Tất cả chuyên mục

Hơn nửa đời người dày công sưu tập, thầy giáo Đỗ Tiến Dũng – giáo viên Trường Tiểu học Long Trạch 2, huyện Cần Đước đã sở hữu một “bảo tàng” riêng, với hàng ngàn món đồ cổ vừa độc đáo, vừa có giá trị văn hóa và lịch sử.
Thầy giáo Đỗ Tiến Dũng bên chiếc máy hát xưa và bộ sưu tập cổ vật của mình
Nhìn bên ngoài căn nhà của thầy Dũng rất bình thường như bao căn nhà khác, thế nhưng bên trong đang chứa đựng cả một thế giới đồ cổ. Đó là những món đồ có tuổi đời hàng chục đến hàng trăm năm khiến bất kỳ ai một lần ghé thăm đều không thể rời mắt. Ban đầu, mục đích của thầy là sưu tầm đồ cổ để phục vụ việc dạy học, giúp bài giảng thêm sinh động. Rồi dần dà hành trình săn tìm đồ cổ – hiện thân của 1 thời kì văn hóa, phảng phất, chứa đựng cả hồn xưa của một lớp người đã qua – cứ lớn dần lên trở thành niềm đam mê trong thầy lúc nào không hay. Thầy Dũng chia sẻ ‘Năm 1983 tôi ra trường đi dạy học. Lúc ấy, học liệu của học sinh rất ít nên tôi nảy sinh ý tưởng đi sưu tầm nhiều thứ như: cây nỏ, đồng tiền, cối giã trầu,…để phục vụ việc dạy. Nhờ đó, tiết dạy sôi động hẳn lên, học sinh rất thích thú vì được trực tiếp sờ, thấy hiện vật và cứ thế mà nó thôi thúc tôi đi sưu tầm hoài.’
Hũ đựng và khuôn đúc tiền xu cổ
Những quan tiền cổ
Để thỏa niềm đam mê, thầy phải chắt chiu dành dụm tiền từ việc dạy học mới có kinh phí rong ruổi khắp các vùng miền sưu tầm đồ cổ. Thầy Dũng cho biết ‘hành trình sưu tầm đồ cổ tốn kém dữ lắm, có đôi khi 1 tờ vé số cũ, hay 1 tờ tiền cũ thôi mà tôi phải dùng nửa tháng lương mới có thể mua được. Chiếc xe đạp này cũng vậy, tôi mất gần cả tháng lương mới sở hữu được nó. Nhờ tiết kiệm tiền lương đầu tư cho đồ cổ mà giờ đây những món đồ ở 3 vùng miền tôi đều có hết.’
Chiếc xe đạp Thăng Long, có cả biển số và “cạc vẹt” trị giá tương đương 1 tháng lương
Chính việc hay đi tìm những thứ thuộc về ký ức kia, mà nhiều người thường gọi thầy với cái tên nghe đầy văn chương: Người đi nhặt quá khứ. Từ những đồ vật không thể thiếu trong sinh hoạt hằng ngày như: đèn măng xông, cối giã trầu, máy hát băng cối, chiếc radio ấp chiếc lược,…đến các nông cụ đồng bằng, dụng cụ săn bắt vùng miền núi; rồi đến 2 bộ sưu tập đặc biệt nhất là vé số xưa và tiền xưa đều được thầy dày công tìm kiếm, sưu tầm. Mỗi bộ sưu tập theo chuyên đề được thầy Dũng bố trí một góc riêng theo từng mạch câu chuyện, kèm theo những thông tin được ghi chép cẩn thận.
Các nông cụ
Các loại vũ khí cổ
Ngoài niềm đam mê, thầy Dũng còn nhận được sự ủng hộ rất lớn từ gia đình trong việc sưu tầm đồ cổ. Cô nguyễn Thị Thu Hằng (vợ thầy Dũng) bộc bạch ‘gia đình tôi đều làm giáo viên nên tôi hiểu được giá trị của các món đồ cổ đem đến trong từng tiết học và cả giá trị văn hóa của chúng. Vì vậy, mỗi tháng 2 vợ chồng lại cùng nhau rong ruổi khắp nơi để tìm đồ cổ. Cũng gian nan, cực khổ lắm nhưng vì quá đam mê rồi nên cứ quyết chí đi. Đi để sưu tầm, để tìm lại những giá trị văn hóa xưa cũ để chia sẻ cho mọi người và truyền dạy lại cho học sinh.’
Bộ sưu tập tiền qua các thời kỳ
Sau hơn 37 năm miệt mài sưu tầm, đến nay, gia tài của thầy Dũng có hàng ngàn món đồ cổ. Đối với nhiều người, có thể những món đồ này chẳng đáng giá hay không có tác dụng gì nhưng đối với thầy nó trở thành những “báu vật” vô giá, ví như một mạch nước ngầm trong dòng chảy văn hóa dân tộc. Và, điều quý giá nhất với thầy Dũng chính là cái tâm và chữ nhẫn trên hành trình khám phá những đặc trưng về văn hóa của các thời kỳ lịch sử chứ không phải là những món đồ dang sở hữu./.
Duy Huệ – Võ Huy
Ý kiến ()