Thứ Bảy, 18/01/2025 13:42 (GMT +7)

Báo chí hạn chế thông tin ‘bỏng mắt, đắng lòng’

Thứ 6, 15/07/2016 | 00:00:00 [GMT +7] A  A

Trách nhiệm của báo chí là tìm kiếm sự thật, hạn chế gây hại bằng những thông tin ‘bỏng mắt, đắng lòng’, bất chất đạo lý.

Phát biểu tại hội nghị toàn quốc quán triệt thực hiện luật Báo chí 2016 hôm 14/7, Bộ trưởng TT&TT Trương Minh Tuấn đặc biệt nhấn mạnh tầm quan trọng của Quy định đạo đức người làm báo.

“Đây không phải là một khái nhiệm trừu tượng, khó hiểu đến nỗi không thể làm theo, nó hiển hiện trong đời sống hàng ngày. Nhà báo có thể chưa vi phạm pháp luật nhưng phải tự xem nên hay không nên làm. Mỗi cá nhân ứng xứ trên cơ sở đạo đức của xã hội, là lương tâm, trách nhiệm xã hội của nhà báo”, ông Trương Minh Tuấn nói.

Bộ trưởng TT&TT Trương Minh Tuấn: Mạng xã hội đang đặt ra nhiều thách thức đối với đạo đức nghề nghiệp của người làm báo. Ảnh: Xuân Lộc

Lằn ranh giao thoa đó không phải lúc nào cũng rõ ràng, chính người làm báo tự biết mình nên làm gì, không nên làm gì. Bản thân mỗi cơ quan báo chí, mỗi nhà báo có chuẩn mực đạo đức của riêng mình. Cao quý nhất của người làm báo VN là liêm chính, liêm khiết và chính trực”.

Hoan nghênh việc Hội Nhà báo VN tổ chức góp ý kiến xây dựng Quy định người làm báo VN mới, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn nhấn mạnh: “Mục đích là chống lại sự xung đột lợi ích và và chống lạm dụng, làm rõ trách nhiệm của báo chí là tìm kiếm sự thật, hạn chế gây hại bằng những thông tin ‘bỏng mắt, đắng lòng’, bất chấp đạo lý, đảm bảo báo chí hoạt động độc lập, có trách nhiệm giải trình và sửa sai”.

Bộ trưởng cũng cảnh báo sự phát triển của mạng xã hội đang đặt ra nhiều thách thức đối với đạo đức nghề nghiệp của người làm báo như hành nghề trung thực khách quan, tôn trọng quyên được biết sự thật của công chứng, xâm phạm quyền tự do cá nhân, xúc phạm uy tín tổ chức và nhân phẩm cá nhân, kiểm chứng nguồn tin, bảo vệ nguồn tin, vi phạm bản quyền, trao đổi tranh luận văn minh trên internet, phát ngôn của nhà báo trên mạng xã hội…

“Độc giả đang ngày càng mất niềm tin vào báo chí nói chung, báo mạng nói riêng”, Bộ trưởng TT&TT lưu ý.

Luật không chỉ cho người làm báo

Trao đổi thêm về những điểm mới của luật Báo chí 2016, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn nhấn mạnh: Luật được soạn ra không chỉ để cho những người làm báo mà cho mọi công dân VN.

Luật đã mở rộng phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng: Luật quy định về quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí của công dân, tổ chức và hoạt động báo chí…

Luật cũng có những điểm mới về cơ chế tài chính, kinh tế báo chí, nhà nước thay đổi từ cơ chế hỗ trợ ngân sách sang đặt hàng cơ quan báo chí, phù hợp tình hình ngân sách và đảm bảo sự tự chủ của cơ quan báo chí.

Cho biết Bộ TT&TT đang xin ý kiến để ban hành danh mục dịch vụ công sử dụng ngân sách, trong đó có báo chí, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn kêu gọi các cơ quan báo chí chủ động góp ý vào chính sách quan trọng này.

Theo Bộ trưởng, luật Báo chí 2016 cũng quy định rõ hơn về quyền sáng tạo tác phẩm báo chí, quyền được cung cấp thông tin, phản hồi, tiếp cận, khiếu nại trên báo chí.

“Có các quy định về việc nhà nước bảo hộ các quyền này nhưng cũng đảm bảo các quyền này không bị lợi dụng. Đặc biệt là sự khẳng định Nhà nước không kiểm duyệt báo chí trước khi đăng phát”, ông Trương Minh Tuấn nói.

Luật cũng quy định rõ hơn các quyền tác nghiệp của báo chí và nhà báo, về trách nhiệm cung cấp thông tin của các cơ quan nhà nước, trách nhiệm bảo vệ nguồn tin của nhà báo, các tiêu chuẩn cấp thẻ nhà báo…

Việc học tập và quán triệt luật Báo chí 2016 sẽ được tổ chức sâu rộng trên cả nước cho đến khi luật chính thức có hiệu lực vào ngày 1/1/2017./.

Chung Hoàng/Vietnamnet.vn

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu