Thứ Hai, 13/01/2025 12:41 (GMT +7)

Bất cập về chính sách làm giảm hiệu quả chống hàng giả, hàng lậu

Thứ 6, 08/07/2016 | 00:00:00 [GMT +7] A  A

 

Lực lượng Quản lý thị trường Hà Nội đang kiểm tra An toàn thực phẩm tại La Phù. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam )

Tại Hội nghị trực tuyến triển khai công tác Quản lý thị trường 6 tháng cuối năm do Bộ Công Thương tổ chức chiều nay (8/7), đại diện Chi Cục Quản lý thị trường Hà Nội cho biết, nhiều bất cập trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật ​đã làm giảm hiệu quả chống hàng giả, hàng lậu.

Chia sẻ những ​tồn tại trong lĩnh vực an toàn thực phẩm, ông Chu Xuân Kiên, Chi Cục trưởng Chi Cục Quản lý thị trường Hà Nội ​dẫn chứng ​một số văn bản được các cơ quan chức năng ban hành chỉ trong một thời gian ngắn đã phải sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ như Nghị định 185/NĐ-CP.

Chính vì sự bất cập này mà hiện nay, nhiều doanh nghiệp thực phẩm ghi lên nhãn hàng hoá của mình các số liệu khác xa với thực tế sản xuất mà không có một chế tài nào để kiểm soát.

Trong khi đó, việc phối hợp giữa các cơ quan chức năng trong công tác quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm chưa được chặt chẽ, thiếu các thông tin cảnh báo, dẫn đến việc kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính bị động, chưa kịp thời.

Do vậy, ông Chu Xuân Kiên đề xuất Chính phủ và Quốc hội sớm ban hành và sửa đổi, bổ sung để hoàn thiện hơn nữa hệ thống văn bản quy phạm pháp luật đặc biệt đảm bảo sự thống nhất trong xử lý vi phạm hành chính ​đối với hoạt động chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại.

Trong đó cần xem xét sửa đổi, bổ sung các Nghị định xử phạt vi phạm hành chính như: Nghị định số 97/2013/NĐ-CP, Nghị định số 163/2013/NĐ-CP, Nghị định số 59/2006/NĐ-CP theo hướng phù hợp với các quy định ​tại Luật xử lý vi phạm hành chính, Luật doanh nghiệp, Luật đầu tư,…

Cùng quan điểm trên, ông Nguyễn Thanh Bình, Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) cũng ​thừa nhận hệ thống văn bản, chính sách pháp luật về đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả chưa đồng bộ, còn chồng chéo dẫn đến cách hiểu và cách áp dụng khác nhau, trong khi việc sửa đổi, bổ sung chậm, chưa tháo gỡ được khó khăn cho các lực lượng trong thực thi nhiệm vụ.

Chính vì vậy lãnh đạo Cục Quản lý thị trường cũng kiến nghị Bộ Công Thương sớm đề xuất với Chính phủ ban hành Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Quản lý thị trường… ​làm cơ sở pháp lý giúp nâng cao hiệu quả công tác chống buôn lậu, hàng giả.

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, pháp lệnh Quản lý thị trường và Nghị định hướng dẫn sẽ được ban hành từ 1/9 tới đây là cơ sở quan trọng để lực lượng Quản lý thị trường có thể đấu tranh hiệu quả với nạn hàng giả, hàng lậu.

Theo ​đó, pháp lệnh sẽ thống nhất lực lượng quản lý thị trường trên cả nước và giúp sự chỉ đạo cũng như công tác đấu tranh với hàng giả, hàng lậu ​cụ thể hơn, đáp ứng với yêu cầu của thực tiễn.

“Lực lượng Quản lý thị trường cần đánh giá và tổng kết những công việc đã triển khai trong thời gian qua, trong đó cần phân tích và làm rõ các hành vi và thủ đoạn của các đối tượng sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng lậu và vi phạm sở hữu trí tuệ để có giải pháp đấu tranh lâu dài với ​vấn nạn này,” Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nói.

Sáu tháng đầu năm 2016, lực lượng Quản lý thị trường cả nước kiểm tra 87.093 vụ; phát hiện, xử lý 54.424 vụ vi phạm với tổng số thu nộp ngân sách 329,86 tỷ đồng (tăng 96,34 tỷ đồng, tăng 41,2 % so với cùng kỳ năm 2015).

Trong đó, xử lý 9.624 vụ vi phạm an toàn thực phẩm với trị giá hàng vi phạm 73,6 tỷ đồng; xử phạt vi phạm hành chính 23,1 tỷ đồng.

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu