Thứ Hai, 13/01/2025 18:39 (GMT +7)

Bầu cử ĐBQH, HĐND: Không ai có quyền tác động đến quá trình kiểm phiếu

Thứ 6, 20/05/2016 | 00:00:00 [GMT +7] A  A

Trong các hội nghị tiếp xúc cử tri vận động bầu cử vừa qua, nhiều ứng cử viên ĐBQH đã đưa ra chương trình hành động và đã có nhiều lời hứa với cử tri. Một trong những việc cử tri quan tâm nhất là làm sao giám sát lời hứa của các ứng cử viên sau khi trúng cử.

Ứng cử viên ĐBQH hứa với dân là dân nhớ

Ông Nguyễn Thiện Nhân, Uỷ viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội đồng Bầu cử Quốc gia cho rằng, các ứng cử viên phải thể hiện trách nhiệm của mình khi được bầu là ĐBQH, đại biểu HĐND. Trong các cuộc tiếp xúc đó, họ cũng trình bày chương trình hành động của mình, có nhiều nội dung là lời hứa. Hứa với dân là dân nhớ. Chương trình hành động của các ứng cử viên không những được phát biểu ở từng quận, huyện, xã phường mà còn được truyền hình, phát thanh nên tất cả các cử tri đều biết ứng cử viên đó nói như thế nào.

bau cu dbqh, hdnd: khong ai co quyen tac dong den qua trinh kiem phieu hinh 0
Ông Nguyễn Thiện Nhân, Uỷ viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam

Theo ông Nguyễn Thiện Nhân, những lời hứa phản ánh quyết tâm cụ thể của các ứng cử viên ở thời điểm họ ra ứng cử. MTTQ cũng như người dân trong quá trình tổ chức việc tiếp xúc đều ghi nhận các lời hứa đó, quan trọng hơn là sau khi được bầu, mỗi lần tiếp xúc sau đó, các đại biểu phải có liên hệ lại, báo cáo người dân xem họ đã làm thế nào. Đặc biệt, với điều kiện mới phát sinh thì phải nhận nhiệm vụ mới chứ không phải chỉ làm theo lời hứa lúc đó.

“Lần này, MTTQ và Thường vụ Quốc hội cũng xác định yêu cầu trong thời gian sau bầu cử phải hình thành hoạt động giám sát lời hứa hệ thống hơn, tốt hơn thời gian qua”- ông Nguyễn Thiện Nhân nói.

Bầu được người xứng đáng nhất đại diện cho mình là mong mỏi của bất cứ cử tri nào. Theo quy định, với những người được bầu nếu sau này không đủ tiêu chuẩn, chất lượng thì cử tri có quyền bãi nhiệm. Tuy nhiên, đến nay pháp luật chưa quy định việc này. Vậy nhiệm kỳ tới MTTQ Việt Nam có kiến nghị Thường vụ Quốc hội quy định rõ để dân có thể thực hiện quyền này?

Về vấn đề này, ông Nguyễn Thiện Nhân cho biết, trong nhiệm kỳ vừa qua, Quốc hội đã bãi nhiệm một số ĐBQH không đáp ứng tiêu chuẩn sau khi được bầu. Ở quy mô toàn quốc đã có quy trình làm việc này. Ở địa phương cần xem lại nhu cầu thực hiện như thế nào, nếu cần MTTQ sẽ xem xét kiến nghị có quy định hướng dẫn việc này. “Một người được nhân dân phát hiện không đủ tiêu chuẩn là ĐBQH hoặc HĐND thì phải đưa ra khỏi Quốc hội và HĐND ngay”.

Không ai có quyền tác động, làm ảnh hưởng đến quá trình kiểm phiếu

Để đảm bảo khách quan trung thực quá trình bầu cử cũng như kiểm phiếu, ông Nguyễn Thiện Nhân cho biết, Luật bầu cử quy định công đoạn kiểm phiếu cũng có thể được giám sát, ngoài việc giám sát là chính bản thân các tổ chức liên quan đến bầu cử như MTTQ, các tổ chức thành viên thì cá nhân người ứng cử, thân nhân của họ, cơ quan giới thiệu người ứng cử và phóng viên báo chí cũng có thể giám sát việc kiểm phiếu.

Theo ông Nguyễn Thiện Nhân, kiểm phiếu là quá trình rất nhạy cảm, làm sao kiểm phải đúng, không ai có quyền tác động, làm ảnh hưởng đến quá trình kiểm phiếu. MTTQ đã kiến nghị với Hội đồng bầu cử quốc gia có hướng dẫn chi tiết. Nói một cách khái quát, giám sát là đảm bảo đúng người muốn giám sát, giám sát đúng thẩm quyền.

“Nếu anh là ứng cử viên thì anh có tên ở đấy, người ta biết nhưng người đó thay mặt ứng cử viên thì phải có ủy quyền. Như vậy phải có văn bản ứng cử viên ủy quyền cho mình giám sát; cơ quan giới thiệu ứng cử viên thì cũng cần giám sát và cũng cần có giấy ủy quyền. Các phóng viên giám sát quá trình kiểm phiếu phải có thẻ nhà báo còn thời hạn và giấy giới thiệu của cơ quan báo chí cử tới”- ông Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh.

Quy định chung là việc giám sát không làm ảnh hưởng đến quá trình bỏ phiếu và kiểm phiếu nếu phát hiện có sai phạm thì có lập biên bản tại chỗ. Đây là nội dung mới chắc chắn sẽ góp phần đảm bảo dân chủ khách quan theo đúng pháp luật của lần bầu cử này.

Ngày bầu cử sắp tới, trên cương vị là Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, ông Nguyễn Thiện Nhân đã có thông điệp gì gửi đến cử tri cả nước. Ông Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, theo luật pháp, công dân có rất nhiều quyền và nghĩa vụ. Liên quan đến bầu cử, người dân có 3 quyền đặc biệt cũng là 3 nghĩa vụ.

Thứ nhất là mỗi công dân tự chăm cho mình, chăm lo cuộc sống của mình, gia đình mình để có cuộc sống ngày càng tốt hơn.

Thứ hai, đóng góp vào sự phát triển toàn diện của đất nước, trong đó có nhiệm vụ góp phần bảo vệ tổ quốc.

Thứ ba, góp phần bầu ra những người lãnh đạo đất nước đi lên.

Như vậy 3 quyền này rất là thiêng liêng. Một gia đình muốn hạnh phúc thì cha mẹ phải có trách nhiệm chăm lo cho gia đình. Một đất nước muốn phát triển tốt thì người lãnh đạo phải có tâm huyết, có trí tuệ, tài năng để lo cho đất nước, lo cho quê hương.

“Bầu cử là một sự kiện rất quan trọng trong đời sống chính trị xã hội của đất nước và mỗi địa phương vì nó thể hiện quyền lực của nhân dân trong việc chọn ra người đại diện mình lãnh đạo địa phương và đất nước. Đi bầu cử chính là thực hiện quyền rất thiêng liêng chọn người thay thế mình lãnh đạo đất nước, lãnh đạo địa phương. Rất mong bà con quan tâm để sáng suốt lựa chọn đúng người sẽ đại diện cho mình để tham gia cơ quan quyền lực cao nhất của đất nước và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021”- ông Nguyễn Thiện Nhân nói./.

Minh Hòa/VOV.VN

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu