Chủ Nhật, 22/12/2024 23:44 (GMT +7)

Bảo tồn hoa văn cổ trên thổ cẩm Chăm

Thứ 7, 31/10/2015 | 00:00:00 [GMT +7] A  A

Ninh Thuận là nơi tập trung đông đảo đồng bào Chăm sinh sống, người dân vẫn lưu giữ nghề dệt truyền thống, tập trung chủ yếu ở làng dệt Mỹ Nghiệp. Nơi đây hiện có 684 hộ gia đình, những năm qua được Nhà nước hỗ trợ nên đã khuyến khích được hơn 95% hộ gia đình khôi phục lại nghề dệt.

Do sự phát triển lớn mạnh của các cơ sở dệt máy, do sản xuất nhanh, giá thành rẻ, mẫu mã đa dạng nên sản phẩm dệt tay truyền thống của đồng bào có nguy cơ bị mai một. Từ 95% gia đình làm nghề này, nay giảm xuống chỉ còn 60% và chỉ sản xuất cầm chừng, số lượng ít, phục vụ chủ yếu cho lễ nghi tôn giáo địa phương.

Truyền dạy kỹ thuật tạo hình hoa văn cổ cho các học viên.

Các hoa văn cổ dường như rơi vào quên lãng và chỉ có một số người lớn tuổi còn duy trì. Nhiều hoa văn đang đứng trước nguy cơ thất truyền cùng với sự ra đi của các nghệ nhân cao tuổi. Một nhóm nhà nghiên cứu trẻ về văn hóa Chăm đã kết hợp với Ban quản lý làng nghề Mỹ Nghiệp lập dự án “Khôi phục và Bảo tồn nghề dệt tay” và đặc biệt chú trọng đến hoa văn cổ đã thất truyền trong làng nghề này.

Tháng 4/2015 ông Quảng Đại Tuyên – Nghiên cứu sinh tiến sĩ tại Đại học Queensland, Australia đã phối hợp cùng với các ông Thập Hồng Luyện – Trung tâm nghiên cứu văn hóa Chăm Ninh Thuận, ông Phú Tuệ Năng, Hàm Minh Thiệu – Chủ nhiệm HTX làng nghề dệt thổ cẩm Mỹ Nghiệp, ông Hải Văn Thành – (Phòng di sản) Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Ninh Thuận cùng các nghệ nhân và đông đảo bà con làng dệt Mỹ Nghiệp lên kế hoạch triển khai dự án khôi phục và bảo tồn hoa văn cổ thổ cẩm Chăm. Dự án được hỗ trợ bởi Trung tâm trao đổi giáo dục với Việt Nam (CEEVN) và Quỹ hỗ trợ bảo tồn nghệ thuật văn hóa dân gian.

Khôi phục hoa văn cổ.

Các thành viên trong nhóm đã thống kê và sưu tầm các hoa văn đã và đang bị thất truyền trong các làng Chăm. Các hoa văn cổ sưu tầm được lưu trữ bằng hiện vật và số hóa.

Hoa văn trong thổ cẩm Chăm bên cạnh giá trị thẩm mỹ, còn phản chiếu đặc trưng sinh hoạt văn hóa, xã hội và tôn giáo Chăm. Thông qua hoa văn có thể phân biệt giới tính, giai cấp, địa vị xã hội, chức sắc tôn giáo… Chính vì vậy, hoa văn là nhân tố quan trọng cần phải giữ gìn và bảo tồn trong nghề dệt cổ truyền của đồng bào Chăm.

Hoa văn cổ trên sản phẩm thổ cẩm của đồng bào Chăm.

Dự án đã sưu tầm được 95 hoa văn. Theo nghiên cứu phân loại ban đầu, nhóm dự án đã chia ra thành 3 nhóm hoa văn khác nhau:

Nhóm hoa văn truyền thống phổ biến mà các nghệ nhân vẫn còn đang lưu giữ và sản xuất được.

Nhóm hoa văn truyền thống mà các nghệ nhân vẫn còn lưu giữ nhưng cấu trúc hoa văn phức tạp nên không sản xuất thường xuyên mà chỉ có những ngày lễ lớn như: Tang ma, cưới hỏi, lễ thăng chức của chức sắc… các nghệ nhân lớn tuổi phải rất kỳ công mới có thể khôi phục lại được.

Nhóm hoa văn cổ truyền đã thất lạc, hiện nay chỉ có các chức sắc và các nhà sưu tầm đang giữ lại một vài mẫu.

Sau quá trình sưu tầm, dự án bắt đầu khôi phục các hoa văn qua đôi tay vàng của các nghệ nhân. Hiện nay số nghệ nhân thạo nghề dệt ở Mỹ Nghiệp còn rất ít, do đó việc khôi phục gặp rất nhiều khó khăn. Thời gian đầu dự án chỉ khôi phục được khoảng 22 hoa văn cổ tiêu biểu, với sự nỗ lực và tâm huyết rất lớn của các nghệ nhân cao tuổi như cụ Vạn Thị Thảng, Vạn Thị Cư, Hán Thị Hai và Đạt Thị Nam. Số còn lại được các nghệ nhân cùng nhau nghiên cứu, bàn bạc các kỹ thuật tạo hình sao cho hợp lý, cân đối và nhanh nhất có thể.

Sản phẩm dệt truyền thống của làng nghề Mỹ Nghiệp.

Song song với quá trình khôi phục, nhóm dự án còn tổ chức mở lớp truyền dạy cách tạo hình hoa văn cổ cho 12 học viên được lựa chọn với tiêu chí tay nghề thuần thục và có niềm đam mê với nghề dệt truyền thống. Lớp học được thực hiện trong sáu tháng và đến nay cơ bản các học viên đã có thể tạo hình được những hoa văn cổ tiêu biểu trong đời sống hàng ngày đã bị thất truyền trước đây.

Việc truyền dạy kỹ thuật tạo hình hoa văn góp phần thiết thực vào việc bảo tồn và lưu truyền nghề dệt thổ cẩm của đồng bào Chăm hiện nay và cho các thế hệ kế tiếp trong tương lai.
Trong số các học viên đang theo học, có những hướng dẫn viên du lịch không chuyên cho làng nghề. Họ giới thiệu cho du khách về vẻ đẹp của thổ cẩm Chăm, dệt tại chỗ cho các du khách có nhu cầu viết tên hay một từ ngữ nào đó yêu thích bằng hoa văn để làm vật lưu niệm.

Bài và ảnh: Văn Trãi (TTXVN)

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu