Tất cả chuyên mục
![](https://media.la34.com.vn/upload/files/logo/Logo_LA34.svg.png)
Tuần qua, trên địa bàn huyện Bến lức số ca mắc bệnh tay chân miệng đã tăng 52% so với trung bình 4 tuần trước. Từ nay đến tháng 11 là thời điểm bệnh tay chân miệng vào mùa cao điểm với tốc độ lây lan nhanh chóng. Vì vậy, các bậc phụ huynh cần nâng cao kiến thức trong việc phòng, chống bệnh.
Tay chân miệng là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, phụ huynh nên chủ động bảo vệ trẻ
Theo thống kê của Trung tâm Y tế huyện Bến Lức, trong tuần cuối của tháng 9/2018, trên địa bàn huyện có 15 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng phải nhập viện điều trị. Số ca mắc tay chân miệng đã tăng 52% so với cùng kỳ của 4 tuần trước. Cộng dồn từ đầu năm 2018 đến nay, số ca mắc bệnh tay chân miệng là trên 120 trường hợp. Tại khoa nhi, hiện trung bình mỗi ngày tiếp nhận điều trị cho khoảng 5 đến 10 trường hợp bị tay chân miệng. Đa số bệnh nhi mắc tay chân miệng giai đoạn nhẹ, hiện đều được chỉ định điều trị ngoại trú..
Trung tâm Y tế huyện khuyến cáo phụ huynh và người trông giữ trẻ: thường xuyên rửa sạch bàn tay của trẻ và người chăm sóc bằng xà phòng dưới vòi nước sạch; vệ sinh hàng ngày và khử khuẩn hàng tuần đồ chơi, vật dụng và nơi sinh hoạt của trẻ; đảm bảo cho trẻ ăn chín, uống chín, tuyệt đối không cho trẻ ăn chung muỗng, chén…Để hạn chế nguy cơ cho cộng đồng, trẻ mắc bệnh cần được phát hiện sớm để cách ly, điều trị. Trẻ mắc bệnh tuyệt đối không nên đến lớp khi chưa điều trị khỏi bệnh hoàn toàn. Các bậc phụ huynh đặc biệt là những người mẹ cần phải nắm vững những dấu hiệu biến chứng của tay chân miệng như: trẻ sốt cao khó hạ, sốt liên tục hơn 2 ngày; trẻ nôn ói, giật mình… phải đưa đến bệnh viện để được hỗ trợ chuyên môn.
Việt Hằng
Ý kiến ()