Tất cả chuyên mục
Long An|
30°C
/ 27°C - 33°C
Thứ Tư, 01/01/2025 23:35 (GMT +7)
Bảo tồn, gìn giữ di sản Cao nguyên đá Đồng Văn
Thứ 5, 18/05/2017 | 10:24:00 [GMT +7] A A
Cao nguyên đá Đồng Văn (tỉnh Hà Giang) là vùng núi đá cao trên 1.000 mét, bao gồm 4 huyện Đồng Văn, Mèo Vạc, Yên Minh và Quản Bạ với diện tích trên 2.300 km2.
Một góc cao nguyên đá Đồng Văn. Ảnh: TTXVN |
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang Trần Đức Quý cho biết: Để bảo tồn, gìn giữ những di tích, di sản trên Công viên Địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn nói chung và phát huy bản sắc văn hóa độc đáo của đồng bào dân tộc thiểu số ở Cao nguyên đá Đồng Văn nói riêng, UBND tỉnh Hà Giang chỉ đạo các ngành chức năng, các địa phương trong tỉnh đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng về Công viên Địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn.
Thời gian qua, UBND 4 huyện vùng cao núi đá phía Bắc thuộc Công viên Địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn gồm Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn và Mèo Vạc đã phối hợp với các sở, ban, ngành tổ chức nhiều lớp tập huấn kiến thức, tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng về Công viên Địa chất toàn cầu.
Là một trong những địa phương có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, huyện Mèo Vạc hiện có trên 80% đồng bào dân tộc Mông. Để bà con các dân tộc nâng cao nhận thức về Công viên Địa chất, UBND huyện Mèo Vạc đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn đẩy mạnh công tác tuyên truyền sâu rộng tại các thôn, bản vùng sâu, xa, biên giới thông qua hình ảnh trực quan, tờ rơi về bảo vệ di sản địa chất bằng tiếng phổ thông và tiếng Mông dễ hiểu với người dân địa phương. Qua đó, bà con dân tộc thiểu số nắm chắc, hiểu hơn về các giá trị di sản trên công viên địa chất.
Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Giang cũng biên soạn nhiều tài liệu, ấn phẩm tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức cộng đồng về Công viên Địa chất toàn cầu cho khách du lịch; phối hợp với UBND các huyện và các đơn vị trực thuộc ngành Văn hóa xây dựng các tiểu phẩm tuyên truyền về Công viên Địa chất theo hình thức sân khấu hóa, kết hợp với các phương tiện thông tin lưu động để tuyên truyền sâu rộng đến mọi tầng lớp nhân dân.
Sở Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo Phòng Giáo dục các huyện đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức cộng đồng cho cán bộ, giáo viên và học sinh; tổ chức nhiều hội thi bằng hình thức sân khấu hóa cho học sinh tìm hiểu về chủ đề bảo tồn và phát huy các giá trị di sản trên địa bàn Công viên Địa chất.
Cao nguyên đá Đồng Văn, tỉnh Hà Giang là Công viên Địa chất toàn cầu duy nhất tại Việt Nam và thứ hai của Đông Nam Á được Hội đồng tư vấn Mạng lưới Công viên Địa chất toàn cầu (UNESCO) chính thức công nhận là Công viên Địa chất toàn cầu từ năm 2010. Với hàng loạt di sản về địa chất, địa tầng, kiến trúc cùng những nét văn hóa độc đáo của đồng bào vùng cao, Cao nguyên đá Đồng Văn mang một vẻ đẹp hoang sơ, đầy bí ẩn.
Ngày 7/2/2013, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch tổng thể bảo tồn tôn tạo và phát huy giá trị Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn giai đoạn 2012 -2020, tầm nhìn 2030.
Cao nguyên đá Đồng Văn, tỉnh Hà Giang là vùng núi đá cao trên 1.000m bao gồm 4 huyện Đồng Văn, Mèo Vạc, Yên Minh và Quản Bạ với diện tích trên 2.300 km2.
Nơi đây hiện có hơn 25 vạn dân sinh sống với 17 dân tộc thiểu số, chiếm 90% dân số cả vùng, trong đó dân tộc Mông chiếm 70% số dân, lên đến hơn 230.000 người và là vùng tập trung người Mông đông nhất cả nước.
Theo đánh giá của Hội đồng tư vấn Mạng lưới Công viên Địa chất toàn cầu (UNESCO), Cao nguyên đá Đồng Văn là một trong những vùng đá vôi đặc biệt, chứa đựng những dấu ấn tiêu biểu về lịch sử phát triển vỏ quả đất, những hiện tượng tự nhiên, cảnh quan đặc sắc về thẩm mỹ, tính đa dạng sinh học cao và truyền thống văn hóa lâu đời của cộng đồng cư dân bản địa.
Cao nguyên đá Đồng Văn hội tụ một loạt hệ thống di sản độc đáo và rất nhiều di sản kiến trúc, lịch sử, văn hóa – danh thắng như Phố cổ Đồng Văn, di tích Nhà Vương, đèo Mã Pì Lèng…
Cao nguyên đá Đồng Văn là một trong những điểm đến yêu thích của đông đảo du khách trong và ngoài nước.
Minh Tâm (TTXVN)
Ý kiến ()