đổi số trong báo chí địa phương nói riêng, báo chí Việt Nam nói chung thời gian qua, có thể khẳng định rằng chuyển đổi số trong báo chí sẽ có những bước phát triển tiếp theo khá nhanh chóng, chắc chắc, cùng với sự phát triển của những thành tựu khoa học - công nghệ mới trong tương lai.
Mỗi cơ quan báo đảng địa phương đều được đầu tư nguồn nhân lực, vật lực nhiều hơn, tập trung hơn để có thể trở thành những kênh thông tin quan trọng, chiếm lĩnh nhiều mặt trận thông tin trên các nền tảng, loại hình khác nhau, để đáp ứng một cách nhanh nhất, chính xác, hiệu quả nhất thông tin về mọi mặt, tất cả các lĩnh vực xảy ra trên địa bàn địa phương mình và những vấn đề nổi bật, đáng quan tâm ở trong nước và trên thế giới. Chắc chắn chuyển đổi số sẽ giúp các cơ quan báo đảng địa phương đến gần với công chúng hơn.
Nhân Dân Online
Ý kiến ()