Tất cả chuyên mục
Long An|
30°C
/ 27°C - 33°C
Chủ Nhật, 19/01/2025 19:33 (GMT +7)
Bảo vệ tương lai các loài động vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm
Thứ 5, 16/02/2017 | 16:40:00 [GMT +7] A A
Tiếp nối các thành tựu trong công tác đấu tranh với tội phạm liên quan đến động vật hoang dã, trong 10 năm qua Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả to lớn trong công tác đấu tranh với tình trạng săn bắt và buôn bán trái phép động vật hoang dã.
Nhiều nỗ lực được triển khai nhằm tăng cường thể chế, chính sách về bảo vệ động vật hoang dã, khắc phục những lỗ hổng pháp luật, nâng cao khung hình phạt cũng như cải tiến khung pháp lý nói chung để bảo vệ các loài nguy cấp, quý, hiếm của Việt Nam.
Năng lực thực thi pháp luật của các cơ quan chức năng cũng đã được nâng cao rất nhiều so với 10 năm trước. Đặc biệt, tính minh bạch và tinh thần trách nhiệm trong khi thi hành nhiệm vụ của các cán bộ và cơ quan thực thi pháp luật đã được gia tăng đáng kể.
Theo khảo sát của Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV) tại 6 đô thị lớn, vi phạm về tiêu thụ động vật hoang dã trái phép đã giảm gần 1/3. Số lượng gấu bị nuôi nhốt tại các trang trại đã giảm 72%.
Để bảo vệ động vật hoang dã, cần ngăn chặn và xử lý nghiêm các đường dây
buôn bán trái phép loài động vật, hoang dã nguy cấp, quý hiếm khác.
Trong 3 năm trở lại đây, số vụ vi phạm được người dân chủ động thông báo qua đường dây nóng miễn phí về bảo vệ động vật hoang dã của ENV 1800-1522 đã tăng gấp đôi. Cùng với đó, lực lượng Hải quan, Công an đã triệt phá thành công nhiều vụ vận chuyển trái phép ngà voi, vảy tê tê tại các cảng và khu vực biên giới.
Các cơ quan chức năng địa phương cũng đã khám phá và bắt giữ nhiều vụ buôn bán trái phép động vật hoang dã với quy mô lớn. Tuy vậy, vẫn còn nhiều trở ngại lớn phía trước thách thức công tác bảo vệ tương lai của các loài động vật hoang dã như hổ, tê giác, tê tê và những loài nguy cấp, quý hiếm khác.
Do đó, ENV cho rằng nên tập trung nỗ lực giải quyết một số vấn đề cấp bách hiện nay để bảo vệ tương lai của các loài động vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm. Trước hết cần quyết tâm điều tra, bắt giữ và khởi tố những đối tượng cầm đầu các đường dây buôn bán trái phép sừng tê giác, ngà voi, hổ, rùa biển và nhiều loài động vật hoang dã nguy cấp, quý hiếm khác. Cùng với đó là tích cực điều tra triệt phá các mạng lưới tội phạm lớn và trừng phạt thích đáng những kẻ đứng đầu các đường dây này, theo đúng tinh thần Chỉ thị số 28 ngày 12/9/2016 của Thủ tướng Chính phủ.
Tuy vậy, qua rà soát khoảng 200 bản án xét xử những vụ việc vi phạm nghiêm trọng về động vật hoang dã trong giai đoạn 2010 – 2016 cho thấy, không một kẻ cầm đầu mạng lưới buôn bán động vật hoang dã lớn nào bị bắt giữ hay khởi tố trong 6 năm qua.
Trong vụ việc liên quan đến một đối tượng quan trọng trong đường dây buôn bán rùa biển bị bắt giữ với tang vật 10 tấn rùa biển, các cơ quan chức năng đã không thể chứng minh hành vi phạm tội của đối tượng cũng như điều tra đường dây đối tượng vận hành. Với quy trình tố tụng kéo dài, phải sau 2 năm từ khi vụ việc được phát hiện, một đối tượng mới bị khởi tố.
Bộ luật Hình sự hiện hành và sửa đổi đều có các khung hình phạt nghiêm khắc cho các tội phạm về động vật hoang dã. Nhưng kết quả rà soát các bản án xét xử những vụ án về động vật hoang dã trong 6 năm qua hầu hết các đối tượng vi phạm chỉ bị xử lý tù treo, hoặc cải tạo không giam giữ. Tội phạm về động vật hoang dã không bị xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật, khiến những kẻ phạm tội tin rằng buôn bán động vật hoang dã là một hoạt động “an toàn” với lợi nhuận cao và rủi ro thấp.
Việc tiêu hủy 2,1 tấn ngà voi vừa qua là một khởi đầu đáng khích lệ. Việt Nam cần tiếp tục tiêu hủy ngà voi và sừng tê giác thường xuyên ngay sau khi các vụ án khép lại. Các cơ quan chức năng chỉ nên giữ lại một số lượng nhỏ mẫu vật ngà voi và sừng tê giác, với mục đích phân tích ADN (truy xuất nguồn gốc ngà voi/sừng tê giác) và phục vụ hoạt động giáo dục – đào tạo cũng như nghiên cứu khoa học.
Theo đó, ENV kêu gọi các cơ quan chức năng có thẩm quyền tiêu hủy toàn bộ khoảng 46 tấn ngà voi cùng hàng trăm cân sừng tê giác hiện đang được lưu giữ tại các kho dự trữ của Nhà nước. Đóng cửa các cơ sở nuôi nhốt hổ tư nhân và nghiêm cấm mọi hình thức cho hổ sinh sản tại các vườn thú, cũng như những cơ sở khác nếu hoạt động sinh sản không có giá trị, hoặc không phục vụ mục tiêu bảo tồn, giáo dục và nghiên cứu khoa học.
Từ năm 2007, số lượng hổ nuôi nhốt tại các vườn thú và cơ sở tư nhân đã tăng từ 55 cá thể lên hơn 189 cá thể, là tình trạng cho hổ sinh sản thiếu kiểm soát. Trong khi các cá thể hổ được gây nuôi không hề có giá trị trong việc bảo tồn loài động vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm này.
Trong 14 cơ sở tư nhân nuôi nhốt hổ, một số cơ sở thậm chí còn “buôn lậu” hổ con trên thị trường buôn bán bất hợp pháp. Theo đó, ngăn chặn sự phát triển của các cơ sở gây nuôi hổ là vô cùng quan trọng để giải quyết tình trạng buôn bán hổ trái phép. Đây cũng là hoạt động cần thiết để tránh vấn nạn tương tự như đã xảy ra đối với gấu năm 2005, khi Nhà nước đã buộc phải đăng ký quản lý đối với hàng nghìn cá thể gấu có nguồn gốc bất hợp pháp được nuôi nhốt tại các cơ sở tư nhân.
Việt Nam có thể xem xét đưa ra cam kết đóng cửa các cơ sở nuôi nhốt hổ của quốc gia, tương tự như quyết tâm được Chính phủ Lào khẳng định tại Hội nghị các quốc gia thành viên CITES vào tháng 9/2016.
Ý kiến ()