Chủ Nhật, 22/12/2024 11:54 (GMT +7)

30 năm gắn bó với nghề may thủ công

Thứ 6, 05/04/2024 | 11:54:41 [GMT +7] A  A

Trong nhịp sống hiện đại với sức ép cạnh tranh của các sản phẩm may công nghiệp, nhiều năm trở lại đây, rất nhiều thợ may thủ công đã bỏ nghề. Các tiệm may vì thế mà cũng đã thưa dần. Tuy vậy, ngoài những nhà may lớn thì hiện nay trên địa bàn huyện Bến Lức vẫn còn các thợ may gia đình lâu năm còn gắn bó với nghề.

Cẩn thận đo, đánh dấu từng nét phấn trên xấp vải áo dài

Cẩn thận đo, đánh dấu từng nét phấn trên xấp vải áo dài, cô Trương Hồng Hạnh, khu phố 2, thị trấn Bến Lức chia sẻ cô đã có khoảng 30 năm gắn bó với chiếc máy may. Khi tốt nghiệp sư phạm ra trường, đi dạy được mấy năm vì lý do sức khỏe mà cô không thể tiếp tục theo nghề. Cô đã học nghề may và gắn bó với nghề từ năm 1994 cho đến nay.

Ngày ấy, nghề may là nghề được nhiều người lựa chọn và cũng nghề nuôi sống được nhiều gia đình. Có thể là duyên nên khi học, cô cũng cảm thấy yêu thích nghề này, vì vậy mà đã gắn bó lâu dài. Những năm tháng nghề may phát triển, với tay nghề cùa mình cô Hạnh được nhiều người tin tưởng, lựa chọn đến đặt may đồ rất đông từ đồ bộ, đồ kiểu, complet, đầm, váy cho đến áo dài. Và đó có thể nói, đây là khoảng thời gian hoàng kim của những người thợ may nói chung, cô Hạnh nói riêng.

Yêu nghề và cũng yêu tà áo dài truyền thống, cô Hạnh tỉ mẩn, cẩn thận trong từng đường kim mũi chỉ

Khoảng 6 - 7 năm nay, khi mà ngành may công nghiệp phát triển mạnh, cũng như các thợ may khác, lượng khách hàng của cô Hạnh cũng giảm đi. Hiện nay cô chỉ nhận may đồ chủ yếu từ khách quen và chỉ nhận may áo dài, bởi áo dài là trang phục mà bản thân cô thích nhất. Mỗi khi nhìn thấy khách hàng mặc trên người bộ áo dài cho chính tay mình cắt, may, cô Hạnh thấy vui và càng chăm chút hơn trong từng đường kéo, đường kim, mũi chỉ.

Những bộ áo dài cô Hạnh may được khách hàng rất tin tưởng tìm đến đặt may

Cô Trương Hồng Hạnh, khu phố 2, thị trấn Bến Lức nói: “Ngày nay, khi các trang phục may sẵn ngày càng phát triển với đa dạng mẫu mã, giá cả phải chăng nên nhiều người sẽ lựa chọn các trang phục may sẵn. Dù vậy, tôi vẫn gắn bó với nghề, bởi thứ nhất từ sự yêu thích nghề này, thứ hai đây cũng là nghề đã nuôi sống được gia đình mình. Trong giai đoạn khó khăn, từ nghề may mà bản thân có thêm thu nhập cho gia đình, giúp chúng tôi ổn định cuộc sống, nuôi dạy các con ăn học thành tài. Hơn nữa tôi vẫn thích bộ áo dài truyền thống, nên tôi vẫn mong muốn bản thân mình gắn bó với nghề để có thể cắt, may những bộ áo dài đẹp nhất có thể. Với tôi áo dài là biểu tượng cho sự thanh khiết, tinh tế, mang đậm bản sắc dân tộc, do đó tự tay may những bộ áo dài và khi nhìn thấy mọi người mặc những bộ áo dài mình may thì bản thân tôi thấy vui, có một cảm xúc rất khó nói.

Với cô Hạnh, tiếp tục gắn bó với nghề không chỉ đơn thuần là “mến tay, mến chân” với công việc đo, vẽ, cắt, tỉ mẩn đừng từng kim, mũi chỉ mà còn là một cách để góp phần làm đẹp thêm hình ảnh người phụ nữ Việt Nam trong bộ trang phục áo dài truyền thống./.

Kim Phượng

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu